Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhu cầu sử dụng điện mặt trời tăng, cơ hội để ngân hàng rót vốn
Vân Linh - 11/07/2019 17:20
 
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời ngày càng tăng cao, các ngân hàng đã, đang không ngừng chia sẻ các gói tín dụng ưu đãi lãi suất.
Chính sách ưu đãi lãi suất gói vay tín dụng xanh chính là hành động thiết thực để Nam A Bank trở thành một trong những ngân hàng tiên phong góp phần bảo vệ môi trường.
Chính sách ưu đãi lãi suất gói vay tín dụng xanh chính là hành động thiết thực để Nam A Bank trở thành một trong những ngân hàng tiên phong góp phần bảo vệ môi trường.

Tiết kiệm chi phí

Năng lượng mặt trời là năng lượng do biến đổi từ các dòng bức xạ điện tử mà hệ thống pin mặt trời thu được. Năng lượng thu được này sẽ được đưa trực tiếp xuống bộ biến đổi inverter. Tại đây, dòng điện một chiều sẽ được chuyển thành dòng điện xoay chiều phù hợp để sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng.

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tự nhiên và vô tận. Chúng ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này một cách thoải mái mà không phải lo lắng bị cạn kiệt. Không phải tích trữ nước để rồi mùa mưa phải xả bớt như thủy điện, không ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiên liệu như nhiệt điện. Năng lượng mặt trời thực sự là món quà vô cùng giá trị mà tạo hóa đã ban tặng.

Theo tính toán thực tế, việc sử dụng năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm đến 90% chi phí điện năng so với sử dụng điện thông thường. Trong khi đó, giá điện thương mại giờ cao điểm có thể đạt đến hơn 4.000 đồng/kWh. Ngoài ra, còn có thể dư điện để bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong vòng 20 năm, giá điện hơn 2.000 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, thiết kế hệ thống năng lượng điện mặt trời cũng giúp giảm nhiệt độ phòng, kho sản xuất. Nhiệt độ giảm thì nhu cầu sử dụng máy lạnh được hạn chế, từ đó giúp giảm thiểu chi phí sử dụng điện. Việc lắp đặt thiết bị năng lượng điện mặt trời áp mái rõ ràng đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Một gia đình có tiền điện trung bình một tháng khoảng 2 triệu đồng (gồm VAT), sản lượng điện tiêu thụ mỗi tháng là 721 kWh, tỷ lệ sử dụng điện ban ngày là 30%, tương đương khoảng 216 kWh. Nếu gia đình này lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời với công suất điện 3,15 kWh, sản lượng điện bình quân mỗi tháng có được là 380 kWh. Với sản lượng điện này, gia đình tiêu thụ 216 kWh điện, tương ứng 696.240 đồng, số lượng điện còn lại là 164 kWh bán cho EVN với giá 349.456 đồng. Như vậy, số tiền tiết kiệm được sẽ hơn 1 triệu đồng.

Hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà theo tiêu chuẩn G7 (gồm tấm pin năng lượng mặt trời, inverter, công tơ 2 chiều) với công suất 3,15 kWh cho sản lượng điện 380-410 kWh/tháng có chi phí đầu tư từ 75,38 đến 78,53 triệu đồng. Việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư khi giá bán điện cho EVN ở mức cao. 

Tuy nhiên, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà cũng cần hội đủ một số điều kiện cần thiết như hướng nhà, xung quanh có nhà cao tầng hay không… Khi thời tiết ban ngày không có nắng, các thiết bị sử dụng điện trong gia đình sẽ sử dụng nguồn điện từ EVN.

Với nhu cầu về điện dự kiến tăng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2031, Việt Nam cần phải sản xuất 60.000 MW điện vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ đang tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo đủ sản lượng điện và giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Nguồn năng lượng xanh đang là xu hướng sử dụng chung hiện nay và được đánh giá là nguồn năng lượng chính trong tương lai, điển hình là năng lượng mặt trời. Do đó, nếu doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư và gia tăng lợi nhuận hơn, nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và nâng cao uy tín trên thị trường.

Cơ hội vay vốn ưu đãi

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, dù thị trường này tại Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo, được xem là khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ vai trò của tín dụng xanh đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong đó, 60% ngân hàng tiếp cận nguồn vốn xanh, triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổng chi phí đầu tư vào tài chính xanh của Việt Nam đến năm 2020 là gần 30.730 triệu USD. Trong đó, nhu cầu về điện cần nguồn vốn đầu tư lớn nhất là 27.625 triệu USD, chiếm gần 90% tổng nhu cầu tài chính về năng lượng tái tạo của cả nước.

Trong chiến lược kinh doanh, Nam A Bank luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Chính sách ưu đãi lãi suất gói vay tín dụng xanh chính là hành động thiết thực để Nam A Bank trở thành một trong những ngân hàng tiên phong góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trên thực tế, nhiều dự án sau khi được ngân hàng giải ngân, đang trong quá trình triển khai thì lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nên phải tạm ngừng hoạt động. Điều này trực tiếp khiến doanh nghiệp chịu tổn thất và gián tiếp khiến ngân hàng gặp nhiều rủi ro trong thu hồi nợ.

“Do đó, với ưu đãi lãi suất tín dụng xanh chỉ từ 7%, Nam A Bank mong muốn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân phát triển kinh doanh bền vững gắn liền với công tác bảo vệ môi trường”, ông Tâm chia sẻ.

Nam A Bank đã bắt tay cùng Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình “tín dụng xanh”, cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án được đánh giá là “xanh”. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân mà Nam A Bank giới thiệu lần này chỉ từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung, dài hạn. Không chỉ có lãi suất hấp dẫn, điều kiện vay vốn với tín dụng xanh được mở rộng nhiều hơn so với cách hiểu trước kia, theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn.

Với chương trình ưu đãi trên, Nam A Bank mong muốn tạo điều kiện để khách hàng bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng, cũng như tuân thủ định hướng của Ngân hàng Nhà nước theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc phát triển tín dụng xanh từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng cần chú trọng đến các vấn đề cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ sức khỏe con người, hướng đến việc phát triển bền vững.

Hiện tại, nhiều ngân hàng khác cũng rót mạnh vốn vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, HSBC Việt Nam hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư GIC triển khai chương trình tín dụng xanh. Đây là chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ các khách hàng cá nhân vay để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Khách hàng tại TP. Đà Nẵng và TP.HCM sẽ nhận được khoản vay với lãi suất 11,99%/năm dành cho khách hàng Premier và 12,99% dành cho khách hàng cá nhân khác, thời hạn vay lên đến 60 tháng. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng chiết khấu trực tiếp cho hệ thống điện năng lượng mặt trời của GIC với mức giảm 14% cho khách hàng Premier và 12% cho khách hàng cá nhân khác.

Hay mới đây, tại Tokyo (Nhật Bản), đã diễn ra lễ trao văn kiện hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD tài trợ các dự án năng lượng tái tạo (năng lượng xanh, bảo vệ môi trường) giữa Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Có thế thấy, những năm gần đây, tín dụng xanh là xu hướng phát triển chung của thế giới và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của các quốc gia. Đối với lĩnh vực tín dụng xanh, thực hiện định hướng phát triển của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng: Nam A Bank, Vietcombank luôn dành sự quan tâm, nguồn lực đặc biệt và thực tế đã trở thành các ngân hàng thương mại tích cực tài trợ các dự án trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam.

Lợi nhuận ngân hàng tăng dù room tín dụng thấp
Trong khi các ngân hàng “kêu” room tín dụng thấp nên hạn chế cho vay, thì kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn “ăn nên,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư