Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiệt điện Thái Bình 2: Chờ ngày hoàn thiện đầu tư
Thanh Hương - 11/03/2019 09:02
 
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành hơn 83% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị chính và đang rất kỳ vọng sớm có được những quyết định mới để hoàn thiện đầu tư.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Điệp khúc “chờ”

“Sai phạm tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được các cơ quan chức năng xử lý những cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có cả câu chuyện thu hồi tài sản Nhà nước thất thoát từ Dự án. Tuy nhiên, đây không thể là lý do để tiếp tục ảnh hưởng tới công tác triển khai Dự án”, là phương châm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt ra trong quá trình triển khai các công việc liên quan nhằm hoàn tất việc đầu tư xây dựng nhà máy điện này trong bối cảnh nguồn điện lớn được xây dựng mới ngày càng khan hiếm.

Tại Lễ khánh thánh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 (ngày 14/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để giải quyết các vấn đề của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2020, qua đó hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình.

Được biết, ngay trước đó, Thường trực Chính phủ và các bộ đã có cuộc họp với mục tiêu tìm cách gỡ khó cho dự án này.

Theo PVN, để cụ thể hoá chủ trương hoàn thành Dự án  vào năm 2020, thì một mình PVN không thể giải quyết được, vì có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thu xếp tài chính cho các hạng mục còn lại, do từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay. Hiện tại, PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”.

Dự án cũng đã ký hợp đồng vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài với giá trị 937,14 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải ngân được 610,32 triệu USD. Phần còn lại chưa được giải ngân là 326,83 triệu USD và đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018.

Đại diện PVN cho biết, việc không thể giải ngân tiếp vốn vay là do các các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ Dự án, chậm thanh toán; sai phạm của các cá nhân tại PVN, Ban Quản lý dự án và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) có liên quan và năng lực của tổng thầu PVC trong triển khai Dự án.

Được biết, PVN đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và các bên cho vay để xin gia hạn thời gian giải ngân vốn vay tới ngày 31/12/2021 - tiến độ điều chỉnh cập nhật mới của Dự án. Dù chưa có phản hồi chính thức, nhưng theo PVN, các ngân hàng nước ngoài cam kết tiếp tục giải ngân các khoản vay theo hợp đồng đã ký, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận gia hạn giải ngân phù hợp với tiến độ điều chỉnh của Dự án.

Đối với phần vay trong nước số tiền 4.600 tỷ đồng từ 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi đàm phán điều kiện vay, xin phê duyệt cho vay vượt hạn mức, vẫn không thể triển khai được vì các ngân hàng này đưa lý do Ngân hàng Nhà nước đề nghị thẩm định lại dự án, thẩm định năng lực của nhà thầu EPC và cần xin phép Thủ tướng…

Việc tìm hướng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng gặp khó khăn, do Dự án không thuộc Danh mục Cấp tín dụng Nhà nước theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP. Ngay cả việc PVN định thu xếp vốn từ nguồn trái phiếu trong nước hoặc khoản vay SACE không có bảo lãnh của Chính phủ cũng gặp khó khăn, bởi không được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp nhận.

6 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày

Đã có 2 kịch bản được PVN đưa ra cho Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tiến hành đánh giá lại hiệu quả Dự án làm căn cứ xem xét bổ sung nguồn tài chính triển khai dự án; hoặc khơi nguồn tài chính, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về tài chính để Dự án về đích phát điện phục vụ đất nước.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Công suất thiết kế 1.200MW, khi hoàn tất đầu tư sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm/năm lên lưới điện quốc gia.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh trước thuế 1,827 tỷ USD, trong đó quy mô vốn vay cần thu xếp là 1,279 tỷ USD. 

Theo PVN, ở kịch bản 1, Dự án “khó hẹn ngày về”, bởi việc đánh giá lại hiệu quả Dự án sẽ mất rất nhiều thời gian, khiến các chi phí quản lý, khấu hao, trả lãi ngân hàng… tăng cao.

Với 32.000 tỷ đồng đã đầu tư đến thời điểm hiện tại (gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), mỗi ngày chi phí vốn phải chịu khoảng 6 tỷ đồng tiền lãi; mặt khác, tài sản đã đầu tư mà không hoàn thành Nhà máy thì ngày càng mất giá trị và không có hy vọng thu hồi vốn gốc.  

Với kịch bản thứ 2, Dự án có thể sớm hoàn thành, thu hồi vốn nhanh. Hiện PVN đã đề nghị Chính phủ cho phép PVN dùng nguồn vốn hợp lý của Tập đoàn với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng để hoàn thành Dự án.

Nguyên tắc sử dụng số tiền này cũng được PVN đặt ra là chỉ chi trả cho Dự án, không chi 2 lần cho 1 công việc, tường minh, công khai về khối lượng, giá trị, giám sát được và hạch toán, quyết toán riêng.

Dẫu vậy, PVN vẫn tiếp tục phải chờ kết luận, quyết định chính thức từ các cấp có thẩm quyền để tiếp tục được chi tiền cho Dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư