Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nông sản Việt chốt thêm đơn hàng sang châu Âu
Thế Hải - 01/11/2018 19:22
 
Đưa các mặt hàng nông sản sang Pháp dự Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm Sial Paris 2018, các doanh nghiệp Việt đã ký thành công loạt hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD.

Chinh phục khách hàng châu Âu

Chỉ trong 5 ngày diễn ra Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm Sial Paris 2018 từ ngày 21 đến 25/10, Công ty cổ phần Long Sơn, chuyên chế biến và xuất khẩu hạt điều nhân và điều chiên, đã ký hợp đồng có trị giá khoảng 6 triệu USD với khách hàng châu Âu.

Nhiều mặt hàng nông sản chế biến của Việt Nam đã chinh phục được khách hàng tại các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu
Nhiều mặt hàng nông sản chế biến của Việt Nam đã chinh phục được khách hàng tại các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu

Năm 2017, doanh thu từ xuất khẩu hạt điều của Công ty Long Sơn đạt 217 triệu USD và dự kiến sẽ chạm mức 240 triệu USD vào cuối năm nay. Đơn hàng xuất khẩu vừa ký tại Pháp sẽ mở đường để Công ty này “nhấn ga” xuất khẩu vào năm 2019.

Sở hữu hệ thống nhà máy chế biến rau củ từ Bắc tới Nam, có thâm niên xuất khẩu rau quả tươi và chế biến, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) không mất quá nhiều thời gian để chinh phục khách hàng châu Âu và đã ký xong đơn hàng xuất khẩu rau củ đóng hộp trị giá 4 triệu USD.

“Sau sự kiện này, Công ty sẽ đàm phán tiếp với đối tác và hy vọng xuất khẩu được nhiều mặt hàng với giá trị lớn hơn nữa”, lãnh đạo Công ty Doveco cho biết.

Bên cạnh đó, hai “ông lớn” khác là Công ty cổ phần Nafoods Group cũng ký kết hợp đồng xuất khẩu trị giá 5 triệu USD, Tổng công ty Thương mại Hà Nội ký kết hợp đồng trị giá 2 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp Việt tham gia Hội chợ Sial Paris 2018, phản hồi từ khách hàng đối với hầu hết sản phẩm của Việt Nam là rất tích cực, bao gồm cả những sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu cùng một số sản phẩm lần đầu tiên giới thiệu.

Lần đầu đưa các sản phẩm tiêu, quế organic đến Paris, Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt khá bất ngờ trước sự hồ hởi của khách hàng châu Âu với các loại gia vị Việt Nam. Bà Hứa Thị Thùy Liên, Giám đốc Công ty Hồ Tiêu Việt cho biết, doanh nghiệp đang phối hợp cùng một số đối tác chuyên về marketing tại Pháp, Đan Mạch nhằm xây dựng thương hiệu tiêu hữu cơ của Việt Nam, đảm bảo sản phẩm đạt đủ các tiêu chuẩn để đến với thị trường châu Âu dài hơi hơn.

Nhà máy chế biến tăng lực cho xuất khẩu 

Những đơn hàng xuất khẩu nông sản đã qua chế biến có được từ các hội chợ quốc tế, một lần nữa cho thấy hướng đầu tư vào các nhà máy chế biến hiện đại của doanh nghiệp là đúng đắn. Việc gia tăng nhà máy chế biến còn giải quyết căn cơ đầu ra cho  nông sản nội trước nguy cơ “vỡ trận” do cung vượt cầu và có cơ hội tăng xuất khẩu.

Quay trở lại với đơn hàng Doveco chốt được tại Pháp, ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Doveco cho biết, dù mùa vải thiều đã qua rất lâu, nhưng Công ty có thể xuất khẩu vải cấp đông quanh năm. Nhờ việc đầu tư nhà máy chế biến, quả vải được Doveco chế biến theo công nghệ mới nhất của Nhật Bản, đưa vào cấp đông tầng sôi. Sau khi cấp đông, quả vải được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ, đảm bảo giữ được trạng thái như quả vải tươi trong thời gian 2 năm.

Nếu không có gì thay đổi, ngay trong tháng 12 tới, Trung tâm Chế biến rau quả của Doveco tại Tây Nguyên sẽ chính thức đưa vào hoạt động, sản xuất rau quả xuất khẩu.

Dự án này gồm tổ hợp 3 nhà máy: nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm; nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm. 

Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cũng đang phấn khởi trước kết quả thu được từ chuyến mang hàng hóa sang Pháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, Phó phòng Xuất nhập khẩu (Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi), người trực tiếp tham gia đưa hàng dự Hội chợ cho biết, 3 sản phẩm chủ lực của Bích Chi (bánh phồng tôm, bánh phở khô, bánh tráng) đều nhận được sự đánh giá cao của khách hàng cả Âu và châu Á, đặc biệt là khách Hàn Quốc, Nhật Bản, và không gặp phải rào cản về tiêu chuẩn hàng hóa.

“Đơn hàng chưa ký được ngay tại Hội chợ, nhưng Công ty không nóng vội. Chúng tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với gần 100 khách hàng sỉ tiềm năng và gửi đi những thông điệp cần thiết về sản phẩm và doanh nghiệp. Sau khi về Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với khách hàng”, bà Tuyền cho biết thêm.

Hiện, Công ty Bích Chi đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa Nhà máy thứ hai vào hoạt động trong năm 2019. “Nhà máy thứ hai được xây dựng tại Đồng Tháp, khi hoàn thành đầu tư sẽ giúp Công ty đạt quy mô sản xuất lớn hơn, đưa ra thị trường thêm sản phẩm mới, tăng lực cho xuất khẩu”, bà Tuyền nói.

Việc có thêm nhiều nhà máy chế biến quy mô, sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường khó tính cùng với sự chủ động cao hơn từ phía các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, sẽ tạo đà đưa nông sản Việt đi xa hơn tới nhiều thị trường mới.

[Infographic] Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong 9 tháng 2018
Lũy kế 9 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 15,16 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư