Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhà hát Hồ Gươm sẽ tạo không gian cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật
Hạnh Nguyên (thực hiện) - 13/07/2023 07:21
 
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, với vị trí đắc địa tại quận Hoàn Kiếm cùng cơ sở vật chất được chú trọng đặc biệt, Nhà hát Hồ Gươm sẽ là yếu tố thúc đẩy đời sống âm nhạc, đời sống văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa du lịch của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phóng viên Báo Đầu Tư có cuộc trò chuyện cùng Nhà sử học Dương Trung Quốc về Nhà hát Hồ Gươm - Công trình được xem là biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô Hà Nội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Xây dựng nhà hát mang tính biểu tượng tại Hà Nội đã là câu chuyện được bàn từ rất lâu, song suốt gần 70 năm giải phóng, thủ đô của chúng ta vẫn chỉ có Nhà hát lớn Hà Nội, có thể được gọi là một biểu tượng, dù vẫn còn khoảng cách lớn với thế giới. Thưa ông, điều gì đã khiến giấc mơ về một nhà hát quy mô, tầm cỡ quốc tế đến nay mới thành hiện thực?

- Một công trình nhà hát đòi hỏi đầu tư tâm huyết, công sức, trí tuệ, tích hợp thành tựu nhân loại. Nhưng để tạo nên giá trị cho nhà hát không chỉ có vậy. Điều quan trọng hơn cả đó là nhà hát sẽ mang lại tác động như thế nào về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân? Người ta đến đây được thụ hưởng những giá trị gì? 

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO) biểu diễn tại Lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm

Nhà hát Hồ Gươm trong tương lai sẽ không chỉ phát huy thế mạnh vị trí đắc địa, hay cấu trúc hiện đại. Quan trọng hơn, Nhà hát Hồ Gươm phải là nơi nâng cao giá trị tinh thần, làm phong phú hơn, làm giàu có thêm cho đời sống văn hóa của người dân thủ đô. Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, trung tâm âm nhạc, trung tâm trình diễn của cả nước, rộng lớn hơn là với khu vực và thế giới. 

Công trình Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công An và UBND thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành chỉ trong 22 tháng. Ông đánh giá thế nào về vai trò tiên phong của bộ, ngành công an cũng như Thành phố Hà Nội trong việc đầu tư dự án này?

- Việc Bộ công an cũng như Thành phố Hà Nội tăng cường hơn nữa những yếu tố văn hóa trong đội ngũ của của mình là việc làm rất tốt vì những dự án này không chỉ phục vụ ngành, mà còn phục vụ người dân, đóng góp cho cộng đồng, mang lại lợi ích chung cho xã hội.

Đã có một thời kỳ xa xưa, những người say mê thể thao nghĩ đến đội bóng đá của ngành công an hay quân đội (đội bóng đá Thể Công.PV) với niềm tự hào chung. Vì vậy, việc tăng thêm hàm lượng văn hóa cho lực lượng vũ trang là điều hết sức quan trọng, bởi văn hóa – nghệ thuật – thể thao cũng thể hiện chức trách của ngành, để người dân thấy hình ảnh thân thiện, đúng như chúng ta mong muốn “công an là bạn nhân dân”. Những người bạn ấy không chỉ đồng hành trong đảm bảo an ninh trật tự, mà quan trọng hơn là hiện diện vào mọi mặt trong đời sống văn hóa.

Nhà hát Hồ Gươm sở hữu kiến trúc Tân Cổ Điển với điểm nhấn 52 cột đá nhập khẩu nguyên khối từ Tây Ban Nha

Nhà hát đi vào vận hành một thời gian thì chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi nói trên. Song tôi mong rằng Nhà hát sẽ tương xứng với những điều chúng ta kỳ vọng, tương xứng với tổng mức đầu tư. Sự đánh giá khách quan sẽ đến từ chính các khán giả.  Chúng ta kỳ vọng Nhà hát có thể tạo ra tác động, tạo nên chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc. 

Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công an và Thành phố Hà Nội khánh thành ngày 9/7. Việc bổ sung thêm 1 nhà hát quy mô tầm cỡ quốc tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại với 900 chỗ ngồi ở khán phòng lớn và 500 chỗ ngồi ở khán phòng nhỏ, theo ông sẽ có ý nghĩa thế nào đối với Hà Nội?

- Kể từ khi xây dựng Nhà hát Lớn năm 1911 đến nay, Hà Nội chưa có thêm một nhà hát tầm cỡ thành phố nào. Dù Hà Nội đã có thêm nhiều không gian biểu diễn khác nhau nhưng thực tế các địa điểm biểu diễn đó vẫn còn hạn chế về vị trí cũng như về hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng dành riêng cho nhà hát. Ngay như với Nhà hát Lớn, người Pháp cũng nói rằng  khi chúng ta tiếp quản thì họ cũng chưa hoàn thiện xong. Nhiều yếu tố hiện đại về mặt kĩ thuật vẫn chưa được đưa vào. Sau đó,  Nhà hát Lớn cũng từng được tu sửa rất công phu, nhưng do một số hạn chế nên chưa thể hoàn thiện được ở mức đỉnh cao. 

Khán phòng lớn Nhà hát Hồ Gươm sử dụng các trang thiết bị và công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới

Tôi được biết, Nhà hát Hồ Gươm ngoài việc đầu tư cho phần “vỏ” kiến trúc thì phần “lõi” – tức cơ sở vật chất âm thanh, ánh sáng, loa đài… cũng được chú trọng đặc biệt để trở thành một nhà hát đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe, tiêu chuẩn ngày càng cao của âm nhạc hiện đại. Trong đó, vấn đề công nghệ là một yếu tố quan trọng, giúp chúng ta bắt kịp và hội nhập với trình độ âm nhạc tiên tiến của thế giới. Điều đó cũng cho thấy, bên cạnh phát huy những giá trị truyền thống thì Việt Nam cần sớm hội nhập để theo kịp tốc độ phát triển hiện đại, nâng cao chất lượng nền âm nhạc Việt Nam.

Chúng ta từng có nhiều dự tính về xây dựng nhà hát này, nhà hát kia. Và điều trăn trở đặt ra là hiệu quả hoạt động của nó ra sao, hiệu quả của nó thế nào? Làm gì để nhà hát luôn luôn “đỏ đèn” và luôn phát huy được vai trò. Chúng ta đã đầu tư vào đây, dù là ngành nào đầu tư đi chăng  nữa, cũng trở thành tài sản chung của xã hội. Như vậy, Nhà hát Hồ Gươm sẽ là yếu tố thúc đẩy đời sống âm nhạc, đời sống văn hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sảnh nhà hát với dàn đèn lộng lẫy, sang trọng

Có thể nói, sau hơn 100 năm xây dựng Nhà Hát lớn, đến nay chúng ta mới lại thấy có thêm một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Công trình này được xây dựng ngay trong không gian đậm văn hóa lịch sử, tạo nên sự hài hòa cho không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, kết nối chặt chẽ giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Chúng ta có quyền hi vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thành đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội vậy. 

Việc xây dựng một nhà hát quy mô, tầm cỡ, được đầu tư hiện đại đạt tiêu chuẩn biểu diễn tất cả các loại hình nghệ thuật từ khó nhất như opera đến nhạc giao hưởng và các loại hình khác có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa nghệ thuật quốc gia, thưa ông?

- Nhà hát Hồ Gươm sẽ tạo ra một không gian, một môi trường cho sự phát triển văn hóa, cho nghệ thuật.

Nhà hát không chỉ là nơi đón nhận các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ tới biểu diễn giới thiệu những điều mới mẻ, mà chúng ta cũng mượn chính những công trình này để lan tỏa những giá trị truyền thống nhưng ở một trình độ cao, đặc biệt khi chúng ta đã có sự hỗ trợ về không gian và công nghệ. Tôi kì vọng Nhà hát sẽ được quản lý để phát huy đúng chức năng, mục tiêu. Chúng ta không thể đo đếm giá trị văn hóa một cách thuần túy bằng vật chất, nhưng để thiết chế văn hóa vận hành thì phải hướng tới hiệu quả kinh tế, vì vậy điều mọi người mong muốn là nhà hát sẽ “đỏ đèn” và mang lại giá trị tích cực. Chúng ta từng có những cơ sở xây dựng không phải là không tốn kém nhưng lại không phát huy được, hoặc sai mục đích, công năng ban đầu. 

Nhà hát Hồ Gươm hướng tới đón các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tới biểu diễn

Nhà hát Hồ Gươm đã được đặt tại một vị trí đắc địa, cách hồ Hoàn Kiếm mấy trăm mét, nghĩa là đang nằm trong lõi của thành phố, của quận Hoàn Kiếm – nơi chúng ta luôn coi là địa điểm giàu giá trị văn hóa, mang bản sắc điển hình nhất của thủ đô. Mong rằng nhà hát sẽ phát huy vai trò, vị thế của mình. Với vị trí ấy, nhà hát Hồ Gươm sẽ thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc để tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội.

Việt Nam có đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú, song vẫn còn tồn tại khoảng cách rất lớn với tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới ở tất cả các lĩnh vực như hội hoạ, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh.... Vậy khi đã đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất rồi thì chúng ta còn cần làm gì để thu hẹp khoảng cách này? 

- Tôi chưa thể so sánh về mặt trình độ. Nhưng về chính sách và chủ trương thì nhà nước ta đã và đang rất quan tâm đến đời sống văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng, văn hóa là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.

Tuy nhiên, đúng là trong lĩnh vực âm nhạc và văn hóa có một yếu tố khách quan chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang còn ở một khoảng cách khá xa với “thế giới” về mặt tiến bộ kĩ thuật, khoa học công nghệ. Nếu ta rút ngắn được nó, đầu tư được, quản lý tốt và hiệu quả, không lãng phí thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công lớn. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư