Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII
Nhà nước và thị trường cần phải mềm hóa lẫn nhau
GS-TS Trần Ngọc Thơ - 09/11/2020 08:37
 
Thế giới thời đại dịch cùng những căng thẳng địa chính trị, khiến mọi thứ trở nên bất định. Các giáo điều về vai trò của nhà nước và thị trường cũng cần phải được nhận thức lại.

Nên chăng, nhà nước và thị trường phải mềm hóa lẫn nhau?

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Gia Bảo
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Gia Bảo

Thị trường và nhà nước hậu Covid-19

Covid-19 tuy không ai mong muốn, nhưng sao khéo chọn đúng thời điểm. Hãy thử tưởng tượng, nếu đại dịch xảy ra cách đây vài thập kỷ, khi cuộc đại phong tỏa toàn cầu mà không có các nền tảng kỹ thuật số như Zoom, Amazon…, thì không chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh, mà cả hoạt động của nhà nước bị tê liệt. Các hoạt động của thị trường rất nhanh nhạy để nắm bắt các xu thế mới. Chúng chẳng những giúp các doanh nghiệp hồi phục nhanh sau cú sốc, mà còn tạo ra những nền tảng cơ bản cho tăng trưởng trong dài hạn.

Nhưng cũng thử tưởng tượng, nếu đại dịch xảy ra vào đầu thế kỷ XX, thời điểm mà nhiều chính phủ theo đức tin: mọi thứ hãy cứ để cho bàn tay vô hình điều tiết nền kinh tế. Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1932 kéo dài thật lâu và để lại hậu quả nặng nề là do chính phủ phó mặc thị trường tự xử lý các chu kỳ kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 được cho là sẽ làm thay đổi vĩnh viễn thế giới và hành vi của con người. Nhận thức về vai trò của nhà nước và thị trường trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần phải đặt trong bối cảnh hậu đại dịch để có những phân tích đa chiều.

Nhà nước cần xuất hiện kịp thời, đúng lúc thị trường cần nhất

Thế giới hậu đại dịch đang khẳng định một trong những quan niệm sai lầm của kinh tế học tân cổ điển khi cho rằng, hiệu quả (chi phí thấp, lợi nhuận cao) là đức tính số 1 của thị trường. Kể từ khi đại dịch bùng phát, thực tế cho thấy, thay vì hiệu quả, đức tính hàng đầu của thị trường là sự hồi phục, tức khả năng bật dậy sau cú sốc, để sau đó hướng đến một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo. Có 3 lý do để trả lời cho câu hỏi tại sao cần có sự dự phần từ những khoản đầu tư ban đầu của nhà nước trong quá trình này.

Thứ nhất, các dự án công nghệ cao liên quan đến đổi mới sáng tạo có chi phí cố định cực lớn. Cho dù được thể hiện dưới dạng đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị hay vốn con người, chúng chỉ có thể mang lại lợi ích to lớn bằng cách để khu vực công cấp vốn.

Thứ hai, các khoản chi đầu tư phát triển từ đầu nguồn khu vực công sẽ lan tỏa thành các công nghệ nhánh mới chuyển sang cho khu vực tư thụ hưởng. Chẳng hạn, hệ thống định vị GPS ban đầu được sử dụng trong công nghiệp quốc phòng, giờ đã lan tỏa ra mọi ngóc ngách xã hội.

Thứ ba, những hạn chế về tín dụng đối với khu vực tư, nơi một dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) cần nguồn tài trợ vô cùng lớn, sẽ rất khó triển khai nếu không có sự hỗ trợ từ khu vực công.

Nghiên cứu của GS. Bill Janeway đến từ Đại học Cambridge cho rằng, trong 3 lý do trên, lý do chi phí cố định quá cao của các dự án R&D là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nhà nước cần thiết phải bước vào thị trường. Còn hơn cả chia sẻ rủi ro, đầu tư từ khu vực công còn để giảm thiểu rủi ro cho khu vực tư. Đây là luận điểm đáng lưu ý trong nhận định của GS. Bill Janeway. Điều này càng đặc biệt đúng trong thế giới hậu đại dịch, khi tình trạng kiệt quệ tài chính của khu vực tư còn kéo dài không biết đến bao giờ.

Mô hình hàng tồn kho hiệu quả “đúng nơi, đúng thời điểm, đúng số lượng” gần như là giáo khoa thư trong quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp bấy lâu nay. Thực tế, khi gặp một cú sốc như đại dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp ngay lập tức hết nguyên liệu sản xuất. Hậu đại dịch cùng với các bối cảnh địa chính trị phức tạp ngày nay buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đến xây dựng một hệ thống hướng đến sự hồi phục thay cho hiệu quả. Họ sẽ phải chấp nhận chi phí sản xuất, lao động đắt hơn, hàng tồn kho nhiều hơn để phòng ngừa chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong nông nghiệp, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi hoàn toàn các mô hình sản xuất truyền thống. An ninh lương thực sẽ được đặt lên hàng đầu. Hệ thống ngân hàng cũng phải thay đổi, thay vì chạy theo lợi nhuận, chính phủ buộc các ngân hàng chú trọng nhiều hơn đến an toàn vốn để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu lây lan từ các gói kích thích kinh tế khổng lồ trên toàn thế giới.

Hàng loạt vấn đề cần phải đặt ra để chuyển từ một hệ thống hiệu quả sang một hệ thống mới hồi phục. Ai sẽ là người cung cấp nguồn tài chính khổng lồ? Nếu không có sự tham dự của nhà nước, thì bản thân thị trường sẽ không thể. Nếu nhà nước không xuất hiện kịp thời với các khoản đầu tư lớn từ thượng nguồn để rồi sau đó lan tỏa sang khu vực tư, thì đó sẽ là một sự lãng phí nguồn lực lớn nhất.

Nhà nước và thị trường cần phải mềm hoá lẫn nhau

Hễ nói đến đầu tư công, các giáo khoa kinh tế phổ biến vào thập niên 1970 cho rằng, chúng chỉ tạo ra duy nhất “hiệu ứng lấn át” (crowding out effect) đối với khu vực tư (đầu tư công sẽ giành bớt phần khu vực tư). Do đó, kết quả của chính sách can thiệp của nhà nước chỉ làm giảm năng suất lao động của nền kinh tế và dẫn đến tăng trưởng yếu kém trong dài hạn.

Các giáo điều về vai trò của nhà nước và thị trường cần phải được nhận thức lại.
Nếu chúng ta muốn mọi thứ phải giữ nguyên, thì mọi thứ phải thay đổi.

Nhưng một nghiên cứu mới đây của các tác giả Enrico Moretti, John Van Reenen, Claudia Steinwender (Khoa Kinh tế của Đại học California, Berkeley và Trường Quản lý MIT Sloan) về tác động của chi tiêu R&D và quốc phòng từ khu vực công đối với R&D của khu vực tư lại cho thấy điều ngược lại.

Theo đó, chi tiêu R&D khu vực công đã làm tăng R&D khu vực tư. Dựa trên các dữ liệu của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các tác giả phát hiện, cứ 10% chi tiêu (hoặc trợ cấp) của chính phủ trong một năm sẽ dẫn đến 4% tăng chi tiêu R&D khu vực tư vào năm sau. Điều này hàm ý, 1 USD chi tiêu công sau đó sẽ được chuyển dịch thành 5 USD chi tiêu R&D chung cho cả 2 khu vực công và tư. Đây được gọi là “hiệu ứng mời gọi” (crowding-in effect).

Đại dịch cũng đang chứng kiến hiệu ứng mời gọi chiều ngược lại: từ khu vực tư sang khu vực công. Ngay khi những con virus corona đầu tiên xuất hiện, chính các hãng dược phẩm, chứ không ai khác, đã nhanh nhạy nhất dành ngân sách lớn cho R&D trong thử nghiệm và sản xuất vaccine.

Phản ứng của thị trường chạy theo lợi nhuận, tất nhiên, vô hình trung lại tạo ra hiệu ứng mời gọi khu vực công cùng tham gia nghiên cứu (chính phủ nhiều nước đã tài trợ cho các hãng dược phẩm để thử nghiệm và sản xuất vaccine).

Muốn mọi thứ phải giữ nguyên, mọi thứ phải thay đổi

Có quan điểm cho rằng, nền kinh tế thị trường hiện đại trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII là một thị trường hoàn hảo. Các nhà kinh tế từng mỉa mai thị trường hoàn hảo chỉ là sản phẩm trong các mô hình toán kinh tế với các giả định phi lý mà thế giới thực không bao giờ tồn tại. Thị trường sẽ luôn xuất hiện các bất cân xứng thông tin dẫn đến trục lợi; cũng sẽ xuất hiện những kẽ hở của chính sách để trốn thuế, lách thuế… Nhưng không vì thế, mà Nhà nước cấm đoán các hoạt động để có một thị trường thông tin hoặc một chính sách thuế hoàn hảo. Vai trò của nhà nước trong các trường hợp này chỉ nên làm mềm hóa bằng các khuôn khổ thể chế và pháp lý, chứ không phải tìm mọi cách thuần hóa chúng. Giáo dục tốt để mọi người tránh xa điều xấu vẫn hiệu quả hơn so với cấm đoán.

Các nghiên cứu cho thấy, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhiều nền kinh tế bắt đầu hồi phục không phải nhờ vào các gói kích thích tài khóa, tiền tệ khổng lồ, mà nhờ một thị trường lao động linh hoạt. Các nhà kinh tế thường  viện dẫn đến các bộ chỉ số tự do kinh tế hay tự do hóa dòng vốn như là thước đo xác lập liệu một quốc gia có phải là một nền kinh tế thị trường thực sự. Giáo điều này có thể phải thay đổi. Ngược với tự do hóa, các bộ chỉ số mới đang được các nhà kinh tế thêm vào để phản ảnh các đặc tính thị trường trong điều kiện bình thường mới. Chẳng hạn, các chỉ số “hồi hương” kinh tế (chính phủ nhiều nước phát triển đang khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển trụ sở về chính quốc), hay bộ chỉ số phản ánh tính linh hoạt của thị trường lao động ứng phó trước các cú sốc...

Thế giới hậu đại dịch cùng với các căng thẳng địa chính trị khiến mọi thứ đều bất định không biết đến bao giờ. Điều mà chúng ta biết chắc chắn nhất là “không biết gì”. Các giáo điều về vai trò của nhà nước và thị trường cũng cần phải được nhận thức lại. Nếu chúng ta muốn mọi thứ phải giữ nguyên, thì mọi thứ phải thay đổi. Các cách đặt vấn đề trước đây thường là giữa nhà nước và thị trường, cái nào tiến cái nào lùi, nhà nước can thiệp nhiều hay ít, đến mức độ nào. Cách đặt vấn đề mới nên chăng, cả hai cần phải mềm hóa lẫn nhau. Đây nên là điều cần được làm rõ thêm về cách hiểu thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, mỗi văn bản, mỗi quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tác động rất lớn đến xã hội,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư