Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhân viên DaiABank - HDBank được giữ ổn định sau M&A
Thùy Vinh - 19/06/2013 10:13
 
Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng, Đại hội đồng cổ đông lần 2 của DaiA Bank cũng đã thông qua phương án sáp nhập với HDBank, với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1. Nhiều khả năng, thương vụ này sẽ hoàn tất ngay trong năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Sau một số trắc trở, cuối cùng, Đại hội đồng cổ đông của DaiA Bank đã thông qua việc sáp nhập ngân hàng này với HDBank.

HDBank có nhiều thế mạnh về vốn điều lệ, kết quả kinh doanh... so với DaiA Bank

Trước đó, ngày 19/10/2012, DaiA Bank và HDBank đã ký thoả thuận hợp tác, với nội dung chính là sáp nhập DaiA Bank vào HDBank và đã được HĐQT của hai ngân hàng thông qua.

Đồng thời, HĐQT của 2 ngân hàng cũng đã có tờ trình gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chủ trương hợp tác, mà nội dung chính là sáp nhập. Ngày 24/12/2012, NHNN có văn bản chấp thuận chủ trương nói trên của 2 ngân hàng.

Nội dung chính của thỏa thuận là tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 2 ngân hàng sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần sang ngân hàng hợp nhất.

Theo đó, một cổ phần của DaiA Bank sẽ được hoán đổi sang cổ phần của ngân hàng hợp nhất, theo tỷ lệ 1:1. Còn cán bộ chủ chốt của 2 ngân hàng đều được giữ vững cho đến khi sáp nhập và cán bộ, nhân viên của hai ngân hàng được giữ ổn định, kể cả sau hợp nhất. Ngân hàng sau hợp nhất sẽ được tăng quy mô cả về năng lực tài chính cũng như quy mô hoạt động sẽ lớn hơn.

100% cổ đông DaiA Bank đã biểu quyết thông qua nội dung thỏa thuận sáp nhập DaiABank vào HDBank theo công văn chấp thuận chủ trương của NHNN, giao HĐQT tiến hành các thủ tục theo đúng các quy định pháp luật và điều lệ của DaiABank.

Điều này được ghi trong biên bản, nghị quyết, đọc tại Đại hội đồng cổ đông DaiA Bank.Ngoài việc biểu quyết 100% ủng hộ phương án sáp nhập với HDBank, có thể thấy rằng, với tỷ lệ hoán đổi 1:1 sau sáp nhập giữa 2 ngân hàng là khá có lợi cho cổ đông. Vì thực tế, xét về quy mô tài sản, vốn điều lệ và kết quả hoạt động thì HDBank tốt hơn so với DaiA Bank. Vì thực tế, xét về quy mô tài sản, vốn điều lệ và kết quả hoạt động thì HDBank tốt hơn so với DaiA Bank.

Cho dù Công ty Tín Nghĩa và Tỉnh ủy Đồng Nai - đại diện cho nhóm cổ đông lớn tại DaiA Bank cho biết, khi chưa thoái vốn thì chưa tính đến chuyện mua bán và sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, không ít cổ đông ngân hàng đã thẳng thắn bày tỏ lo ngại, nếu không kịp thời có giải pháp cụ thể, thì những kết quả chưa tích cực năm 2012 của DaiA Bank 2012 sẽ kéo dài trong năm nay.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh đưa ra tại Đại hội, đến cuối năm 2012 tổng tài sản DaiA Bank đạt 17.910 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế của DaiA Bank năm qua được HĐQT Ngân hàng cho biết, đạt 246 tỷ đồng, tương ứng 40% kế hoạch, nợ xấu ở mức 5,28%. Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy, nếu trích lập dự phòng đầy đủ, trong đó có khoản tín dụng cho Vinashin vay, thì lợi nhuận DaiA Bank sẽ thấp hơn con số nói trên.

Vì thế, DaiA Bank đứng trước áp lực tái cơ cấu và phương án sáp nhập được xem là giải pháp. Sáp nhập sẽ giúp tăng quy mô, mạng lưới, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực quản trị, giúp ngân hàng sau sáp nhập trở thành một trong 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, với triển vọng lợi nhuận cao và bền vững hơn sau khi hợp nhất.

Đại hội đồng cổ đông DaiA Bank lần này cũng đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, nâng tổng số thành viên HĐQT lên con số 7. Trong 4 thành viên mới, có 2 thành viên từ HDBank là ông Nguyễn Minh Đức (Phó tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Vân (Phó giám đốc Tài chính). Hai thành viên còn lại là ông Chu Việt Cường và Ông Đinh Việt Phương, đều là người của Sovico - cổ đông đang tham gia điều hành HDBank.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đồng Nai cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng. Do đó, việc tái cơ cấu được ưu tiên đặt lên hàng đầu của các ngân hàng và vì thế, tỷ lệ sở hữu của cổ đông trong ngân hàng cũng có sự thay đổi.

Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến không ít vụ M&A giữa các ngân hàng. Trong đó, có ngân hàng hợp nhất SCB (được hợp nhất từ SCB, Ficombank, TinNghia Bank); Habubank sáp nhập vào SHB hay WesternBank với PVFC. Nhưng DaiA Bank sáp nhập với HDBank được xem là thương vụ M&A tự nguyện đầu tiên của thị trường và thị trường hứa hẹn có thêm nhiều thương vụ M&A tiếp theo giữa ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư