Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 31 tháng 12 năm 2024,
Nhiều nước dự kiến tăng cường nhập khẩu gạo
T.T - 22/01/2024 20:51
 
Cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã đưa ra nhận định, Philippines nhiều khả năng sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024.
Philippines dự kiến nhập khẩu lượng gạo cao kỷ lục là 3,8 triệu tấn vào năm 2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Philippines dự kiến nhập khẩu lượng gạo cao kỷ lục là 3,8 triệu tấn vào năm 2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mới nhất của USDA nêu rõ Philippines dự kiến nhập khẩu lượng gạo cao kỷ lục là 3,8 triệu tấn vào năm 2024, đưa nước này trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Philippines sẽ tăng cường thu mua gạo nhằm củng cố nguồn gạo dự trữ trong nước do lo ngại nguồn cung toàn cầu có thể suy giảm, khi hiện tượng thời tiết El Niño gây hạn hán có thể ảnh hưởng đến sản lượng lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. 

Xếp sau Philippines về số lượng gạo nhập khẩu sẽ là Trung Quốc, Indonesia, Liên minh châu Âu (EU), Nigeria và Iraq. 

Ngoài ra, các nước khác cũng sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm 2024, chẳng hạn như Afganistan, Cuba, Iran, Nepal, Saudi Arabia, Vương quốc Anh, Mỹ và Yemen... 

Cũng theo báo cáo, mặc dù nhiều nước sẽ tăng cường nhập khẩu gạo, lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2024 sẽ giảm từ mức 52,4 triệu tấn vào năm 2023 xuống còn 52,2 triệu tấn. Nguyên nhân là do Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng vào năm 2022 và 2023. 

Hồi tháng 9/2023, Philippines lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, với lượng nhập khẩu được phê duyệt là 3,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023. 

Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, trong năm 2023, Philippines đã nhập khẩu 3,56 triệu tấn gạo, chủ yếu từ Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. 

Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) Indonesia ngày 18/1 cho biết cần nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong quý I/2024 để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng dự trữ quốc gia. 

Thông báo của Bulog cho hay, gạo trắng được yêu cầu giao hàng vào tháng 2 và tháng 3, với thời hạn chào hàng là ngày 29/1. Nguồn gốc được chấp nhận là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. 

Gạo loại 5% tấm phải có nguồn gốc từ vụ mùa 2023 - 2024 và được xay xát không muộn hơn sáu tháng trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất lương thực trong bối cảnh nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan El Nino. 

Indonesia sẽ bước vào mùa thu hoạch lúa chính vào tháng 3 và tháng 4 nhưng thời tiết El Nino dự kiến sẽ kéo dài thời gian thu hoạch từ 1 đến 2 tháng. Mới đây, chính phủ đã đặt ra hạn ngạch nhập khẩu gạo của Indonesia vào năm 2024 là 2 triệu tấn. Bulog cho biết đã mua hơn 500.000 tấn gạo trong cuộc đấu thầu vào tháng 12/2023, với gạo có nguồn gốc từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.

Dự kiến, đơn hàng sẽ được giao trước ngày 30/1/2024. 

Trong khi đó, giới chuyên gia dự đoán trong năm 2024, các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn về chính sách và giá nội địa tăng cao, cản trở việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu gạo từ nước này. 

Phân tích của S&P Global Commodity Insights cho rằng, các biện pháp của Chính phủ Ấn Độ trong năm 2023, bao gồm cấm xuất khẩu gạo trắng ngoài basmati, áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và áp đặt giá xuất khẩu tối thiểu là 950 USD/triệu tấn cho gạo basmati, sẽ tiếp tục tác động đến thị trường gạo. 

Bất chấp những hậu quả toàn cầu và giá cả cao trong nhiều năm, những dấu hiệu cho thấy các hạn chế có thể sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024. Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ được thúc đẩy bởi giá gạo trong nước leo thang và mong muốn đảm bảo đủ nguồn cung cho đất nước. 

Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều dự đoán rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ không nới lỏng các hạn chế trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra từ tháng 4 - 5/2024. 

Sản lượng gạo giảm trong vụ Thu (Kharif) 2023 - 2024, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khô hạn bắt nguồn từ El Nino, càng làm phức tạp thêm tình hình nguồn cung. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tổng sản lượng gạo ở Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 10/2023 - 9/2024 là 128 triệu tấn, giảm so với 135,5 triệu tấn của năm trước. 

Bất chấp các biện pháp hạn chế thương mại, giá gạo trong nước vẫn ở mức cao, khiến chính phủ phải đưa ra cảnh báo cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà xay xát và xuất khẩu dự đoán môi trường giá cao sẽ duy trì cho đến khi thu hoạch vụ Thu tiếp theo, do giá thu mua cao được chính quyền một số bang đưa ra và nhu cầu mạnh mẽ từ các bang miền Nam Ấn Độ. 

Tây Phi, khu vực tiêu thụ gạo lớn của Ấn Độ, dự kiến sẽ giảm nhu cầu do vấn đề giá cả. Năm 2023, lường trước tình trạng hạn chế xuất khẩu, nhiều người mua ở Tây Phi đã nhập khẩu gạo số lượng lớn. Nhu cầu từ Đông Nam Á và một số nước vùng Vịnh dự kiến ổn định. 

Các chuyên gia quốc tế nhận định, sản lượng gạo trái vụ ở châu Á có thể bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp, trong khi hiện tượng khí hậu El Nino (được dự báo sẽ tiếp diễn) sẽ làm giảm sản lượng đầu năm 2024, khiến nguồn cung gạo tiếp tục bị thắt chặt và làm tăng lạm phát giá lương thực.

Thị trường RCEP chi 3,24 tỷ USD nhập khẩu gạo Việt Nam
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường thuộc Hiệp định RCEP trong năm qua đạt trên 5,79 triệu tấn, tương đương 3,24 tỷ USD, tăng 21,5%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư