Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
NSND Lê Khanh: Món quà vô giá của những lần… "đặc cách"
THU HUYỀN (ANTĐ) - 03/02/2017 08:17
 
Lê Khanh thuộc thế hệ diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ. Không ngoa khi nói, chị là diễn viên sân khấu đẳng cấp nhất trong số các diễn viên đẳng cấp.
.
.

Dù giáo dục đã có những bước chuyển đổi nhưng NSND Lê Khanh vẫn mê cái cách mà người Nga xưa tạo ra một nghệ sĩ. Nó là sự hòa quyện giữa tài năng thiên bẩm, sự rèn luyện khổ công cùng những giây phút bộc phát sáng chói trong suốt quá trình làm nghề đằng đẵng.

Diễn viên đa tài, đa năng

Cách thức đào tạo ngày ấy đã khiến cho lớp học sinh như chị chỉ sau một học kỳ đã được làm nghề. Sáng đến lớp như một học sinh, tối lên sàn cống hiến như một nghệ sĩ. Khóa học khai trương ngày 11-9-1978, mùa hè năm sau chị và các đồng nghiệp đã được gọi là học sinh kiêm diễn viên.

Chị còn nhớ, ngày ấy đi học được lĩnh học bổng mỗi tháng 26.000 đồng, con gái được thêm 500 tiền son phấn. Đến khi tốt nghệp năm 1982, các học sinh khóa I khi ấy đều đã trở thành những diễn viên rất có kinh nghiệm.

So với lứa diễn viên cùng học trong trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là khác hẳn. Họ phải mất ít nhất một năm học nghề, trong khi Lê Khanh đã là solist, vở nào cũng tham gia, rất nhiều thể loại.

Chị đăng ký học kịch nói nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ hoạt động cả trên lĩnh vực ca, múa, nhạc và kịch câm nên chị học cả kịch câm. Nói chung, đấy là một thế hệ diễn viên đa tài, đa năng, diễn kịch nhưng rất thạo về nhảy múa, hát hò.

Lê Khanh bảo, con đường nghệ thuật của chị đặc biệt nhất là luôn có những đặc cách. Khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập quá tốt và những cống hiến quá nhiệt tình khi vừa học vừa làm, chị được đặc cách không phải qua thời gian thực tập mà được ghi tên luôn vào biên chế Nhà hát. Sau đấy, chị cũng được đặc cách phong NSƯT trước niên hạn, dù không đủ huy chương.

Lúc làm hồ sơ đề nghị được phong tặng danh hiệu này, chị chỉ có duy nhất một Huy chương Bạc vì không phải hội diễn nào cũng tham gia. Thế nhưng, với những vai diễn của chị tại Nhà hát Tuổi Trẻ thì tất cả bạn nghề đều biết, chẳng cần đến khi thi thố mới chứng tỏ được tài.

Chị rất cảm ơn sự công nhận này, vì mọi người đã bảo vệ được giá trị của sự đặc cách. Nó khác với việc được nhiều huy chương nhưng không phải người nào cũng nhận diện được.

ảnh 2
NSND Lê Khanh trong vở kịch “Lời thề thứ 9” của cố tác giả Lưu Quang Vũ

Món quà dành cho tình yêu với nghề

Đến khi được phong tặng NSND thì Lê Khanh đã đầy đủ các tiêu chí cần phải có, song mọi người vẫn nghĩ chị được đặc cách bởi lẽ, tuổi đời của chị khi ấy quá trẻ. Kể cả cho đến bây giờ, chị vẫn là nghệ sĩ trẻ nhất đạt danh hiệu cao quý này.

“Lúc ấy, bạn bè tôi còn đùa, được NSND toàn là các bậc lão làng, mỗi mày chíp hôi. Cẩn thận kẻo lại sớm phải đi theo các cụ”, Lê Khanh nhớ lại.

Chị thấy những lần “đặc cách” ấy là món quá vô giá  dành cho tình yêu và sự cống hiến của chị. Có thể, cứ chăm chỉ lao động, cứ chờ đợi thì kết quả rồi cũng sẽ đến thôi, nhưng cái cách thức và thời điểm mà một người nghệ sĩ được tặng danh hiệu là vô cùng quan trọng. Chỉ tiếc là điều này chả mấy ai biết đến hoặc có biết thì cũng quên đi. 

Chị bảo, mô hình phong tặng danh hiệu này mình học từ nước Nga, nhưng ở bên đấy khác, danh hiệu đến với nghệ sĩ khi họ có sự đột phá, gây hiệu ứng ngay lập tức, lan tỏa mạnh mẽ.

Còn ở Việt Nam, danh hiệu là phép cộng tất cả mọi cái có được sau thời gian dài lao động. Yếu tố thiên bẩm, thăng hoa bất ngờ không còn được đặt lên vị trí hàng đầu nữa. Nhưng Lê Khanh lại là một trường hợp khác, ở người nghệ sĩ này đã hội tụ được nhiều yếu tố, sự nghiệp bền vững và những danh hiệu đến đúng lúc tài năng đang nở hoa.

Lê Khanh nhớ lại, khi mà sân khấu đúng là thánh đường và các diễn viên thế hệ chị cứ tự nhiên tỏa sáng. Còn bây giờ, theo dòng chảy cuộc sống, nghệ thuật cũng biến thiên nhiều. Vai diễn dù hay đến đâu thì tuổi thọ không dài, diễn viên trẻ không kịp để mọi người nhớ thì đã sang trang khác.

Chưa kể sự đa năng của diễn viên bây giờ rất khác ngày trước là họ làm nhiều nơi, thế nên khán giả cứ bảo nhau: hình như cô ấy bên sân khấu, hình như bên truyền hình. Cái gì cũng mờ mờ, nhạt nhạt.

Nghệ sỹ ND Lê Khanh: “Đôi khi, tôi thấy mình tham lam”
Mỗi ngày, Lê Khanh vẫn vội vã ra khỏi nhà với ly càphê nghi ngút khói, miệt mài rèn nghề cho diễn viên trẻ rồi lại cần mẫn tìm kịch bản… Công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư