Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Nhu cầu vàng dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024
Đông Phong - 09/12/2023 09:49
 
Căng thẳng địa chính trị cộng với động thái mua vào của các ngân hàng trung ương sẽ khiến nhu cầu vàng tiếp tục nóng trong năm tới, theo Hội đồng vàng thế giới (WGC).
Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.100 USD/ounce vào đầu tuần trước khi giảm về mức 2.030 USD/ounce vào ngày 8/12. Ảnh: AFP
Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.100 USD/ounce vào đầu tuần trước khi giảm về mức 2.030 USD/ounce vào ngày 8/12. Ảnh: AFP

"Hạ cánh mềm" ở Mỹ chưa hẳn là tin tốt

Giá vàng thế giới đạt mức cao kỷ lục mới trong tuần này sau gần một năm bùng nổ. Cụ thể, giá vàng đầu tuần đã vượt mốc 2.100 USD/ounce trước khi giảm về mức 2.030 USD/ounce vào ngày giao dịch 8/12.

Trong báo cáo Triển vọng vàng năm 2024 được công bố ngày 7/12, Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết nhiều nhà kinh tế hiện dự đoán một "cuộc hạ cánh mềm" ở Mỹ, hàm ý là Cục dự trữ liên bang (Fed) đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế] sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Hội đồng vàng thế giới – một tổ chức đại diện cho các công ty khai thác vàng - lưu ý rằng trong lịch sử, môi trường hạ cánh mềm "không đặc biệt hấp dẫn đối với thị trường vàng, bởi nó có thể khiến lợi nhuận trung bình đi ngang hoặc thậm chí giảm xuống âm".

"Điều đó nói lên rằng, mỗi chu kỳ đều khác nhau. Lần này, căng thẳng địa chính trị gia tăng trong năm bầu cử quan trọng đối với nhiều nền kinh tế lớn, cộng với việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào có thể tăng lực cho thị trường vàng", Hội đồng vàng thế giới nhận định.

Các chiến lược gia của Hội đồng vàng thế giới cho rằng khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ là "không có nghĩa là chắc chắn”, trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa được giải quyết.

"Điều này sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư nắm giữ các tài sản phòng ngừa rủi ro hiệu quả, chẳng hạn như vàng, trong danh mục đầu tư của họ", Hội đồng vàng thế giới đánh giá.

Tổ chức này cho rằng hai sự kiện quan trọng nhất đối với nhu cầu vàng trong năm 2023 là sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và cuộc tấn công của Hamas vào Israel, đồng thời ước tính rằng các sự kiện địa chính trị đã khiến giá vàng tăng thêm từ 3% đến 6% trong năm 2023.

Năm 2024 có các cuộc bầu cử lớn diễn ra trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ, EU, Ấn Độ, Nga; do đó nhu cầu phòng ngừa rủi ro danh mục đầu tư của các nhà đầu tư có thể sẽ cao hơn bình thường.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Fed

Phát biểu trên đài CNBC, ông John Reade, giám đốc chiến lược thị trường của Tổ chức vàng thế giới, dự đoán rằng giá vàng có thể sẽ vẫn ở mức giới hạn nhưng sẽ biến động trong năm tới. Nhà phân tích này kỳ vọng giá vàng sẽ phản ứng theo các đợt công bố dữ liệu kinh tế mà có thể "gợi ý" về chính sách của Fed.

Còn theo công cụ theo dõi diễn biến chính sách FedWatch của CME Group, các thị trường hiện đang định giá theo đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên của Fed vào đầu tháng 3/2024.

Cắt giảm lãi suất thường được coi là tin tốt cho thị trường vàng, bởi lợi nhuận từ gửi tiền mặt giảm đi thì người gửi tiết kiệm sẽ tìm đến các khoản đầu tư có lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nhà phân tích của Tổ chức vàng thế giới cho rằng cần lưu ý đến hai yếu tố khiến "việc nới lỏng lãi suất chính sách có thể ít lạc quan hơn đối với thị trường vàng so với việc cắt giảm lãi suất".

Thứ nhất, nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn lãi suất như dự kiến, thì lãi suất thực vẫn ở mức cao. Thứ hai, tăng trưởng thấp hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vàng.

"Tôi không nói rằng lãi suất phải quay về 0 để kích thích lại nhu cầu, nhưng sự kết hợp đó mà tôi nghĩ đến lần cắt giảm đầu tiên ở Mỹ và việc cắt giảm ở các nền kinh tế quan trọng khác, tôi băn khoăn liệu nó sẽ làm thay đổi một chút tâm lý đối với vàng hay không?", ông Reade nói.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào

Theo Hội đồng vàng thế giới, một yếu tố khác trợ lực cho thị trường vàng trong tương lai là động thái mua vào của các ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương là nguồn cầu chính trên thị trường vàng toàn cầu trong vài năm qua và năm 2023 có thể sẽ là một năm kỷ lục. Tổ chức vàng thế giới dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2024.

Ông Reade cho biết Tổ chức vàng thế giới rất ngạc nhiên trước sự gia tăng đáng kể trong hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 và tốc độ mua vào vẫn tiếp tục trong năm 2023.

Cũng trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức vàng thế ước tính rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương đóng góp từ 10% trở lên vào hiệu suất của thị trường vàng năm 2023; đồng thời lưu ý rằng ngay cả khi năm 2024 không đạt được mức giá cao tương tự, việc mua vào như xu hướng trên vẫn sẽ thúc đẩy giá vàng.

"Kỳ vọng của chúng tôi là việc mua ròng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong năm tới và điều đó gần như đã xảy ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009)", ông Reade cho biết.

"Kỳ vọng của tôi là các ngân hàng trung ương rất có thể sẽ hành động trở lại, giống như một câu chuyện đáng chú ý trên thị trường vàng vào năm 2024, nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ lạc quan khi nói rằng đây sẽ là một năm kỷ lục nữa", đại diện Tổ chức vàng thế giới nói thêm.

Vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng SJC vẫn neo trên 74 triệu đồng/lượng
Áp lực chốt lời tăng mạnh đã khiến thị trường vàng chưa thể tiếp tục bứt phá sau khi thiết lập mức đỉnh mới trên 2.150 USD/ounce.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư