Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Nỗ lực nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam
Nguyên Minh - 23/07/2025 16:10
 
Nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến cuối cùng, mà mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cải cách mạnh mẽ để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, phát triển, giúp nhà đầu tư huy động vốn dễ dàng.

Chia sẻ tại Toạ đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7/2025, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã khẳng định định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả. 

Mục đích cuối cùng là nâng tầm thị trường chứng khoán

"Nhìn lại những ngày đầu mới vận hành, chúng ta mới thấy được sự phát triển của thị trường", ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại Toạ đàm. 

Từ chỗ chỉ có 2 - 3 doanh nghiệp niêm yết trong buổi đầu, đến nay, thị trường chứng khoán đã có hàng trăm doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá tỷ đô. Trong khu vực ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam là non trẻ nhất khi so với thị trường chứng khoán Philippines 100 năm, Malaysia 65 năm, Thái Lan khoảng 50 năm…

Tuy nhiên, tới thời điểm này, về vốn hoá, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương Malaysia, thấp hơn Thái Lan một chút và vượt qua Philippines. Thậm chí trong tuần giao dịch vừa qua, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thậm chí vượt qua Thái Lan - là một thành tựu đáng ghi nhận. 

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Chí Cường

Liên quan đến tiến trình nâng hạng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách; trong đó, nhiều cải cách mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý đã tháo gỡ nhiều rào cản, điểm nghẽn của thị trường. Đến nay, các tiêu chí cứng để nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được. Còn các tiêu chí mềm còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. 

Thời gian qua, UBCKNN cũng đã duy trì trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư… Hàng tuần, UBCKNN đều gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế đến chia sẻ trải nghiệm ở Việt Nam. Trong quá trình trao đổi, họ thể hiện thái độ tích cực, đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Ông Hải thông tin thêm tín hiệu tích cực từ cuộc gặp FTSE Russell với Thủ tướng Chính phủ, đại diện FTSE Russell đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. 

"Tuy nhiên, nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến, mà mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cải cách thị trường để làm sao thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, phát triển, giúp nhà đầu tư huy động vốn dễ dàng", ông Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh. 

Do đó, dù mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán có đạt được trong tháng tháng 9 tới hay không thì những cải cách vừa qua và quyết tâm cải cách tiếp theo sẽ khiến thị trường và các nhà đầu tư hưởng lợi. Đại diện UBCKNN khẳng định, nâng hạng không phải là cái đích cuối cùng, mà mục đích cuối cùng là nâng tầm thị trường chứng khoán, để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho mình.

Tăng cường sản phẩm mới, hàng hoá mới cho thị trường

Cùng tham gia tọa đàm, bà Trần Anh Đào, Quyền Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng tin tưởng, chặng đường sắp tới, có những nền tảng để mong chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, có chính sách rõ và thống nhất để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Bộ Tài chính, các thành viên thị trường đang xây dựng nền tảng tiếp theo của thị trường, nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến thủ tục, gắn IPO với niêm yết… Những điều này rất đáng mong chờ cho giai đoạn tiếp theo. 

Về dòng vốn, so với 2-3 năm trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nội lực của khối doanh nghiệp hiện nay đang hồi sinh và trên đà phát triển. 

Bà Trần Anh Đào thông tin, hiện trên HoSE đã có 390 doanh nghiệp niêm yết, với vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng, mỗi ngành nghề đều có những doanh nghiệp đứng đầu ngành, là đại biểu cho cả nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã cạnh tranh sòng phẳng với kênh ngân hàng trong việc thu hút vốn cho doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài có bến đỗ và cũng sẽ mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế.

Thời gian qua, HOSE đã triển khai thành công hệ thống công nghệ giao dịch mới cho toàn bộ thị trường (KRX). Đây là nền tảng HoSE sẽ tận dụng khi nâng hạng thị trường, cùng với CPP cũng như những tiện ích khác của hệ thống để phục vụ tốt hơn cho thị trường. Với hệ thống kỹ thuật hiện tại, việc ra mắt sản phẩm mới cũng sẽ được rút ngắn. HOSE đang cùng VDSC lên lộ trình cho sản phẩm mới. 

Còn về nguồn cung hàng hoá mới, Quyền Tổng giám đốc HoSE cho biết, UBCKNN đang có chủ trương tạo nguồn hàng tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn với quy trình mới, với Nghị định 155 mới sẽ triển khai quy trình gắn IPO với niêm yết. 

"Ngoài các tiêu chí cứng về thời gian hoạt động, cổ đông, quản trị công ty, minh bạch, chúng tôi đang tập trung để khối doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoạt động, có mặt bằng so sánh được với các thị trường trong khu vực, từ đó thu hút được dòng vốn nước ngoài", bà Trần Anh Đào cho biết. 

Hiến kế đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng hàng đầu
Tại toạ đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý, các tổ chức đầu tư cùng hiến kế với mục tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư