Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhân lực - nút thắt của ngành du lịch miền Trung
Quế Sơn - 14/07/2015 20:35
 
Dù có lợi thế là những bãi biển cát trắng trải dài, kết hợp với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, nhưng để thực sự trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, Vùng duyên hải miền Trung phải tháo được nút thắt nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Cao Trí Dũng, một doanh nhân đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở miền Trung cho rằng, du lịch là lĩnh vực đặc thù và lao động cũng rất đặc thù. Tiêu chuẩn áp dụng cho người lao động trong lĩnh vực này rất khắt khe nếu muốn phát triển bài bản. Tuy nhiên, do nhu cầu nhân sự quá lớn, phần lớn cách làm du lịch tại miền Trung hiện nay chỉ tuyển người chưa qua đào tạo rồi về từng bước đào tạo.

Đơn cử như các công ty lữ hành quốc tế, miền Trung là cánh cửa của Hành lang Kinh tế Đông – Tây, nên khách du lịch đến từ các nước như Lào, Thái Lan,… rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nói tiếng Thái, Lào lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu hướng dẫn viên cho phân khúc khách du lịch này, các đơn vị lữ hành và cả các khu nghỉ dưỡng buộc phải sử dụng lực lượng chưa qua đào tạo.

Di sản văn hóa là thế mạnh của du lịch miền Trung. Ảnh: Đức Thanh
Di sản văn hóa là thế mạnh của du lịch miền Trung. Ảnh: Đức Thanh

 

Thống kê từ các công ty lữ hành quốc tế cho thấy, các tỉnh Bắc miền Trung chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu về phiên dịch tiếng Thái. Sự thiếu hụt này càng trầm trọng hơn đối với hướng dẫn viên tiếng Lào. Thiếu lực lượng chuyên nghiệp, một bộ phận đáng kể hướng dẫn viên của các công ty du lịch Thái Lan và Lào hiện nay đều là sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học Thái Lan.

Sự thiếu hụt nhân lực còn là vấn đề nan giải ở hầu hết các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Ở nhóm dịch vụ này, số nhân viên phục vụ trực tiếp nói được tiếng Thái và Lào chỉ đạt tỷ lệ dưới 1%, trong khi số khách Thái và Lào của các khách sạn chiếm từ 10%-40% tổng số khách quốc tế. Hầu hết việc giao tiếp với khách Thái và Lào tại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch là bằng tiếng Anh, trong khi khả năng này của khách Thái và Lào là rất thấp. Sự bất đồng ngôn ngữ, sự thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán đang là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn và điểm du lịch hiện nay ở các tỉnh Bắc miền Trung.

Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương được xem là điểm đến đầu tiên của khách quốc tế bằng đường hàng không và đường biển. Để từ đây, họ tổ chức những tour tham quan Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng… Thế nhưng, lao động ở các vị trí buồng phòng, đầu bếp, phục vụ, bảo vệ… lại đang rơi vào tình trạng “khan hiếm”. Các điểm lưu trú buộc phải tuyển lao động chưa qua đào tạo, theo thống kê, lực lượng này chiếm tới hơn 40%.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2020, Đà Nẵng có khoảng hơn 20.000 phòng khách sạn 4 - 5 sao, ước tính cần thêm 40.000 lao động.

Thiếu nhân lực khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Đà Nẵng tìm mọi cách lôi kéo, hút chất xám về đơn vị mình. “Việc này tạo nên mức lương ảo trong ngành du lịch, tạo sức ép chi phí cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, chính sự lôi kéo đó đã khiến người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, không yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Các chuyên gia trong ngành du lịch nhận định, lâu nay, chúng ta chỉ tập trung quảng bá hình ảnh, giới thiệu rầm rộ những điểm du lịch của Việt Nam, rồi xây dựng hàng loạt các khách sạn, resort, nhà hàng… mà chưa quan tâm đến nguồn nhân lực để phục vụ. Chính vì vậy, khoảng cách cung - cầu đối với lao động, đặc biệt nhân lực có trình độ quản lý trong ngành du lịch đang ngày một lớn. Và khoảng cách này càng nới rộng hơn thêm khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày một tăng

Nguồn nhân lực thiếu và yếu chính là thách thức không nhỏ của ngành du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam trong cuộc chiến giành thị phần. Cũng theo các hiệp hội du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam, ngoài việc khủng hoảng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thì đội ngũ đầu bếp, phục vụ buồng phòng, nhân viên bàn, lễ tân cũng đang còn khan hiếm.

Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch còn thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành. Có 90% lực lượng lao động du lịch được đào tạo ngoại ngữ, nhưng chủ yếu trình độ A, B, đặc biệt thiếu trầm trọng đội ngũ biết ngôn ngữ Nhật, Đức, Nga...

Hơn thế nữa, phần lớn khi tuyển dụng mới, các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Đây là bất cập có lý do từ sự hạn chế hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm hướng nghiệp cho sinh viên. Sự thiếu hợp tác, đồng nhất trong đào tạo nguồn nhân lực không chỉ gây khó khăn trong tuyển dụng, hoạt động mà còn gây lãng phí cho xã hội.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, đa số các địa phương đều đề ra mục tiêu nâng dần tỷ lệ của ngành du lịch, dịch vụ trong cơ cấu GDP. Để hoàn thành mục tiêu này, vấn đề không chỉ thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng các cơ chế ưu đãi tốt nhất để tạo ra những sản phẩm du lịch, mà cần phải chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây là vấn đề then chốt để du lịch phát triển bền vững. Du khách sẽ lưu luyến và quay trở lại dải đất miền Trung nhiều lần hơn, nếu như những dịch vụ tại đây khiến họ cảm thấy hài lòng.

Tháo nút thắt cuối cùng cho du lịch miền Trung
Các địa phương miền Trung đang nỗ lực cải thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là sân bay, để tháo nút thắt cuối cùng hỗ trợ du lịch phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư