Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Nhận diện biến động nhân sự hậu M&A
Vũ Anh - 31/05/2013 13:55
 
Mua bán, sáp nhập (M&A), dù theo dạng nào, cũng tạo ra xung đột ở quản trị cấp cao và chính sách nhân sự.
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Văn Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển tin học HKT Hà Nội là người chơi chính trong chương trình tuần này

Hoạt động M&A đã sôi động từ năm 2007 cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Song để nói về những thương vụ thực sự “lột xác” sau khi M&A, thì chưa có nhiều.

Trong khi đó, công cuộc cải tổ, tái cấu trúc hậu M&A mới là điều đáng quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề nhân sự.

Thông thường, các thương vụ M&A về cơ bản được chia làm 3 loại hình chính là: hoạt động độc lập, thâu tóm công ty bởi một công ty khác, hoặc sáp nhập hai hoặc nhiều công ty thành một công ty.

Với mỗi loại hình, cần có những giải pháp về nhân sự sau sáp nhập, nhằm đạt mục tiêu duy trì được đội ngũ nhân viên có tài, có trình độ, sự ổn định về tâm lý của nhân viên, sự phù hợp với văn hóa của đất nước và của doanh nghiệp.

Đối với hình thức hoạt động độc lập, hầu hết nhân sự sẽ không có sự thay đổi. Song việc quan trọng công ty cần làm là xác định lại vai trò và trách nhiệm của nhân sự cao cấp. Điều này thể hiện rõ qua các thương vụ M&A liên quan tới các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua. Khi nhà đầu tư nước ngoài nắm tỷ lệ cổ phần dưới 20%, thì công ty hầu như không có bất cứ sự thay đổi nào về nhân sự chủ chốt trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, sau quá trình rà soát nhân sự chủ chốt và tái cấu trúc công ty, thì sẽ có thay đổi và bổ sung. Điều này thể hiện qua việc thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng sau khi có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài như Techcombank, SeAbank, hoặc Công ty cổ phần Beton 6 sau khi Bình Thiên An tiến hành thâu tóm nhưng vẫn để công ty hoạt động độc lập.

Với hình thức thâu tóm một công ty, chắc chắn sẽ có sự biến động nhân sự mạnh ở những vị trí chủ chốt như HĐQT, Ban kiểm soát, thành viên Ban giám đốc. Động thái bổ nhiệm các nhân sự cao cấp này có mục tiêu đảm bảo cho việc quản lý hiệu quả đầu tư vào công ty thâu tóm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kết hợp lợi thế trong việc tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, thương hiệu sản phẩm.

Lúc này, công ty đi thâu tóm cần đánh giá năng lực hiện tại của nhân viên tại công ty bị thâu tóm và việc thay đổi hay tuyển mới nhân sự cấp cao cần phải chú ý đến ổn định về mặt kinh doanh, về tâm lý của người lao động, cũng như phù hợp với văn hóa của công ty.

Với hình thức sáp nhập hai hoặc nhiều công ty thành một công ty, vấn đề nhân sự cần phải đạt được hiệu quả tối đa nhất, thông qua việc đánh giá năng lực lãnh đạo cấp cao của từng công ty. Việc sáp nhập này nhằm giảm bộ máy quản lý, thống nhất hoạt động kinh doanh với mục tiêu giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, các nhân sự chủ chốt sẽ bị suy giảm, khiến họ cảm thấy bất ổn và có thể chuyển sang làm cho đối thủ cạnh tranh hoặc vị trí làm việc tương đương khác.

Ngoài ra, việc công ty quyết định công bố thương vụ tới công chúng và nhà đầu tư đã giúp các đối thủ cạnh tranh, các hãng săn đầu người soi mói và lôi kéo những nhân sự chủ chốt.

Như vậy, M&A dù theo dạng nào cũng tạo ra xung đột ở quản trị cấp cao và chính sách nhân sự. Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa các nhân sự cấp cao sẽ ảnh hưởng đến công ty và sự thay đổi, xáo trộn nhân viên cũng gây khó khăn cho bộ phận quản lý nhân sự để làm sao mọi thành viên cảm thấy thích nghi được với những thay đổi của công ty.

Nếu công ty bạn mới mua cổ phần tại một công ty khác có thương hiệu vững chắc trên thị trường, có đội ngũ nhân sự ổn định và xuất sắc, song bất ngờ, giám đốc kinh doanh và giám đốc sản xuất của công ty đó xin nghỉ, còn giám đốc Marketing lại có ý định đầu quân cho công ty đối thủ, thì bạn sẽ có giải pháp gì để giữ lại những nhân sự chủ chốt này?

Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2012, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật (2/6) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (3/6) sẽ giúp bạn tìm ra lời giải đáp.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư