Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 05 tháng 02 năm 2025,
Những ẩn số quanh vụ máy bay Malaysia mất tích
PV - 10/03/2014 00:08
 
Các chuyên gia hàng không lâu năm của Mỹ nhận định việc chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích rất bất thường bởi nó có thiết kế ưu việt và đang hoạt động trong điều kiện "tốt nhất". >>> >>> >>> >>> >>> >>> >>> >>> >>> >>> >>>
TIN LIÊN QUAN

Cuộc gọi chớp nhoáng cuối cùng trên máy bay mất tích

Tờ Malaysian Insider ngày 9/3 đưa tin, một phi công của chiếc Boeing 777 cho biết ông đã bắt được tín hiệu với máy bay này chỉ vài phút sau khi kiểm soát không lưu của phía Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin.

Viên phi công giấu tên trả lời tờ New Sunday Times: “Chúng tôi cố gắng liên lạc với MH370 vào 1h30 và hỏi họ đã vào không phận Việt Nam hay chưa?”.

Viên phi công này khẳng định, ông đã nhận được tín hiệu hồi đáp: “Giọng nói ở phía bên kia có thể là một trong hai cơ trưởng Zaharie (Ahmad Shah, 53 tuổi) hoặc Fariq (Abdul Hamid, 27 tuổi), nhưng tôi chắc chắn đó là phi công”.

Ông nói thêm: “Âm thanh rất nhiễu, tôi chỉ có thể nghe tiếng nói lầm bầm từ đầu bên kia. Đó là lần cuối cùng tôi bắt được tín hiệu của họ. Sau đó chúng tôi đã không thể liên lạc được với họ”.

Viên phi công này cũng khẳng định, những chiếc máy bay ở cùng tần số tại thời điểm đó có thể cũng nghe được cuộc trao đổi này.

Theo Malaysian Insider, vào thời điểm xảy ra vụ việc, chiếc máy bay của viên phi công giấu tên đang trên hành trình đến Narita, Nhật Bản.

Khi vào không phận Việt Nam, máy bay của viên phi công này nhận được yêu cầu từ kiểm soát không lưu Việt Nam nhờ sử dụng tần số khẩn cấp để liên lạc với MH370 vì phía Việt Nam không thể liên hệ được với chiếc máy bay này.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, chiếc máy bay của viên phi công giấu tên đang trên hành trình đến Narita, Nhật Bản.


Máy bay mất tích lúc an toàn nhất

Vì sao chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia biến mất đến nay vẫn còn là một ẩn số. Chuyên gia hàng không của CNN Richard Quest nói máy bay khi ấy đang ở thời điểm an toàn nhất của một chuyến bay.

Ông giải thích: “Lúc đó máy bay đã khởi hành được 2 giờ. Đây là thời điểm được xếp vào khoảng thời gian bay bằng. Chúng ta có thể chia ra các giai đoạn của chuyến bay thành lăn bánh, cất cánh, nâng độ cao và bay bằng”. Ông Quest chỉ ra rằng trong giai đoạn bay bằng, đây là lúc an toàn nhất và dường như không có gì để sai sót cả. “Máy bay ở độ cao này đang trong chế độ bay tự động, phi công chỉ có một chút điều chỉnh nhỏ và thay đổi độ cao trong lúc máy bay đốt nhiên liệu. Vì vậy điều gì đó xảy ra ở độ cao này phải cực kỳ nghiêm trọng” - ông Quest giải thích.

Khả năng máy bay quay đầu về Kuala Lumpur?

BBC ngày 9/3 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Hishammuddin Hussein cho biết, Malaysia đang xem xét đến khả năng chiếc máy bay bị mất tích đã quay ngược hành trình trước khi mất tích.

Trong khi đó, báo Asahi của Nhật Bản ngày 9/3 đưa tin, hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đang được Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam tích cực triển khai.

Sáng 9/3, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cho biết, hiện phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng.

Tàu thuyền Việt Nam đang tìm kiếm máy bay mất tích tại khu vực phía Nam Việt Nam Ảnh: Reuters



Cùng với việc tăng cường công tác tìm kiếm máy bay mất tích, Malaysia cũng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ mất tích. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố cũng sẽ tham gia vào vụ điều tra này bởi những “nguyên nhân có vẻ khó hiểu”.

Nhiều giả thuyết vẫn được các cơ quan liên quan của Malaysia đưa ra và Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Malaysia nhấn mạnh rằng cuộc điều tra sẽ tiến hành từ nhiều góc độ và phương diện. Trong khi đó, nghi vấn về 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay vẫn là “tầm ngắm” của các cơ quan chức năng.

Về khả năng khủng bố ông Azharuddin Abdul Rahman khẳng định rằng “không loại trừ khả năng này” và giữ nguyên lập trường của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tuyên bố trước đó.
Ông Azharuddin Abdul Rahman cũng cho biết thêm Malaysia đã kiểm tra kỹ hệ thống camera tại sân bay và nhật ký kiểm tra hàng hóa nhưng vẫn chưa phát hiện được yếu tố nghi vấn nào./.

Các chuyên gia bi quan về số phận máy bay Malaysia


Các chuyên gia hàng không lâu năm của Mỹ nhận định việc chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích rất bất thường bởi nó có thiết kế ưu việt và đang hoạt động trong điều kiện "tốt nhất".

"Viễn cảnh có vẻ không được khả quan", phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines, Jim Tilmon nói trên CNN. Ông nhấn mạnh rằng đường bay của phi cơ mang số hiệu MH370 hầu hết là đi qua đất liền nên việc liên lạc với nó thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến là rất dễ dàng.

"Tôi đã cố gắng vẽ ra mọi kịch bản để có thể giải thích cho vụ việc này nhưng tôi đã không thành công", ông nói. Jim cho rằng chiếc Boeing 777-200 có thiết kế rất tinh vi như bất kỳ loại máy bay thương mại nào, với một hồ sơ an toàn vượt trội.

"Việc thiếu thông tin liên lạc khiến tôi nghi ngờ rằng có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra", ông Mary Schaivo, cựu tổng thanh tra của Bộ Vận tải Mỹ, cũng đồng quan điểm. "Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần cứu hộ. Việc tìm máy bay và cứu hộ là rất cấp bách". Giám đốc điều hành hãng Malaysia Airlines, ông Ahmad Juahari Yahya, cho hay phi công điều khiển máy bay trên không hề phát tín hiệu nguy cấp trước khi mất tích.

"Ưu tiên cao nhất của hãng lúc này là phối hợp với lực lượng ứng phó khẩn cấp và các nhà chức trách để huy động sự hỗ trợ đầy đủ", ông Yahya nói. "Chúng tôi và mọi người đều đang hướng về các hành khách và phi hành đoàn cùng thân nhân của họ". Hiện giới chức vẫn chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của máy bay. Manh mối khả nghi duy nhất là hai vết dầu loang mà lực lượng cứu hộ hàng hải Việt Nam phát hiện trên vùng biển nghi máy bay rơi ở gần mũi Cà Mau.

Người thân của những hành khách trên chuyến bay số hiệu MH370 vẫn đang khắc khoải mong ngóng thông tin của chiếc máy bay này Ảnh: Getty


Việc tìm máy bay mất tích trên biển luôn gặp nhiều khó khăn. Hộp đen của máy bay, thiết bị lưu trữ dữ liệu về chuyến bay và ghi âm tại buồng lái, được trang bị máy phát giúp phát ra các tín hiệu siêu âm ở dưới nước.

Trong điều kiện thuận lợi, tín hiệu có thể được dò thấy cách vị trí tai nạn vài trăm km, ông John Goglia, cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho biết. Nếu hộp đen bị kẹt trong xác máy bay, tín hiệu này khó có thể truyền đi xa. Nếu hộp đen nằm ở đáy của các rãnh ngầm đáy biển, điều này cũng gây cản trở tín hiệu phát đi. Tín hiệu siêu âm cũng sẽ yếu dần theo thời gian.

Tổng hợp

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư