Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều tỉnh giảm thu do lọc dầu, lắp ráp ô tô, thủy điện
Thanh Hương - 10/09/2017 20:47
 
Theo Bộ Tài chính, sau 8 tháng, có 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm với tỷ lệ dưới 63% và 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.

Các địa phương được liệt kê có tỉnh Quảng Ngãi do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; tỉnh Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; tỉnh Thái Bình chủ yếu do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; tỉnh Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các tỉnh Hòa Bình và Lai Châu giảm thu từ các công ty thủy điện...

Ô tô ngoại khiến ngân sách tỉnh khó

Trước đó, ông Hoàng Văn Nội, Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Phúc xác nhận, nhiều dòng xe ô tô vốn được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam nay đã được nhập khẩu hoàn toàn.

Đơn cử, từ năm 2017, dòng xe Fortuner được công ty Toyota VN và dòng xe Civic được Công ty Honda VN nhập khẩu hoàn toàn thay vì lắp ráp tại Việt Nam. Ước tính 6 tháng đầu năm có khoảng 7.000 xe Fortuner và hơn 3.000 xe ô tô Civic được nhập từ Thái Lan và Indonexia. Vì vậy, số thu thuế cả năm của Vĩnh Phúc ước giảm 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016.

Thay vì được lắp ráp trong nước, mẫu xe Fortuner đã được nhập khẩu nguyên chiếc
Thay vì lắp ráp trong nước, mẫu xe Fortuner đã được nhập khẩu nguyên chiếc

Quảng Nam cũng là tỉnh có sự sụt giảm về nguồn thu ngân sách từ sản xuất ô tô. Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, ông Đinh Văn Thu cho biết, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng địa phương tăng chậm lại thể hiện qua chỉ số công nghiệp của tỉnh giảm 0,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương không đạt mục tiêu.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do giảm sút kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô trên địa bàn từ đầu năm đến nay. Dự kiến 6 tháng cuối năm, tiêu thụ xe tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm khoảng 11%.

“Điều này khiến thu ngân sách của địa phương không đạt mục tiêu do hụt mất nguồn thu 2.800 tỷ đồng từ công nghiệp sản xuất ô tô”, ông Thu nói.

Hết thu điều tiết, dự án xây xong cũng làm nguồn thu giảm

Theo Quyết định 1725/QĐ-TTg (ngày 3/9/2016), thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2016.

Trước đó, sản phẩm xăng do BSR sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước (bao gồm cả tiêu dùng nội bộ) là đối tượng để thu điều tiết. Khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và được điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương.

Theo báo cáo của BSR, kể từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 5/2017, với sản lượng sản xuất luỹ kế đạt 47 triệu tấn. BSR đã có tổng doanh thu gần 40 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu thu điều tiết từ năm 2009
Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu thu điều tiết từ năm 2009

Việc thu điều tiết của BSR được bắt đầu từ năm 2009 với Quyết định 1942/2009/QĐ-TTg. Theo đó, tỷ lệ thu điều tiết là chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành tại thời điểm tiêu thụ trừ (-) đi mức thuế suất nhập khẩu tối thiểu đối với: xăng, dầu là 7%; LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%.

Tính tới hết năm 2016, thời gian áp dụng thu điều tiết của BSR đã được thực hiện là hơn 7 năm.

Cũng là lọc dầu nhưng với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa, việc hoàn tất đầu tư dự án đã khiến ngân sách giảm thu từ thuế nhà thầu.

Vào ngày 22/8 vừa qua, tàu vận tải Millennium đã vận chuyển 270.000 tấn dầu thô về đến Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Số dầu thô này sẽ được bơm qua bến phao nhập dầu 1 điểm neo (SPM) với 2 đường ống tiếp nhận dầu thô đường kính 48 inch được đặt ngầm dưới biển.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chạy thử của Nhà máy Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ đó, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất các sản phẩm lọc và hóa dầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, sau hơn 40 tháng thiết kế, thi công, xây dựng, lắp đặt, Dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD này đã được nghiệm thu, hoàn thiện cơ khí vào 30/4/2017. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiếp quản toàn bộ dự án từ Tổng thầu JGCS từ 8/5/2017 để chuẩn bị chạy thử nhà máy.

Mưa nhiều, trời mát cũng gây thất thu

Lai Châu và Hòa Bình được điểm danh trong số các tỉnh giảm thu từ các công ty thủy điện. Đây cũng là những địa phương có tập trung các Nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam như Nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW), Nhà máy thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), Nhà máy thủy điện Bản Chát (220 MW)…

Năm nay, thời tiết mát, mưa nhiều tuy nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc đạt tốt nhưng thời tiết lại là một trong những nguyên nhân khiến tiêu thụ điện cả nước đạt thấp.

Nahf máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy do mưa nhiều, nước về nhiều
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy do mưa nhiều, nước về nhiều

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống lũy kế nửa đầu năm 2017 đạt 94,9 tỷ kWh, tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN lũy kế 6 tháng đạt 82,9 tỷ kWh, tăng 8,47% so cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có khoảng cách rất xa so với mức dự báo tăng trưởng được EVN lên kế hoạch và công bố hồi đầu năm cho điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2017 là 11,4% so với năm 2016, đồng thời  sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Năm 2016, việc huy động cao các nguồn thủy điện từng giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bật lãi cả nghìn tỷ đồng trong khi Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, EVN lỗ gần 700 tỷ đồng.

Ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, chuyện 6 tháng đầu năm lỗ, nhưng đến cuối năm lại lãi là khá bình thường trong ngành điện. Nguyên do, 6 tháng đầu năm là cao điểm mùa khô, nước về các hồ thủy điện thường ít nên không thể huy động các nguồn thủy điện có giá thành thấp vào hoạt động. Việc phải huy động các nguồn điện có giá thành cao để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế, khiến cho chi phí sản xuất của ngành điện tăng mạnh. Tuy nhiên, trong quý III hàng năm là mùa lũ về, các hồ thủy điện có nước và được huy động sản lượng lớn, nên rất nhanh chóng làm thay đổi bức tranh tài chính của EVN.

Năm 2017, dẫu tuân theo đúng quy luật đó, nước về nhiều trong mùa mưa nhưng với thực tế mưa nhiều, tiêu dùng điện lại có phần giảm do thời tiết nên việc huy động các nguồn thủy điện chưa được như mong đợi.

Nhận định về nửa cuối của năm 2017, ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho hay, theo số liệu tính toán cập nhật, tổng nhu cầu tiêu thụ điện trong 6 tháng cuối năm cũng được dự báo là khoảng 103 tỷ kWh, tương ứng mức tăng trưởng phụ tải cả năm đạt khoảng 9,3% so với năm 2016. Con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trên 11% của năm 2016.

Điều kiện cần và đủ để GDP tăng trưởng 6,7%
2/3 chặng đường của năm 2017 đã qua đi. Kết quả là khả quan khi các dự báo cho thấy, toàn bộ 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư