Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
NHNN giải trình 15 trang về quản lý vàng
Thùy Liên - 30/05/2013 13:32
 
Độc quyền vàng SJC, đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng… tất cả những vấn đề nóng bỏng dư luận quan tâm đến thị trường vàng đều được NHNN giải trình kỹ càng trong báo cáo dài tới 15 trang gửi vừa được gửi đến Quốc hội.
TIN LIÊN QUAN
NHNN khẳng định đấu thầu vàng không vì mục tiêu lợi nhuận

SJC không độc quyền doanh nghiệp

Theo NHNN, việc lựa chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia là phù hợp với thực tiễn thị trường.

Cụ thể, trước khi Nghị định 24 được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Công ty SJC là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước.

Thương hiệu vàng miếng của Công ty SJC đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia trong các năm 2008, 2010 và 2012. Vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông.

Đồng thời, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp, TCTD được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đều thuê Công ty SJC gia công thành vàng miếng SJC. Như vậy, có thể khẳng định thị trường đã lựa chọn thương hiệu SJC là thương hiệu có uy tín, được thị trường chấp nhận và chiếm khối lượng tuyệt đối trong lưu thông.

Thứ hai, việc lựa chọn thương hiệu SJC sẽ tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội. Để có thương hiệu vàng miếng riêng, Nhà nước phải bỏ nhiều vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu, mua máy móc, thiết bị, thuê công nhân tổ chức sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình vừa tốn kém không cần thiết, vừa mất thời gian trong khi nhu cầu của thị trường diễn ra hàng ngày. Đồng thời, việc NHNN có thương hiệu vàng miếng riêng có thể gây tốn kém lớn (tài chính, thời gian) cho người dân khi chuyển đổi từ các thương hiệu vàng miếng khác sang thương hiệu của NHNN và gây ra nhiều xáo trộn không đáng có trong xã hội.

Thứ ba, năng lực sản xuất vàng miếng của Công ty SJC phù hợp với nhu cầu gia công của NHNN. Trên thị trường, trong số 8 doanh nghiệp được cho phép sản xuất vàng miếng trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC là đơn vị có năng lực sản xuất vàng miếng lớn nhất. Theo đánh giá của NHNN và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng, cũng như thực tế diễn biến của thị trường, năng lực gia công vàng miếng của SJC hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu vàng miếng của thị trường.

Kết quả, qua thời gian triển khai thực hiện, việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN đã đạt mục tiêu. \

Thứ nhất, Nhà nước đã sản xuất được ngay lượng vàng miếng cần thiết phục vụ cho nhu cầu thị trường với thời gian ngắn và chi phí thấp hơn nhiều so với việc Nhà nước tự sản xuất vàng miếng.

Thứ hai, tiết kiệm được chi phí lớn cho xã hội vì không làm phát sinh nhu cầu chuyển đổi phần lớn lượng vàng miếng trên thị trường sang vàng miếng thương hiệu của NHNN trong trường hợp NHNN tự sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình. Thứ ba, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu nhập lậu. Qua đó, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Cũng theo NHNN, việc lựa chọn công ty SJC sản xuất vàng miếng cho NHNN không tạo ra độc quyền doanh nghiệp cho công ty SJC vì DN này không được sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia ông vàng miếng theo đơn đặt hàng của NHNN.

NHNN mua, bán vàng miếng là đúng luật

Trước một số ý kiến cho rằng, việc NHNN là cơ quan quản lý nhưng lại tham gia kinh doanh, mua bán vàng miếng là không hợp lý, NHNN khẳng định, việc NHNN can thiệp thị trường không chỉ phù hợp với quy định hiện hành mà còn phù hợp với thực tế thị trường tại Việt Nam.

Việc lựa chọn hình thức đấu thầu bán vàng miếng là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thông qua đó thị trường được ổn định. NHNN không tham gia bán lẻ mà tham gia thị trường với tư cách người mua, bán cuối cùng, để định hướng thị trường.

Từ khi NHNN tham gia can thiệp thị trường vàng, đã có 4 kết quả cơ bản được nhìn thấy.

Thứ nhất, thị trường vàng đã ổn định. Thông qua việc đấu thầu, NHNN đã tạo nguồn cung ra thị trường, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu. Thị trường vàng miếng đã ổn định, không còn các cơn ”sốt vàng” gây bất ổn xã hội, giá vàng trong nước đã ổn định theo hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp.

Thứ hai, thực tế triển khai hoạt động bán vàng can thiệp cho thấy toàn bộ quy trình đấu thầu bán vàng miếng đã được thực hiện thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch. Giá trúng thầu được xác định trên cơ sở cạnh tranh, luôn bám sát giá thị trường và định hướng thị trường, do vậy, đã ngăn ngừa một cách hiệu quả hiện tượng đầu cơ, làm giá và vai trò điều tiết của Nhà nước đã được khẳng định.

Thứ ba, giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng NHNN áp dụng trong thời gian qua đã tiết kiệm đáng kể ngoại tệ cho đất nước. Khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều lần so với lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu trong những năm trước đây. Lượng ngoại tệ NHNN dùng để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước .

Thứ tư, thực tế cũng cho thấy cơ chế NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng hiệu quả hơn việc NHNN cấp phép cho các doanh nghiệp, TCTD nhập khẩu vàng như trước đây vì việc nhập khẩu vàng trước đây thường gây mất ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ do các doanh nghiệp, TCTD phải mua gom ngoại tệ trên thị trường và cuối cùng cũng ảnh hưởng đến quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Chênh lệch giá vàng sẽ giảm trung và dài hạn
Lý giải về việc chênh lệch giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới, NHNN cho rằng, nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối (cho phép người dân và DN được kinh doanh vàng tài khoản qua các sản vàng) hoặc tương đối.

Tuy nhiên, thực tế thị trường vàng Việt Nam từ năm 2007 đến nay cho thấy, việc thu hẹpchênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Cụ thể, trước đây khi ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400.000 đồng/lượng trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá. Do đó, Thống đốc NHNN đã đưa ra mục tiêu kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng lại xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc ta phải tiếp tục can thiệp – một chu kỳ mới lại diễn ra.

Còn hiện nay, NHNN đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý mới quản lý thị trường vàng. Vì vậy, dù chênh lệch giá vàng vẫn cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn.

Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế ”vàng hóa” nền kinh tế.

Dù vậy, NHNN khẳng định, trước mắt, chênh lệch giá cao vẫn là tất yếu. Song với khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp.

NHNN cũng nhấn mạnh, cơ quan này can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh.

Hiện chủ trương của NHNN vẫn là không khuyến khích kinh doanh vàng miếng mà khuyến khích người dân đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư