Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Hồng Minh - 18/09/2023 18:12
 
Nguyên lãnh đạo TP. Hà Nội qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 18/9, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị xin ý kiến nguyên lãnh đạo TP. Hà Nội qua các thời kỳ vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nguyên lãnh đạo TP. Hà Nội qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND TP. Hà Nội đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (đầu năm 2024). Theo đó, dự thảo Luật lần này gồm 7 chương, 59 điều, tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012.

Đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. TP. Hà Nội đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Tuy nhiên, cần hoàn thiện bản dự thảo theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa, trong đó, cần tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đơn cử như nội dung phần tổ chức thực hiện Nghị quyết phân công rất rõ, rất hay, chỉ cần chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp với văn bản luật là có thể đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được điều chỉnh có tính bao trùm, khái quát hơn, khẳng định tính vượt trội so với các luật khác. Đồng thời, đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, Điều 9 về HĐND TP. Hà Nội quy định rõ được bầu 125 đại biểu, trước đây chỉ được bầu có 95 đại biểu. Ông đề nghị phải tăng thẩm quyền Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng, nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, dự thảo Luật cần cô đọng hơn nữa và để các quy định thể hiện được tính vượt trội, thì phải thống nhất quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm.Về phân quyền cho Hà Nội, đồng chí đề nghị phải tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, phải căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan… Ví dụ như cần xem xét kỹ hơn đề xuất quy định giao cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác...

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, quy định việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu thực tiễn đời sống. Bởi còn chưa di dời thì TP. Hà Nội có làm bao nhiêu đường thì vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cần có quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị di dời và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí cho các đơn vị này.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp bởi nhiều điều, khoản đã không còn phù hợp. Dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của Hà Nội, đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất… 

Bà Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP. Hà Nội lên 125 đại biểu thì tính bình quân cứ 75.000 dân có 1 đại biểu, vẫn thấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước (khoảng 26.000 dân có 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh).

Bà Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề nghị nên bổ sung 1 điều hoặc 1 khoản đặt ở Chương II quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ giữa hai kỳ họp.

Còn nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị đặt tên là Luật Thủ đô Hà Nội để làm rõ đây là quy định về Luật dành cho Thủ đô Hà Nội, xác định rõ trách nhiệm của Hà Nội trong luật. Thủ đô của cả nước rồi thì phải nêu rất rõ ràng về phần trách nhiệm của Hà Nội ra sao, phần trách nhiệm của Trung ương, trách nhiệm của nhân dân cả nước ra sao…

Sau Hội nghị, TP. Hà Nội sẽ tiếp thu nghiêm túc và giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội.

Sửa Luật Thủ đô: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thực sự vượt trội
Luật Thủ đô đang được gấp rút sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Đây là cơ hội để tạo bước chuyển đột phá cho Hà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư