Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Nửa nhiệm kỳ và nhiều lời hứa còn “chậm, nợ, sót”
Nguyễn Lê - 25/09/2023 10:19
 
Tại Kỳ họp thứ sáu dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ “tổng rà soát” việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ. Thẩm tra bước đầu từ các cơ quan Quốc hội cho thấy, khá nhiều “lời hứa” còn dang dở, chưa rõ thời gian hoàn thành.
Đẩy mạnh công tác lập và phê duyệt quy hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2023

Giám sát đến cùng

Không chỉ việc thực hiện 2 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 3 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, mà cả việc thực hiện 5 nghị quyết về giám sát chuyên đề, về chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu tới.

Nội dung này, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung, yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Kỳ họp thứ sáu là “kỳ họp giữa kỳ liên quan đến cả lấy phiếu tín nhiệm, cho nên phải làm rất chất lượng chuyện này”.

Để đảm bảo chất lượng khi trình ra Quốc hội, tuần qua, trong phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề nổi lên qua 23 báo cáo về các lĩnh vực cụ thể của Chính phủ, 18 báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh báo cáo chi tiết kết quả thực hiện theo từng lĩnh vực, Chính phủ còn có báo cáo 267 trang, tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết nêu trên, được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua đây cho thấy, rất nhiều công việc đã được triển khai đạt kết quả đáng ghi nhận.

Chẳng hạn, thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch cơ bản được hoàn thiện.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua, còn Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chuẩn bị thẩm định và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Bên cạnh Luật Đất đai sẽ được Quốc hội bấm nút ở Kỳ họp thứ sáu, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII cũng được Chính phủ báo cáo.

Theo đó, với yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, trong số 102 nhiệm vụ, 59 nhiệm vụ phải được thực hiện trong năm 2022 và 7 nhiệm vụ thực hiện trong năm 2023 đều đã được triển khai, trong đó, 35 nhiệm vụ đã được phê duyệt (chiếm 34,31% tổng số nhiệm vụ).

Việc tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp được đề ra tại Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tăng cường khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần đẩy nhanh phục hồi tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng mới, theo đánh giá của Chính phủ.

Nhiều yêu cầu của Quốc hội sau giám sát, chất vấn, trên các lĩnh vực giao thông, tài chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn… cũng đã được nhìn nhận cả kết quả và hạn chế cũng như kiến nghị giải pháp.

Rất lo lắng vì nhiều việc đang rất vướng

Ghi nhận khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản triển khai thực hiện, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, còn nhiều nội dung báo cáo mới chỉ dừng ở việc đánh giá chung chung, như “chuyển biến tốt”, “đạt kết quả nhất định”, mà chưa chỉ rõ việc nào đã hoàn thành tốt, việc nào chưa hoàn thành hoặc không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng chưa phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm, chưa đưa ra thời hạn, giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Chậm xử lý vướng mắc BOT giao thông

- Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Nghị quyết số 62/2022/QH15 yêu cầu: trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, Dự án BOT”, tuy nhiên, bây giờ vẫn chưa xử lý được các vấn đề này. Vừa rồi, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội để xử lý đối với 8 trạm BOT thu phí giao thông, nhưng chưa thấy trình hồ sơ.

Ở Báo cáo Tổng hợp nội dung thẩm tra dài 123 trang của Tổng thư ký Quốc hội và 18 báo cáo thẩm tra chuyên sâu của các cơ quan Quốc hội, những nhận xét như chậm, muộn, chưa hiệu quả… vẫn xuất hiện khá dày.

Chẳng hạn, vấn đề rất thời sự là triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, việc giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình chậm, chưa thực sự linh hoạt, không giải ngân hết trong năm 2023. Tỷ lệ giải ngân rất thấp, tình trạng phải hủy dự toán vẫn diễn ra, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023. Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, tỷ lệ giải ngân chưa cao làm lỡ cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.

Hay, tại Nghị quyết số 41/2021/QH15, Quốc hội yêu cầu “sớm ban hành Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025”, nhưng chương trình này đã dừng ban hành.

Trong lĩnh vực công thương, Quy hoạch Điện VIII được ban hành chậm hơn 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14. Sự chậm trễ này, theo các cơ quan của Quốc hội, đã ảnh hưởng tới các mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Cũng so với yêu cầu tại Nghị quyết 134/2020/QH14, thì Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 chậm được ban hành. Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành.

Trong khi đó, cơ quan của Quốc hội cho rằng, hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, việc xác định nguồn gốc xuất xứ của nhiều sản phẩm, đặc biệt là linh kiện, nguyên liệu là không dễ dàng và tốn kém.

Phát biểu tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, tại các báo cáo thẩm tra, phần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành bổ sung, giải trình rất dài và rất nhiều việc. Nhận xét chung các vấn đề có 3 chữ, một là “chậm”, hai là “nợ”, ba là “sót”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khái quát và cho biết sẽ “hết sức lưu ý” 3 chữ này.

Thời gian còn lại của năm 2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Có một số việc cá biệt sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh của mình, góp phần thúc đẩy phát triển. Đồng thời, cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Cho đến thời điểm này, giải ngân đầu tư công có khá hơn 2 năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo lắng, vì đang vướng rất nhiều việc. Ví dụ, làm đường đang vướng đất san lấp và hàng loạt việc kiểu như vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực để kết quả giải ngân tốt nhất có thể, vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia”, Phó thủ tướng nêu.

Một công việc quan trọng khác được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập, đó là “không có cách nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh công tác lập và phê duyệt quy hoạch. Vì hạn cuối nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội đều đến ngày 31/12/2023 phải xong”.

Sốt ruột với thuế tiêu thụ đặc biệt

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 có giải pháp “xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giao Bộ Tài chính “báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình”.

Tuy nhiên, đến nay, tháng 9/2023, đã gần hết thời gian thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, chính sách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Việc quốc gia đại sự phải chuẩn bị kỹ càng
Nội dung Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội rất lớn, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chuẩn bị thật kỹ càng, trong đó Quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư