Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TP.HCM chưa có vốn để vận hành
Lê Quân - 18/07/2024 08:09
 
Dự án mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (công suất 469.000 m3/ngày/đêm, lớn nhất TP.HCM) đã hoàn thành cuối năm 2023, song đến nay, Thành phố chưa bố trí vốn để vận hành phần mở rộng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) vừa có văn bản gửi Sở Tài chính xin ý kiến về việc giao vốn chi thường xuyên cho Ban để vận hành thử 6 tháng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng.

Một góc nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Bao Giao thông cho biết, ngày 4/7/2024, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có văn bản gửi UBND TP.HCM thông báo rằng toàn bộ công tác xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (Gói thầu J) sử dụng vốn ODA đã hoàn thành vào tháng 12/2023.

Vì vậy, hợp đồng của Gói thầu J không thể gia hạn thêm để làm bất kỳ công việc nào khác và việc vận hành thử 6 tháng cần được giao các đơn vị chức năng của Thành phố thực hiện.

Vì vậy, JICA đề nghị UBND TP.HCM bàn giao cho đơn vị vận hành để tránh nguy cơ trục trặc do tình trạng ngưng vận hành kéo dài cũng như giúp phát huy hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là vốn thực hiện vận hành nhà máy chưa biết được bố trí từ nguồn nào.

Do vậy, Ban Giao thông kiến nghị Sở Tài chính cho ý kiến rằng với nhiệm vụ được giao hiện nay Ban có thể được giao nguồn vốn chi thường xuyên hay vốn duy tu để thực hiện việc vận hành thử nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Trong trường hợp có thể bố trí vốn chi thường xuyên cho Ban Giao thông để thực hiện thì với chức năng và nhiệm vụ được giao Ban phải thực hiện những thủ tục gì để được giao vốn vận hành nhà máy.

Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, tại huyện Bình Chánh sau khi hoàn thành mở rộng sẽ xử lý 469.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm, tăng 328.000 m3 so với giai đoạn I.  Nhà máy sẽ xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100 ha, khoảng 2 triệu người.

Đây là một trong 6 gói thầu xây lắp lớn của Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước.

450 triệu USD cải thiện môi trường TP.HCM
 Hôm qua (12/3), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ký các thoả thuận cho vay và tín dụng ưu đãi với tổng trị giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư