Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nước Anh đã tiêu tốn cả tỷ USD cho Brexit
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+) - 06/03/2020 18:36
 
Ngày 6/3, Văn Phòng Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) cho biết việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit đã khiến nước này tiêu tốn hơn 4 tỷ bảng Anh (tương đương 5,2 tỷ USD).
Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chờ đến thời khắc 23 giờ GMT tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chờ đến thời khắc 23 giờ GMT tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo NAO, đây là khoản tiền mà Chính phủ Anh phải chi trong giai đoạn từ tháng 6/2016 (thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý) đến ngày 31/1 vừa qua.

Anh đã chuẩn bị khoản ngân sách 6,3 tỷ bảng Anh (8,16 tỷ USD) cho công tác chuẩn bị Brexit, trong đó tính tới kịch bản xấu là Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.

Các chi phí này bao gồm 1,9 tỷ bảng (2,46 tỷ USD) chi phí nhân lực, 1,5 tỷ bảng (1,94 tỷ USD) chi cho xây dựng các hệ thống mới và 288 triệu bảng Anh (373 triệu USD) để tập trung ý kiến chuyên gia và tham vấn từ bên ngoài.

Ước tính khoảng 22.000 nhân viên đã tham gia công tác chuẩn bị Brexit trong giai đoạn cao điểm vào tháng 10 năm ngoái. Trong số này, có 1.500 nhân viên được điều từ các cơ quan khác của chính phủ để chuẩn bị cho kịch bản "Brexit cứng".

Anh là quốc gia đầu tiên trong EU rời khỏi liên minh sau gần 50 năm là thành viên. Anh hiện đang trong giai đoạn chuyển giao cho tới cuối năm nay và do đó, các quy định của EU vẫn được áp dụng trong bối cảnh Anh và EU đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại.

Cả Anh và EU đều đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản dàn xếp "chia tay", song nguy cơ ra đi không có trật tự vẫn hiện hữu nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trong năm nay.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost cùng khoảng 200 quan chức đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán của vòng đầu tiên từ ngày 2/3 đến ngày 5/3 tại Brussels, Bỉ.

Đánh giá sau đó, ông Barnier nhận định đàm phán đã diễn ra trên tinh thần xây dựng và nghiêm túc, song nhấn mạnh hiện vẫn còn 4 điểm khác biệt lớn. Theo ông, các bất đồng cần phải được giải quyết nếu hai bên muốn đạt được một thỏa thuận hậu Brexit, đó là tiêu chuẩn cao trong cạnh tranh, hợp tác tư pháp, quản trị quan hệ tương lai và thỏa thuận về đánh bắt cá.

Trong khi đó, mục tiêu của các vòng đàm phán giữa Anh và EU giai đoạn này là để giải quyết ba vấn đề cùng lúc, bao gồm việc triển khai và thực thi Thỏa thuận rút lui, thiết lập thỏa thuận thương mại và xây dựng quan hệ đối tác đầy tham vọng với với Anh.

Dự kiến thời gian bắt đầu triển khai Thỏa thuận rút lui sẽ diễn ra vào tháng 1/2021. Một ủy ban hỗn hợp sẽ được thành lập để chịu trách nhiệm thực hiện từng bước các quy định đã được thống nhất tại Thỏa thuận rút lui.

Phiên làm việc tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô London của Anh.

Hậu Brexit, các nước EU chia rẽ sâu sắc về vấn đề ngân sách
Đan Mạch, Áo, Thụy Điển và Hà Lan vẫn bảo lưu quan điểm giới hạn mức đóng góp ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và từ chối chi trả cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư