Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những ‘‘ánh sao băng” trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định
Lương Sơn - 30/04/2014 11:55
 
() Chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở một chiến trường giáp mặt với quân thù đầy gian nan, thử thách, ác liệt, hy sinh…, song lực lượng đặc công, biệt động, trong đó có 140 con em của Thái Bình, đã chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, lập công xuất sắc.
TIN LIÊN QUAN

Họ là các chiến sĩ trong các tiểu đoàn biệt động N10, N12, N13, Ban quân báo thành, Ban an ninh Thành ủy, Ban quân sự thành Đoàn, các cơ quan văn phòng của Bộ tư lệnh Quân khu, Liên quân 1,2, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316, các tiểu đoàn Đặc công Gia Định 4, Đặc công thủy Cửu Long, Bạch Đằng...

  Sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của lực lượng đặc công, biệt động góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.  
  Sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của lực lượng đặc công, biệt động góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975  

Tất cả đã kiên cường bám trụ, chiến đấu ở đất thép Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, 18 thôn vườn trầu, bưng biền Nam Bình Chánh, Nhà Bè, các vùng sâu, vũng lõm giải phóng xây dựng cơ sở, xây dựng và bảo vệ các tuyến hành lang kho, trạm, nắm tình hình địch và chuẩn bị chiến trường…

Những ánh sao băng

Họ là những “ánh sao băng” làm khiếp đảm quân thù từng chiến đấu ở chiến trường trọng điểm - trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế của Mỹ - Ngụy.

Nguyễn Đình Chính, một người con của quê hương Thái Bình, thuộc lớp đàn anh, một cán bộ chỉ huy biệt động Sài Gòn trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chiến đấu rất dũng cảm, gan dạ, mưu trí, đánh nhiều trận, lập công xuất sắc và đã anh dũng hy sinh trên pháp trường. Đồng chí đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại TP. Thái Bình và TP.HCM có một con đường, một ngôi trường mang tên Nguyễn Đình Chính.

Phạm Thị Mỹ, người con gái xã Thụy Phong (Thái Thụy, Thái Bình), là một nữ biệt động thành chiến đấu nhiều trận rất dũng cảm, táo bạo, có trận một mình chị diệt 25 tên địch và 2 khẩu đại liên. Mậu Thân năm 1968, đồng chí tham gia đánh Bộ tổng tham mưu Ngụy, diệt nhiều địch... Đợt hai Mậu Thân 1968, Phạm Thị Mỹ đánh địch liên tục 7 ngày đêm ở quận 5, quận 6, lập công xuất sắc, được tặng thưởng 2 huân chương chiến công, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vũ Minh Hoàng, quê tại xã Đông Minh (Tiền Hải, Thái Bình), Đại đội trưởng Đại đội 5 anh hùng thuộc Tiểu đoàn Đặc công Gia Định 4. Đây chính là vị chỉ huy của đại đội đánh chiếm chi khu Phú Hòa, trận đánh vô cùng gay go ác liệt và đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Hà Đông Nam, quê xã Thái Phúc (huyện Thái Thụy, Thái Bình), là Đại đội trưởng Đại đội Pháo, Binh chủng Đặc công, chiến đấu rất dũng cảm, kiên cường và đã hy sinh anh dũng khi chỉ huy đơn vị đánh chặn tàu địch trên sông Sài Gòn.

Nguyễn Đình Thứ, quê ở Tán Thuật, Kiến Xương, Thái Bình là Đại đội trưởng Đại đội Đặc công thủy Bạch Đằng, đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy đơn vị đánh chặn tàu địch trên sông Sài Gòn

Và còn Bùi Xuân Tụy - Đại đội phó, quê xã Quang Trung, Kiến Xương; Nguyễn Văn Tĩnh, Trung đội trưởng, quê Tân Hòa, Vũ Thư; Nguyễn Công Chức, Trung đội phó, quê xã Thái Hòa, Thái Thụy; Nguyễn Đức Hiện, Đại đội phó, quê xã Hợp Tiến, Đông Hưng; Nguyễn Thế Giác, quê xã Phú Xuân, TP. Thái Bình… đều là những cán bộ chỉ huy các đơn vị đặc công biệt động chiến đấu nhiều trận rất mưu trí, táo bạo, lập công xuất sắc...

Giữ đẹp mùa trăng

Còn rất nhiều tấm gương chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu bền bỉ, gan dạ trong giữ chốt, trừ gian diệt, ác phá kìm, luồn sâu, ém sát trong lòng địch. Tôi đã gặp Phạm Hải Triều, biệt danh “Bảy Hổ”, Đại đội phó Tiểu đoàn Biệt động N10, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công Gia Định 4, nhiều năm cùng đơn vị gan góc bám trụ đứng chân ở nội ngoại thành, tổ chức chỉ huy nhiều trận đánh thắng giòn giã.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phạm Hải Triều là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy Tiểu đoàn mở 2 cửa vào Sân bay Tân Sơn Nhất, chốt giữ cửa mở và tổ chức đánh địch, giải phóng hoàn toàn xã Thông Tây Hội, tuyến đường 15. Tiểu đoàn đã đánh chiếm nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất, bắt liên lạc với Ban liên lạc quân sự 4 bên của ta tại Trại David...

Phạm Bá Cường, quê ở xã An Châu, Đông Hưng, là Trung đội trưởng Đại đội Anh hùng, đã dũng cảm chỉ huy đơn vị luồn sâu đánh vào căn cứ Đông Dù - sở chỉ huy của Sư đoàn 25 Ngụy và đánh nhiều trận khác. Đồng chí đã được tặng 3 Huân chương chiến công.

Ngoài ra, còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đặc công trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định ngày ấy, mỗi người mang trong mình những chiến công riêng. Đó là Vũ Ngọc Cợt, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ - một chiến sĩ mở cửa dưới làn đạn phản ứng dày đặc của địch; Nguyễn Bá Vị,  xã An Đồng, Hưng Hà, bị thương mà vẫn xông lên tiêu diệt địch đến cùng; và còn Bùi Hữu Phóng, Bùi Hải Vân, Phan Thanh Nghị, Ngô Minh Tiêm, Nguyễn Cao Sang, Vũ Xuân Điệu, Đặng Vĩnh Đạm, Phạm Quốc Tuấn, Ngô Xuân Hồi…

Hai chục năm qua, những chiến sĩ biệt động, đặc công Thái Bình đã có một mái nhà chung - đó là “Hội Bạn chiến đấu đặc công, biệt động quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Họ lại sát cánh động viên nhau giữ gìn phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình, làm tốt việc tình nghĩa, đúng như những vần thơ đã viết về họ: “Người đi làm triệu ánh sao băng/ Biệt động, đặc công gian khó đạp bằng/ Trở lại nhà gom mưa nhặt nắng/ Về đời thường giữ đẹp mùa trăng”.

TIN LIÊN QUAN
Gặp người chiếm Đài phát thanh Cần Thơ năm xưa
Hào khí Điện Biên, hào khí tháng Tư ngút trời đất việt
Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn chiến lược của Đảng

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư