Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 07 năm 2025,
Nhận diện thách thức tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Thế Hải - 18/07/2025 17:32
 
Dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay đạt trên 7,5%, xuất khẩu tăng 2 con số, nhưng để về đích với mức tăng trưởng cả năm trên 8%, thách thức cho các quý còn lại của năm nay không hề nhỏ.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm đang là một trong những thách thức cho tăng trưởng nửa cuối năm 2025.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm đang là một trong những thách thức cho tăng trưởng nửa cuối năm 2025.

Nhận diện về bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 tại hội thảo: “Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức sáng 18/7, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những thách thức liên quan đến bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, căng thẳng thuế quan, lạm phát, Việt Nam vẫn có đà từ kết quả tăng trưởng ấn tượng của 6 tháng đầu năm, cùng với các chính sách hỗ trợ để cán đích mục tiêu tăng trưởng.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng ấn tượng, GDP tăng 7,52% (mức tăng cao nhất trong 15 năm qua), xuất khẩu dù đối mặt thuế quan nhưng vẫn tăng 14,5%, giải ngân đầu tư công tăng 8%, đạt gần 12 tỷ USD.

Để về đích với mức tăng trưởng cả năm trên 8%, thách thức cho các quý còn lại của năm nay không hề nhỏ, theo các chuyên gia. Bởi bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, dẫn tới những thay đổi căn bản về cấu trúc của kinh tế toàn cầu và sự tái định hình chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng… đang là lực cản cho tăng trưởng trong những tháng còn lại.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho hay: “Xuất khẩu trong tháng 6 đã có dấu hiệu giảm nhẹ, và khả năng cao khó duy trì được đà tăng này trong nửa cuối năm. Sở dĩ tăng trưởng cao trong xuất khẩu đi Mỹ 6 tháng qua là bởi các nhà mua hàng ráo riết nhập khẩu để tăng dự trữ trước thời hạn áp thuế”.

Cần phải nói thêm, mức tăng trưởng vượt trội của Việt Nam trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy trước thời hạn Mỹ áp thuế.

Chỉ ra những thách thức của tăng trưởng kinh tế 6 tháng tới, TS. Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các chính sách thương mại của nước lớn, nhất là thuế quan của Mỹ làm cho tính bất định gia tăng, càng đẩy quá trình phân mảnh kinh tế thế giới trở nên mạnh mẽ hơn, cùng với đó, thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ bị suy yếu đi nhiều.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM bày tỏ lo lắng khi niềm tin của doanh nghiệp với thị trường đang suy giảm do ảnh hưởng từ các yếu tố không thuận của kinh tế, thương mại toàn cầu và xung đột địa chính trị, vướng mắc về thủ tục hành chính…

Ông cho biết, dù xuất khẩu tăng nhưng thực chất không ít doanh nghiệp đang bị mất đơn hàng do thuế quan, sắp xếp lại nguồn cung của Mỹ. Chưa kể, điều khiến doanh nghiệp lo ngại là giải ngân vốn đầu tư công rất chậm (5 tháng đầu năm 2025, TP.HCM mới giải ngân hơn 10%), doanh nghiệp gặp khó vì vướng các chính sách pháp lý, doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn tăng 15-16% so với cùng kỳ.

Đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có thể cản đà tăng trưởng, ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch HĐQT Global AAA Consulting cho rằng, thời gian còn lại là thời điểm để doanh nghiệp chạy nước rút, quyết liệt thực hiện các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Xác định áp lực sẽ rất lớn, buộc mỗi doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động để linh hoạt ứng biến với sự biến đổi của thị trường, nâng cao hiệu quả của bộ máy (chuyển đổi số, tăng ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, nâng lợi thế cạnh tranh).

“Nếu là doanh nghiệp xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, khai thác các FTA của Việt Nam đã ký kết để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường”, ông Hào nói. 

Dẫu đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025 và kể cả năm 2026, tuy nhiên, kỳ vọng việc đàm phán thuế quan thấp hơn nhiều so với công bố ban đầu và thấp hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế thương mại và thu hút FDI.

Chính vì vậy, ông Võ Trí Thành cho biết, trong nguy vẫn có cơ hội phát triển, ông Thành khẳng định, đó là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung mạnh vào công nghệ, thị trường, tầng lớp tiêu dùng thế hệ gen Z…

Phân tích thêm về giải pháp giữ đà tăng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ, vốn là thị trường lớn của nước ta, GS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Hoa Kỳ cho rằng, những chính sách thuế quan mà Mỹ đưa ra làm thay đổi lớn về thương mại toàn cầu nhưng trên hết, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng, hàng đầu của Việt Nam, doanh nghiệp cần quan tâm để khai thác hiệu quả, bền vững.

“Kể cả thuế 20% thì chúng ta vẫn còn cơ hội, tuy chuỗi cung ứng sẽ có sự thay đổi nhưng Việt Nam phải tận dụng thời cơ để tăng mua hàng Mỹ và đầu tư công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ công nghệ, quản lý để tiến lên phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng”, GS. Trần Ngọc Anh nói.

Đề cập các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng 6 tháng cuối năm, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đánh giá, Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, 6 tháng cuối năm, nhiều chính sách mới liên quan đến thị trường tiêu thụ hàng hóa sẽ được ban hành, trong đó nổi bật là chiến lược phát triển ngành bán lẻ đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cùng các nghị định về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Chính phủ sẽ khởi động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác tại Trung Đông, Ấn Độ, Trung Mỹ - Latinh, đồng thời nâng cấp các hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, đặc biệt là chú trọng tới việc triển khai các phương án đàm phán với Mỹ.

Bên cạnh việc mở rộng các FTA, Chính phủ đang giao cho các bộ, ban, ngành nghiên cứu, bổ sung trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương nhất là đối với 12 nước châu Âu. Đây là điểm mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực về du lịch, khách sạn cần phải lưu ý.

Bộ Công thương cũng được giao nghiên cứu thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, góp phần kết nối, quảng bá và mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài.

“Chính sách hiện nay rất nhiều, và có những chính sách tưởng chừng không liên quan vẫn có thể tác động lớn đến doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu tìm hiểu kỹ qua kênh của các bộ, ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội”, bà Hương cho biết.

Xuất khẩu bám sát kịch bản tăng trưởng
Nửa đầu năm 2025 đã qua đi với giá trị thương mại của Việt Nam cán mốc 431,5 tỷ USD, tương ứng tăng thêm 59,5 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư