Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Nhà mạng "cởi áo" viễn thông, xoay hướng kinh doanh
Tú Ân - 12/01/2021 13:28
 
Dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, các nhà mạng đã chuyển mình định vị trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, doanh nghiệp công nghệ.
Doanh thu dịch vụ truyền thống giảm mạnh, các nhà mạng đang chuyển đổi thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số 	ảnh: đ.t
Doanh thu dịch vụ truyền thống giảm mạnh, các nhà mạng đang chuyển đổi thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.  Ảnh: Đ.T

Viễn thông truyền thống ngày càng khó khăn

Bức tranh viễn thông năm 2020 không mấy sáng sủa khi bóng ma Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới tất cả các hoạt động của thị trường, chưa kể nội tại thị trường này vốn cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhau, giữa các nhà mạng Việt Nam với dịch vụ OTT xuyên biên giới của Facebook, Google, Viber…

Năm 2020 cũng là năm có nhiều chính sách mới áp dụng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhà mạng như việc giảm cước kết nối, dừng chính sách phát triển mới trên hệ thống kênh ủy quyền và thắt chặt quản lý sim điện thoại.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết thúc năm 2020, doanh thu dịch vụ viễn thông chỉ tăng nhẹ khoảng 0,3% so với năm 2019. Tập đoàn Viettel vẫn là đơn vị duy trì được sự ổn định khi đạt tổng doanh thu hơn 263.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng. Trong khi  VNPT đạt tổng doanh thu hơn 162.700 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch, lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng. Còn MobiFone doanh thu ước đạt gần 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 4.460 tỷ đồng.

Một nhà mạng nhỏ là Vietnammobile đạt doanh thu khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019, lợi nhuận ước tính cả năm đạt 2,5 triệu USD. Đây là năm đầu tiên Vietnamobile hoàn thành 100% kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận.

Năm 2020 tiếp tục ghi nhận đà suy giảm của thoại và SMS trong cơ cấu doanh thu viễn thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu dịch vụ di động hiện vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS, đang chiếm hơn 54%, trong khi những dịch vụ này đã bão hòa. Doanh thu dữ liệu chỉ đạt 34% tổng doanh thu dịch vụ viễn thông di động, trung bình thế giới đạt trên 43%.

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2020, Viettel vẫn cán đích và tăng trưởng nhẹ là nhờ các thị trường viễn thông nước ngoài hoạt động ổn định, tỷ giá có lợi, nên dòng tiền chuyển về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt hơn 330 triệu USD.

“Các dịch vụ truyền thống giảm 7-10%, đặc biệt là SMS suy giảm mạnh, dịch vụ giá trị gia tăng khá ổn định, dịch vụ data tăng khoảng 20%. Đặc biệt là thuê bao, doanh thu của băng rộng cố định và di động tăng trưởng mạnh. Năm 2021 là năm các dịch vụ viễn thông truyền thống sẽ tiếp tục giảm, đây là xu hướng chung của thế giới”, ông Phương cho biết.

Còn ông Phạm Đức Long, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho hay, năm 2020, doanh thu data của VNPT tăng trưởng 18,9%, tỷ trọng doanh thu data trong tổng doanh thu di động tăng từ 28,3% năm 2019, lên 35,2% năm 2020. Đặc biệt là doanh thu băng rộng tăng trưởng 5,5%, thuê bao tăng 39%.

Doanh thu MyTV tăng 36,2%, thuê bao tăng 34,2%; doanh thu công nghệ thông tin tăng 18%. “Các sản phẩm của VNPT được thiết kế theo hướng tích hợp, nhắm đến từng đối tượng khách hàng. Cơ chế chính sách bán hàng được điều chỉnh theo mục tiêu phát triển khách hàng thực chất, không chạy theo số lượng”, ông Long cho biết.

Rũ bỏ tấm áo doanh nghiệp viễn thông

Năm 2021 được các doanh nghiệp xác định sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng cũng là năm bản lề cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nên cả 3 ông lớn viễn thông khẳng định “cởi bỏ” hoàn toàn chiếc áo doanh nghiệp viễn thông, trở thành doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp số.

Cuối tuần qua, Viettel công bố tái định vị thương hiệu Viettel, với bộ nhận diện gồm logo và slogan mới. Đây là bước cuối cùng để cởi bỏ chiếc áo viễn thông, khoác lên chiếc áo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số. Thực ra, từ năm 2018, Viettel tuyên bố sứ mệnh mới: “Tiên phong kiến tạo xã hội số” và thực hiện chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số.

“Về bản chất, Viettel đã thực sự chuyển đổi xong từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ số. Với việc tái định vị thương hiệu và ra mắt nhận diện thương hiệu mới, Viettel muốn thể hiện sự thay đổi sâu sắc để thực sự là một nhà cung cấp dịch vụ số tiên phong và chủ lực”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói.

Còn ông Phạm Đức Long cũng cho biết, năm 2020, VNPT đã khẳng định được vai trò tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia khi triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ, doanh nghiệp. Năm 2021 sẽ đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của VNPT.

“Thực ra, từ đầu năm 2017, VNPT đã định vị phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. Chúng tôi xác định, VNPT phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam. Nghĩa là, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong bối cảnh mảng viễn thông ngày càng suy thoái, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội sinh tồn và phát triển bằng việc cung cấp các dịch vụ số, công nghệ số mới cho các doanh nghiệp, tổ chức trong một nền kinh tế số đang ngày càng rộng mở. Bởi vậy, trong những năm tới, chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh, mà còn quyết định số mệnh của VNPT”, ông Long khẳng định.

Với MobiFone, doanh nghiệp này cũng đã tuyên bố sẽ chuyển thành công ty công nghệ từ năm 2021. Theo ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là chuyển đổi MobiFone thành công ty công nghệ, đảm bảo hướng đi trong tương lai.

Vietnamobile thì đang xây dựng hình ảnh và chuyển đổi  sang “mạng di động dữ liệu” với doanh thu từ dịch vụ dữ liệu đóng góp 35% vào tổng doanh thu, tăng gấp đôi so với năm 2019. I-Telecom lại được định vị để trở thành nhà mạng cung cấp đa dịch vụ dựa trên nền tảng gốc là cơ sở dữ liệu và khách hàng là thuê bao di động 087.

Năm 2021 sẽ là năm thuận lợi cho quá trình chuyển mình thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, doanh nghiệp công nghệ của VNPT, Viettel, MobiFone khi Bộ Thông tin và Truyền thông xác định sẽ đề xuất các cơ chế chính sách để huy động, chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của xã hội số, kinh tế số. Bộ cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông hoàn tất quá trình thử nghiệm, đẩy nhanh việc thương mại hóa và đầu tư vào mạng 5G, cũng như mạng cáp quang băng rộng. Thúc đẩy chương trình chuyển đổi máy 2G/3G lên máy smartphone  4G/5G, sản xuất máy 4G, 5G giá rẻ...

Mục tiêu năm 2021 của một số doanh nghiệp viễn thông

 VNPT phấn đấu đạt doanh thu tăng trưởng 8%, lợi nhuận tăng trưởng 6% so với thực hiện năm 2020.

MobiFone phấn đấu phát triển mới 7 triệu thuê bao di động các loại; trên 300.000 thuê bao băng rộng cố định. Tổng doanh thu hợp nhất phấn đấu đạt 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 5.000 tỷ đồng.

Vietnamobile đặt mục tiêu doanh thu 2.522 tỷ đồng, tăng 5,55 triệu thuê bao.

I-Telecom hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2020 cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Ngày 4/9/2020, VNPT thoái vốn tại Công ty Công trình Viễn thông
Ngày 4/9 tới đây, tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), VNPT sẽ bán đấu giá để thoái vốn tại Telcom.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư