Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Nhiều dịch vụ ngân hàng Việt đã đạt tầm quốc tế
Uyên Linh - 19/09/2014 12:05
 
Đối với ngân hàng, việc đạt được những giải thưởng quốc tế không chỉ góp thêm vào thành tích hoạt động, mà còn là cách tốt nhất khẳng định uy tín, vị thế và chất lượng dịch vụ, sản phẩm trước khách hàng. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông David Edwards, đại diện Ban Biên tập Tạp chí The Corporate Treasurer (thuộc Finance Asia), về tầm quan trọng của hoạt động quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại tại các ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng đang tiếp cận hiệu quả chuỗi cung ứng
Techcombank nhận 2 giải thưởng từ Asian Banker
Techcombank đạt Top 10 “Hàng Việt tốt - Dịch vụ hoàn hảo 2014”
   
  Ông David Edwards, đại diện Ban Biên tập Tạp chí The Corporate Treasurer (thuộc Finance Asia)  

Thưa ông, hoạt động của ngân hàng trải đều ở rất nhiều lĩnh vực, tại sao The Corporate Treasurer chỉ trao các giải thưởng liên quan đến quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại?

Chúng tôi chỉ tiến hành bầu chọn cho “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất” và “Ngân hàng Tài trợ thương mại tốt nhất”, vì đây là 2 dịch vụ trọng tâm nhất mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp. Làm tốt hai dịch vụ này, ngân hàng đã thỏa mãn phần lớn nhu cầu doanh nghiệp. Ở mỗi thị trường như Việt Nam chẳng hạn, chúng tôi chỉ tiến hành trao giải cho duy nhất một ngân hàng.

Theo ông, hoạt động tài trợ thương mại, quản lý tiền tệ của các ngân hàng Việt Nam đã đủ thỏa mãn nhu cầu khách hàng chưa? Liệu các ngân hàng nội có đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng ngoại trong cung cấp dịch vụ quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại?

Điều đáng mừng là, hầu hết ngân hàng ở Việt Nam đều triển khai dịch vụ quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại. Tuy nhiên, mức độ thỏa mãn nhu cầu khách hàng tùy thuộc vào tầm vóc, uy tín, tài lực, khả năng liên kết của ngân hàng với các đối tác quốc tế, cũng như mức độ đầu tư hạ tầng, công nghệ, nhân sự mà các ngân hàng dành cho 2 hoạt động này.

Về cơ bản, hệ thống hạ tầng, công nghệ, cũng như sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Các sản phẩm ngân hàng cung cấp ra thị trường không chỉ đơn giản là cho vay, bảo lãnh xuất nhập khẩu, mà còn là quản lý thu chi cho doanh nghiệp, tìm kiếm các nguồn vốn chi phí rẻ, tư vấn và cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp tối đa hóa dòng tiền… Tôi cho rằng, một số ngân hàng ở Việt Nam đã có đủ khả năng để cạnh tranh với ngân hàng ngoại trong lĩnh vực này.

Quay trở lại với giải thưởng. Tại sao 3 năm liên tiếp (2011 - 2013), Tạp chí The Corporate Treasurer chỉ trao các giải thưởng này cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)?

Trước khi trao giải, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở rất nhiều đơn vị. Các tiêu chí đưa ra bầu chọn đều rất khách quan và khắt khe, bao gồm nền tảng hạ tầng và công nghệ, tính sáng tạo, phong phú trong sản phẩm và dịch vụ, sự tiện ích, mức độ đa dạng của các kênh giao dịch, mạng lưới hoạt động, đội ngũ và chất lượng nhân sự… Techcombank là ngân hàng đạt được nhiều tiêu chí và nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất từ phía khách hàng, nhất là các khách hàng lớn như Coca Cola, FPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... Chúng tôi trao giải dựa trên kết quả khảo sát này.

Thực ra, không riêng Techcombank, có không ít nhiều ngân hàng cũng đang làm tốt dịch vụ quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại?

Nhưng điều chúng tôi quan tâm là điểm khác biệt, nổi trội. Techcombank có mạng lưới 313 chi nhánh/phòng giao dịch rộng khắp cả nước, có nền tảng hạ tầng công nghệ tiên tiến nhất và luôn được duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Điều này cho phép ngân hàng triển khai và quản lý những sản phẩm, dịch vụ tới tận tay khách hàng. Ngoài ra, Techcombank còn dự báo được nhu cầu khách hàng và nhanh chóng đáp ứng.

Điểm khác biệt nữa là Techcombank có dung lượng giao dịch rất lớn. Tôi nghĩ rằng, Techcombank đã và sẽ đi trước các đối thủ cạnh tranh trong mảng tài chính, ngân hàng này. Tôi cũng thấy rằng, việc đầu tư, đào tạo và cách dùng người ở Techcombank cũng tạo nên sự khác biệt.

Khi ngân hàng đạt được các danh hiệu về quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại tốt nhất, vị thế của ngân hàng đó trong mắt đối tác, nhà đầu tư sẽ như thế nào, đặc biệt là trên thị trường khu vực châu Á?

Những giải thưởng quốc tế chắc chắn sẽ giúp ngân hàng nâng cao vị thế. Các đối tác, bạn hàng, nhà đầu tư sẽ có điều kiện xem xét và so sánh kỹ hơn chất lượng dịch vụ của ngân hàng với các ngân hàng khác, từ đó thêm tin tưởng vào dịch vụ sản phẩm ở ngân hàng và có những kiến nghị góp ý, nhằm giúp ngân hàng ngày càng phát triển hoàn thiện hơn.

Khi một ngân hàng đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, từ đối tác đến khách hàng, nhà đầu tư sẽ cùng chung cảm nhận: ngân hàng không chỉ xây dựng được chiến lược, kế hoạch phù hợp mà còn có khả năng thực thi, triển khai tốt. Tôi tin rằng, mọi người đều muốn đầu tư, hợp tác và sử dụng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng ấy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư