Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 13 tháng 08 năm 2024,
Nữ nông dân tiêu biểu Mỹ truyền cảm hứng thành công cho nữ nông dân Việt Nam
Nhung Bùi - 12/08/2024 21:48
 
Vượt nửa vòng trái đất, 2 nữ nông dân tiêu biểu của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam để chia sẻ nhiều bài học thực tế trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Bà Jaclyn Wilson, nhà sáng lập  công ty Flying Diamond Beef, doanh nghiệp tiên phong trong việc bán thịt bò NFT tại Mỹ, đã làm nóng hội trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam bằng câu hỏi tưởng như không liên quan đến nhau: “Bao nhiêu người trong các bạn từng tham gia chăn nuôi, hoặc nghe về trí tuệ nhân tạo (AI)?".

Có mặt tại Việt Nam chiều ngày 12/8, bà là một trong hai nữ nông dân tiêu biểu của Mỹ, xuất hiện tại diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp”. Diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp" với sự tham gia của bà Jaclyn Wilson (thứ hai từ phải sang).

Theo bà Jaclyn Wilson, trong quá khứ, gia đình bà cũng chăn nuôi theo kiểu truyền thống. Nhưng một vài năm gần đây, họ đã đẩy mạnh số hóa để tinh giản nguồn nhân lực (hiện chỉ có 2 người phụ giúp bà trong mọi công việc ở trang trại rộng 7.000 ha).

Cụ thể, mỗi con bò được đeo một cảm biến NFT bên tai, giúp cung cấp số liệu liên tục về nhiệt độ, nhịp tim… của từng con. Thông tin này được mã hóa riêng biệt và được lưu trữ an toàn trong ví kỹ thuật số. Khi bò được bán đi, toàn bộ thông tin về con vật sẽ chuyển giao sang người chủ mới.

Ngoài ra, họ bố trí một container cỡ 40 feet chứa máy tính cùng các công cụ hỗ trợ, sử dụng ứng dụng Cow Sense để kiểm tra sức khỏe cho bò. “Trung bình chúng tôi mất khoảng 40s để thu thập đủ dữ liệu cho một cá thể”, nữ nông dân Hoa Kỳ nói.

Tương tự bà Jaclyn Wilson, bà Jennifer H. Schmidt, người điều hành trang trại rộng 800 ha chuyên trồng đậu nành, ngô, lúa mì, rau và nho, cho biết trang trại của bà cũng dùng công nghệ trong quá trình chăm sóc cây. Họ sử dụng công nghệ định vị PGS khi tiến hành phun thuốc trừ sâu, hoặc tưới.

“Với diện tích lớn, việc trùng lặp giữa các lần phun rất dễ xảy ra. Khi dùng công nghệ này, chúng ta sẽ thu được thông tin cần thiết để biết mình đã sử dụng và phun cho diện tích nào rồi. Từ đó, tránh trồng chéo và đảm bảo sự đồng đều", bà Jennifer cho biết.

Theo lời bà Jennifer, các ứng dụng thông minh còn giúp phát hiện xem trong trang trại có những loại cây dại nào cạnh tranh với cây trồng chính; giúp chẩn đoán xem cây trồng chính có khỏe mạnh không. Đồng thời, gửi cảnh báo xem sinh vật gây hại nào đang sản sinh rất nhanh.

Bà Jennifer H. Schmidt chia sẻ tại diễn đàn.

Hai nữ nông dân tiêu biểu của Mỹ cho biết tại xứ sở cờ hoa, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu như trước đây, Jaclyn Wilson thường là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp, đứng giữa “một biển” nam giới thì nay, xung quanh bà đã có rất nhiều nữ đồng nghiệp khác.

Bà Jaclyn Wilson thường xuyên mở cửa trang trại bò của mình để tổ chức các chương trình thực tập, nhằm giúp những phụ nữ trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế về ngành nông nghiệp. Trong khi đó, bà Jennifer H. Schmidt đang xây dựng mạng lưới sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của hơn 200 nữ nông dân. Thông qua mạng lưới, họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm giữa những nữ nông dân với nhau, cùng nhau phát triển sản xuất, thông tin thị trường.

Xây dựng chính sách hỗ trợ nữ nông dân

Tương tự như Mỹ, tại Việt Nam, các nữ nông dân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp. Thống kê cho thấy trong số 18.340 hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam, có ít nhất 10% phụ nữ tham gia quản lý; 85% lao động nữ tham gia và có việc làm ổn định trong lĩnh vực này.

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm, PV) có tỷ lệ chủ thế OCOP là nữ chiếm 39%; khoảng 20% hợp tác xã đăng ký sản phẩm OCOP là mô hình do phụ nữ quản lý.

Dù vậy, nữ nông dân Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà Lương Như Oanh, Quản lý Chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women, cho biết một trong những trở ngại lớn nhất đó là biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán tại Ninh Thuận và xâm nhập mặn tại Cà Mau. Điều này khiến nữ nông dân là một lực lượng dễ chịu tổn thương.

Trở ngại thứ hai, đó là định kiến xã hội. Người phụ nữ Việt Nam thường phải dành thời gian chăm sóc gia đình nên tham gia sản xuất nông nghiệp đang mang tính nhỏ lẻ, tập trung phục vụ gia đình nhiều hơn.

Bà Lương Như Oanh, Quản lý Chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women.

Cũng vì lí do trên, bà Oanh cho rằng phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu những tập huấn nông nghiệp hay những chương trình, chính sách của Nhà nước, từ đó đặt ra thách thức trong việc mở rộng sản xuất, quy mô hóa, sở hữu tập trung của người phụ nữ.

Để phụ nữ thực sự phát huy tối đa vai trò trong ngành nông nghiệp, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, bày tỏ mong muốn sẽ có thêm cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên doanh nghiệp nông nghiệp nữ.

Bên cạnh đó, hiện nay Luật Bình đẳng giới đã được nêu, nhưng hầu như các doanh nghiệp chưa có chiến lược thực hiện bình đẳng giới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bà Hạnh kiến nghị các tổ chức liên quan tới quyền phụ nữ có thêm các khảo sát, đánh giá vai trò của phụ nữ trong các cơ sở, doanh nghiệp nông nghiệp và chỉ ra bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả để áp dụng.

Trong khi đó, bà Jennifer H. Schmidt chia sẻ, chính phủ Mỹ có nhiều chủ trương, chính sách và ưu đãi cho những nữ nông dân tham gia vào ngành nông nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam cần phấn đấu và học tập.

Sau nhiều năm làm việc và cống hiến, bà Jennifer thấy rằng: “Làm việc gì thì phải đảm bảo thành thạo việc đó”, vì vậy để thành công, các nữ nông dân cần đảm bảo đủ quy mô, công nghệ, thiết bị kĩ thuật khi triển khai công việc.

Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”- một sáng kiến toàn cầu do nhóm nòng cốt, trong đó có Mỹ và Việt Nam khởi xướng, với mục tiêu kết nối các quốc gia trên toàn thế giới chung tay cung cấp kiến thức cho phụ nữ làm nông.

Chương trình sẽ gợi mở các định nghĩa về quyền sở hữu đất đai, định hướng đào tạo, quản lý tài chính và khả năng tiếp cận công nghệ. Theo báo cáo của FAO, nếu phụ nữ được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực trong nông nghiệp, sản lượng ở các trang trại do phụ nữ làm chủ có thể tăng thêm 20 - 30% và tổng sản lượng nông nghiệp ở các nước đang phát triển có thể tăng thêm 2,5 - 4%.

Cơ hội đổi đời cho hàng triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư