Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nhà mạng chặn nhầm tin nhắn “sạch”
Hữu Tuấn - 11/04/2015 08:06
 
Khắc phục tình trạng hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân bị nhà mạng chặn tin nhắn sạch như thế nào?
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lúng túng xử lý chuyện phòng the "nhảy" vào OTT
Tiếp thị kiểu “khủng bố”

Bao nhiêu thuê bao bị chặn oan?

Doanh nghiệp nhắn tin cho nhân viên, nhắn thông báo cho khách hàng hoặc khách hàng nhắn tin hàng loạt cho nhóm danh bạ của mình “bỗng dưng” bị chặn tin nhắn là thực trạng xảy ra trong thời gian gần đây.

Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu nhắn tin với tần suất cao có thể đăng ký miễn phí với nhà mạng để được đưa vào danh sách quản lý

Tại Bkav, lãnh đạo doanh nghiệp này dùng sim nhắn tin thông báo cho nhân viên của mình. Tin nhắn chiều đi tiếp theo đã bị chặn vì “có nội dung giống nhau” lại gửi cho nhiều người, gửi cùng lúc. Ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty Bkav cho biết, sau khi bị chặn tin nhắn chiều đi, Bkav đã phải đổi sim để thực hiện tin nhắn thông báo cho nhân viên.

Tương tự, phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư, chị Ngô Thị Thu H., Giám đốc một thẩm mỹ viện tại Hà Nội cho biết, Trung tâm Spa của chị mở một chương trình tri ân tới khách hàng và chị đã nhắn thông tin này theo danh sách khách hàng trong danh bạ của chị. Nhưng tin nhắn của chị tới khách hàng đã bị chặn.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khách hàng cũng phản ánh việc họ bị chặn tin nhắn. Có rất nhiều trường hợp chủ thuê bao gửi tin nhắn bình chọn các chương trình giải trí, gửi thông báo, gửi chúc mừng… cho nhiều người cùng lúc. Kết quả là họ đã bị các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone chặn tin nhắn đi.

Chỉ trong 3 tháng gần đây, số lượng thuê bao bị Viettel chặn do phát tán tin nhắn rác là 150.000 thuê bao, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, VinaPhone đã khóa trung bình 3.400 thuê bao/ngày, lúc cao điểm lên tới 10.500 thuê bao/ngày. Nhưng chưa nhà mạng nào bồi thường cho các “khổ chủ” bị chặn tin nhắn.

Vì sao lại bị chặn?

Lý giải nguyên nhân chặn tin nhắn, đại diện VinaPhone cho hay, có ba cơ sở rà soát tin nhắn rác là tần suất nhắn tin, nguồn tin và các từ khóa xuất hiện trong nội dung. Khi phát hiện thuê bao gửi tin nhắn tần suất cao trong thời gian ngắn, từ khóa trong tin nhắn thường là những từ nhạy cảm hay những từ phát sinh gần nhất liên quan đến quảng cáo tin nhắn rác (như nhà đất, sex, liên quan đến bói toán...), vi phạm các tiêu chí số lượng, tốc độ, tần suất, thuê bao sẽ bị tạm chặn chiều đi (tin nhắn sẽ bị fail). Trong ngày hôm sau, VinaPhone sẽ kiểm tra xem thuê bao này có vi phạm từ khóa hay không mới tiến hành khóa thuê bao.VinaPhone sẽ có thông báo thuê bao đã vi phạm trước khi tiến hành khóa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc thuê bao nhắn tin tần suất như thế nào sẽ bị khóa? Đại diện VinaPhone cho hay, do các đối tượng phát tán tin nhắn rác rất nhanh chóng nắm bắt quy luật chặn tin của nhà mạng nên các tiêu chí về số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin của thuê bao được VinaPhone thay đổi liên tục tùy thuộc từng giai đoạn. Nếu công khai thông tin về tần suất bao nhiêu là vi phạm thì những người có ý định phát tán tin nhắn rác sẽ căn cứ vào đó để giảm tần suất, tránh bị phát hiện.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, việc chặn tin nhắn rác của MobiFone hiện tại theo tần suất 50 - 70 tin nhắn/phút, tức là nếu hệ thống phát hiện một đầu số nào đó có tần suất nhắn tin như trên thì sẽ tiến hành chặn, những thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ sẽ có mức độ chặn cao hơn ngày thường. Với tần suất này, việc nhắn tin bình thường hoàn toàn không bị ảnh hưởng, tuy nhiên nếu nhắn cho một nhóm thì hệ thống của MobiFone sẽ hiểu là phát tán tin nhắn rác.

Nhà mạng Viettel thì cho biết, Viettel xử lý tin nhắn rác theo cơ chế hậu kiểm thời gian gần thực (sau 1 tiếng), hệ thống bao gồm 2 lớp là lớp quét lọc nghi ngờ và lớp loại bỏ nghi ngờ. Lớp quét lọc nghi ngờ bao gồm bộ 12 đặc điểm phối hợp với nhau phát hiện được rất nhiều thuê bao vi phạm, ngược lại lớp loại bỏ đánh giá, phân tích hành vi thuê bao trong lịch sử để quyết định thuê bao bình thường hay thuê bao spam, vì vậy kể cả các thuê bao có phát sinh hành vi nhắn tin nhiều đột biến, tần suất cao cũng chưa chắc bị chặn vì có hành vi giống thuê bao bình thường.

Xử lý quyền lợi khách hàng thế nào?

“Theo quy định của pháp luật, hệ thống của nhà mạng chỉ xác định tin nhắn rác qua các tiêu chí số lượng, tốc độ, tần suất nhắn tin và từ khóa trong nội dung nên có thể có tình trạng khóa nhầm thuê bao. Trường hợp thuê bao khiếu nại, nhà mạng sẽ xác minh và mở lại cho thuê bao nếu xác định thuê bao không nhắn tin rác. Vì mục tiêu ngăn chặn và chống tin nhắn rác, VinaPhone rất mong khách hàng thông cảm và phối hợp cùng với VinaPhone cùng thực hiện mục tiêu này”, ông Đoàn Xuân Hợp, Người phát ngôn của VinaPhone cho biết.

 “Tỷ lệ chặn nhầm hiện nay Viettel duy trì dưới 1%. Tuy nhiên, trong quá trình quét chặn vẫn phát sinh trường hợp chặn nhầm, đặc biệt trong các dịp lễ Tết hoặc ngày đặc biệt khi có nhu cầu tin nhắn tăng cao, Viettel sẽ xác minh mục đích nhắn tin của khách hàng so khớp với hệ thống ghi nhận, sau đó sẽ mở chặn cho khách hàng”, đại diện Viettel cho hay.

Còn theo khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, thì “chỉ sau 5 phút” có phản ánh của khách hàng về việc bị chặn nhầm thì sẽ mở lại ngay. Tuy nhiên, đại diện MobiFone cũng thừa nhận hệ thống chưa đủ thông minh nên việc chặn nhầm là có.

Lãnh đạo MobiFone cũng cho biết, nếu khách hàng chứng minh thiệt hại, MobiFone sẽ xem xét bồi thường cho khách hàng. Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu nhắn tin với tần suất cao có thể đăng ký miễn phí với MobiFone để nhà mạng đưa vào danh sách quản lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư