Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Những giá trị mới cho sự phát triển của Việt Nam từ cuộc Cách mạng Minh Trị tại Nhật Bản
Kỳ Thành - 23/11/2018 08:30
 
"Minh Trị Duy tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam" là tên hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Waseda, Nhật Bản, tổ chức ngày 22/11.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2018), 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị của Nhật Bản.

Theo ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Minh Trị Duy Tân là một chuỗi cải cách mà Nhật Bản đã thực hiện để hiện đại hóa đất nước tiến lên bước mới.

Về chính trị, Nhật Bản đã tiến hành áp dụng chế độ nội các, xây dựng hiến pháp và thành lập các hội đồng tư vấn chính sách. Đồng thời, cải cách công nghiệp và phát triển ngành đường sắt, bưu điện, thành lập các trường đại học sư phạm và cải cách nhiều lĩnh vực khác nhau…

Đại sứ Umeda Kunio chia sẻ, sự phát triển của Nhật Bản là đã bình đẳng hóa cơ hội trong thời Minh Trị Duy tân. Nhật Bản đã bỏ chế độ về nhân thân là sĩ-nông-công-thương và phát triển con người dựa trên sự cạnh tranh một cách tự do dựa vào năng lực cá nhân để người tài góp phần xây dựng quốc gia.

Nhật Bản cũng đã tiếp thu tri thức từ phương tây, giúp người Nhật Bản có một tinh thần võ sĩ đạo nhưng có tri thức của phương tây. Quá trình cải cách này đã được sự ủng hộ của toàn thể quốc dân.

Đại sứ Umeda Kunio đánh giá, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi bước ngoặt, nền kinh tế vĩ mô đang phát triển tốt và Việt Nam tràn đầy năng lượng để phát triển, bước vào ngưỡng cửa của các nước phát triển. Do đó, Nhật Bản mong muốn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công sự cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. “Nhật Bản và Việt Nam có chung nhiều lợi ích chiến lược, sự phát triển của Việt Nam góp phần vào sự phát triển và ổn định của khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản”, ông Umeda Kunio nói.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế
Quang cảnh Hội thảo quốc tế "Minh Trị Duy tân 150 năm: Nhìn từ Việt Nam"

Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là đối tác thương mại đứng thứ 3 của Việt Nam. Năm 2018, Nhật Bản vượt qua Hàn Quốc, trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được tăng cường trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và quốc phòng.

“Trong bối cảnh đó, trao đổi, thảo luận và chia sẻ những bài học kinh nghiệm được rút ra từ Minh Trị Duy tân của các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam không chỉ giúp tăng cường trong học thuật mà còn giúp thế hệ trẻ và nhân dân hai nước có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tiền đề và ý nghĩa của cuộc cách mạng này đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản. Qua đó góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam Nhật Bản”, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ.

Hội thảo gồm 2 phiên: “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản” và “Ý nghĩa của Minh Trị duy tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam."

Với chủ đề “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản," tham luận của các đại biểu đã làm rõ, luận giải một số nguyên nhân, tiền đề, động lực thúc đẩy phong trào cải cách và đưa cuộc cải cách đến thành công.

Có thể nói, trong tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản, thời kỳ Minh Trị có một ý nghĩa trọng đại. Nhờ có thành tựu của công cuộc cải cách mà Nhật Bản có thể tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành cường quốc tư bản đầu tiên ở châu Á.

Các đại biểu khẳng định cải cách Minh Trị với vai trò và ý nghĩa lịch sử của nó, đã trở thành nhân tố thiết yếu trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản thời kỳ hiện đại.

Trên bình diện châu Á, những thành tựu của công cuộc cải cách còn có nhiều ảnh hưởng với các quốc gia khu vực. Không ít quốc gia châu Á đã hướng về đảo quốc và muốn đi theo con đường phát triển của Nhật Bản.

Các học giả cũng đưa ra nhiều bình luận về các cách đánh giá khác nhau về Minh Trị Duy tân trong giới khoa học xã hội Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các học giả đã trình bày một số liên hệ với tiến trình phát triển của Việt Nam trong cùng thời kỳ với Minh Trị duy tân và thảo luận về các nguyên nhân không thành công của Việt Nam.

Các đại biểu và diễn giả tham dự Hội thảo
Các đại biểu và diễn giả tham dự Hội thảo

Về chủ đề “Ý nghĩa của Minh Trị duy tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam," các tham luận đi sâu vào các thành tựu cải cách về kinh tế từ thời Minh Trị Duy tân.

Bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của thế hệ lãnh đạo Nhật Bản, người Nhật đã đón nhận những tư tưởng, tri thức tiến bộ của nhân loại, đưa đất nước Nhật Bản giành được những kỳ tích trên con đường phát triển, xây dựng đất nước.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, những bài học mà cuộc cải cách này mang lại vẫn có ý nghĩa lớn đối với quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của các quốc gia. Đó là các bài học phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may và một số ngành công nghiệp khác, từ đó cải thiện cơ cấu thương mại; tiếp thu công nghệ, tri thức nước ngoài để thực hiện công nghiệp hóa đất nước; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; sự hợp lý và nhất quán trong việc ban hành chủ trương, chính sách của nhà nước; nhanh chóng thích nghi về thể chế khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhật Bản có hai lần cố gắng theo kịp Tây phương: Thời Minh Trị Duy tân và thời phục hưng hậu chiến cùng với giai đoạn chuẩn bị phát triển cao độ. Cả hai lần đều phát huy tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ. Chính trị gia, quan chức, doanh nhân và trí thức cùng hướng vào mục tiêu theo kịp Tây phương. Từ giai đoạn thu nhập trung bình thấp, phải có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mỗi năm 9-10% và kéo dài vài chục năm mới theo kịp các nước tiên tiến. Phát triển với tốc độ thấp hoặc  trung bình cần thời gian rất dài và có thể mất cơ hội.

Theo PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Hội thảo góp phần tăng cường sự hiểu biết về những thay đổi kinh tế, văn hóa và xã hội của Nhật Bản trong công cuộc thực hiện cải cách Minh Trị và ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị đối với các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiện trạng quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và phát triển trên cơ sở nhìn nhận từ ý nghĩa hiện đại 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị.

Qua đó, xây dựng một mạng lưới học thuật với các nhà khoa học, học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Waseda, Nhật bản và một số trường đại học, viện Nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam.

“Hội thảo đưa ra những góc nhìn mới, những giá trị mới cho sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu khẳng định.

Sẽ hình thành chuỗi giá trị mới trong hợp tác kinh tế Việt - Nhật
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư