Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhớ lời Bác dặn: “Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”
Nhà báo Nhị Lê - 18/05/2019 08:12
 
Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng nhớ điều Người dặn: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Hồ Chủ tịch thăm xã viên Hợp tác xã Vinh Quang, huyện Thành Thủy, Phú Thọ, nơi có phong trào khai phá đồi hoang trồng cây gây rừng khá nhất miền Bắc (26/1/1964). Ảnh: TTXVN
Hồ Chủ tịch thăm xã viên Hợp tác xã Vinh Quang, huyện Thành Thủy, Phú Thọ, nơi có phong trào khai phá đồi hoang trồng cây gây rừng khá nhất miền Bắc (26/1/1964). Ảnh: TTXVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân. Vì thế, chúng ta có trọng Dân, yêu Dân, kính Dân thì Dân mới yêu ta, kính ta. Tôn trọng và tin tưởng Nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử”. Người sánh Nhân dân với Trời, Đất: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”.

Nhân dân là nguồn gốc mọi sức mạnh của lịch sử.

Nhớ bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 50 năm trước, Người dặn lại: Toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, không ngừng phục vụ Nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc.

Đó cũng chính là Đạo lý Việt Nam!

Từ Dân là gốc của nước…

Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được hình thành và củng cố qua hàng ngàn năm, tạo thành truyền thống bền vững, thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi con người Việt Nam; là cội nguồn làm nên sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam, dù trong bất cứ biến cố nào của lịch sử phát triển.

Điều đó trở thành triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị, là tình cảm tự nhiên, làm nên cấu trúc xã hội: cố kết bền chặt giữa nhà với làng và nước, làm nên phương pháp đánh giặc giữ nước: “Trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử”; trở thành phương sách giữ nước: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Dân vi bản” (Dân làm gốc)… của dân tộc Việt Nam ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy (yêu nước) lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn (đoàn kết), nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Dân là Dân Nước - Nước là Nước Dân!

Nhìn lại các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nhận thấy, tất cả đều thất bại do chưa có đường lối đúng, chưa tập hợp được quần chúng. Bởi vậy, Người xác định: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng tư sản, đặc biệt cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp; do tính chất không triệt để của nó mà Người cho rằng, đó là các cuộc cách mạng “không đến nơi”.

Nghiên cứu thực tiễn đấu tranh của các dân tộc thuộc địa cho tới lúc đó, Người thấy rõ sức mạnh tiềm ẩn to lớn ở họ và cả những hạn chế ở họ: chưa có sự lãnh đạo đúng đắn, chưa biết đoàn kết, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức. Nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh rút ra nhiều bài học, đặc biệt là bài học về huy động, tập hợp lực lượng công nông giành và giữ chính quyền cách mạng..., xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cũng chú ý nghiên cứu cách mạng Trung Quốc, Ấn Độ, tìm hiểu con đường giải phóng dân tộc của Tôn Dật Tiên, Găng-đi...

Và đầu thế kỷ XX, khi nước ta đang rên xiết dưới chế độ tàn bạo thực dân Pháp và phong kiến, “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mệnh thì sống, không cách mệnh thì chết...; cách mệnh là việc chung cả dân chúng, chứ không phải việc một hai người. Nếu không Dân cũng là không có gì.

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiếp thu những quan điểm cơ bản về vai trò của Nhân dân - người sáng tạo ra lịch sử; về giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước hết phải trở thành dân tộc; về liên minh công nông là cơ sở to lớn để xây dựng lực lượng cách mạng; về đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế...

Và, chủ yếu qua hoạt động cách mạng, Người vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam và trong thời đại mới, từ đó hình thành và hoàn chỉnh tư tưởng về sức mạnh vô địch của Nhân dân và đại đoàn kết dân tộc.

Dân, Nhân dân, theo Hồ Chí Minh, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam, cả hai đều là chủ thể đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dân, Nhân dân, theo Hồ Chí Minh, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam, cả hai đều là chủ thể đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

...Tới Dân là chủ của nước, Dân làm chủ đất nước

Dân, Nhân dân, theo Hồ Chí Minh, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam, cả hai đều là chủ thể đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ quan niệm về Dân, về Nhân dân là mọi con dân nước Việt, mỗi một con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, già, trẻ gái trai, giàu nghèo, quý tiện, tới Đại đoàn kết toàn dân tộc là để tập hợp được mọi người dân vào cuộc đấu tranh chung, Hồ Chí Minh luôn nói rõ: Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ.

Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, hãy thật thà cộng tác vì Dân vì nước. Người căn dặn: Cần xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để phục vụ nhân dân. Và, muốn đại đoàn kết toàn dân tộc, thì phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, phải có tấm lòng khoan dung, đại độ với con người.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất. Sau này, Hồ Chí Minh nêu rõ, nền tảng đại đoàn kết dân tộc là liên minh công - nông - lao động trí óc; rằng, lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.

Theo đó và nhờ đó, dân tộc ta, dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lấy lại nền độc lập cho nước nhà và quyền tự do cho Nhân dân. Hồ Chí Minh nói: Đó là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Khi dân tộc đã giành được độc lập, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ. Đây là cuộc đổi đời của cả một dân tộc và của từng con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh sự đổi thay cơ bản ấy một cách hết sức chính xác bằng phạm trù Làm chủ; Người chủ. Năm 1947, Người nhấn mạnh thêm: NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì Dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của Dân; Mọi công việc đều vì lợi ích của Dân mà làm; Quyền hành và lực lượng đều ở nơi Dân.

Người khẳng định địa vị làm chủ của Nhân dân và xem đây là nội dung cơ bản của nền dân chủ mới: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là Dân, vì Dân là chủ. Hai điều làm chủ; người chủ là một nội dung trung tâm trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân có quyền làm chủ, là người chủ của xã hội, là tiêu chí quan trọng xác định bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một mệnh đề về dân chủ rất cô đọng, súc tích: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là người chủ. Trong mệnh đề này chứa đựng đầy đủ nội dung dân chủ là của con người, do con người và vì con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng những lý luận cao xa để diễn giải về điều này, nhưng tự nó vẫn hàm chứa sự nhất quán và hệ thống qua toàn bộ tư tưởng của Người về địa vị và quyền làm chủ của Nhân dân. Người thường nhấn mạnh vai trò người chủ đất nước của mọi người dân trong các ngành, các giới - là những người chủ nước nhà. Với khái niệm làm chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính chủ động của Nhân dân trong việc quyết định vận mệnh của mình, của dân tộc. 

Một lần nữa, xin nhắc lại lời Người: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Sau này, khi nói về công việc kháng chiến kiến quốc, Người hỏi: Ai thực hiện kháng chiến kiến quốc? Và Người trả lời: Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở Dân. Do thế, khi kiến giải một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc.

Và, một năm sau đó, năm 1955, Người viết tiếp: Với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng - Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu của Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn nước Việt Nam của chúng ta.

Người nói: Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Đoàn kết là thắng lợi; Đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là một trong 405 bài nói và viết về đoàn kết của Người; là sự kết tinh và thể hiện: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân và đoàn kết quốc tế.

Đại đoàn kết dân tộc còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc.

Như vậy, đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân Nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự phát của Nhân dân thành đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Để đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác nhau, không thể không theo phương châm của Hồ Chí Minh là “cầu đồng tồn dị”, là đoàn kết phải bao gồm đấu tranh, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn. Người nói: Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì Dân. Không như thế, nguy cơ rơi vào cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được hoặc vô hình rơi vào khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức.

Hồ Chí Minh khẳng định: Yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Người nói: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam chỉ giành được thắng lợi khi đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới.

Đảng tiếp tục xứng đáng là “đứa con nòi” của Nhân dân, của dân tộc

Nhớ lại ngày 3/3/1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC. Người tiếp tục khẳng định: Đảng vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Vì vậy, đại đoàn kết dân tộc... tự nhiên trở thành máu thịt của Đảng.

Để quy tụ được cả dân tộc, Đảng phải: Vừa là đạo đức, vừa là văn minh; phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại, phải thực sự đoàn kết nhất trí, được nhân dân thừa nhận. Người nói: Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thành nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo.

Vì thế, phải dân chủ, phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, khơi gợi tinh thần tự giác, tự nguyện... Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng, không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người...

Về trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà, mắm, muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. Vì, sức mạnh của Đảng nằm ngay trong mối quan hệ giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Phải kính yêu Nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của Nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai..., phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo. Khi chọn cán bộ, phải lựa chọn những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, tôn trọng Nhân dân và hướng dẫn Nhân dân, tổ chức thành lực lượng, thành phong trào hành động cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng, thói phù hoa xa xỉ..., vì chúng là kẻ thù của Nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Chúng là kẻ thù khá nguy hiểm, dù không mang gươm, mang súng, lại nằm trong tổ chức của ta, chúng là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta.

Người nói giản dị: Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho Nhân dân, chớ vác mặt làm quan cách mạng để Dân ghét, Dân khinh, Dân không ủng hộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thế, lên án gay gắt chủ nghĩa cá nhân: Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì.

Một lần nữa, xin nhắc lại lời Người: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các tầng lớp của Nhân dân phải tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trọng dân là thương Dân, vì Nhân dân mà phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của Nhân dân. Quần chúng còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng với mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng.

Nhớ lời tiền nhân: Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không Dân cũng là không có gì!

Không có Nhân dân, Đảng nhất định không có tất cả cơ đồ và cả tương lai! Vì, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm sau bản Di chúc của Người, càng nhớ điều Người dặn: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.

Đảng phải xứng đáng mãi mãi là “đứa con nòi” của Nhân dân! Đó là đạo lý Việt Nam! Hãy đứng vững trên nền móng Nhân dân, chăm lo cho Nhân dân, sống chết vì Nhân dân, thì vinh quang của Đảng, uy tín và sức mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên, không cầu cũng tự nó đến! Tương lai dân tộc, theo đó, mà rộng mở và tấn tới mãi mãi.

Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn La
Ngày 1/1, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng đoàn đã dự Lễ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư