Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu Brexit, các nước EU chia rẽ sâu sắc về vấn đề ngân sách
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+) - 22/02/2020 09:03
 
Đan Mạch, Áo, Thụy Điển và Hà Lan vẫn bảo lưu quan điểm giới hạn mức đóng góp ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và từ chối chi trả cho khoản thiếu hụt ngân sách do sự ra đi của Anh.
Đồng euro tại Lille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng euro tại Lille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc đạt được một thỏa thuận về ngân sách giữa lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dường như trở nên bất khả thi các nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng về khung tài chính trong giai đoạn 7 năm tới.

Phát biểu trước báo giới ngày 21/2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: "Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận".

Trong khi đó, Thủ tướng Romania Klaus Iohannis cho rằng sẽ cần tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh để các nhà lãnh đạo EU có cơ hội phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Trước đó một ngày, các nhà lãnh đạo EU đã tham gia hội nghị tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027, với những vấn đề trước mắt như khoảng trống đóng góp lên tới 75 tỷ euro (81 tỷ USD) do sự ra đi của Anh và nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến của Thỏa thuận Xanh châu Âu có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ euro.

Để thúc đẩy các cuộc đàm phán, Hội đồng EU đã đề xuất ngân sách của khối trong giai đoạn 7 năm ở mức 1,074% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của khối, tương đương 1.180 tỷ USD.

Tuy nhiên đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích của 4 nước gồm Đan Mạch, Áo, Thụy Điển và Hà Lan.

Bốn quốc gia giàu có này vẫn bảo lưu quan điểm giới hạn mức đóng góp ở mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và từ chối chi trả cho khoản thiếu hụt ngân sách do sự ra đi của Anh.

Bên cạnh những mâu thuẫn về quy mô ngân sách, lãnh đạo các nước EU cũng thể hiện sự khác biệt về những hạng mục mà ngân sách sẽ giải ngân.

Những quốc gia nghèo hơn muốn tiếp tục duy trì chương trình viện trợ phát triển và nhận được sự ủng hộ của Pháp, Cộng hòa Ireland và các nước khác về đề xuất duy trì các khoản trợ cấp nông nghiệp lớn.

Tuy nhiên, Đức, Hà Lan và những nước khác lại muốn dành kinh phí vào các ưu tiên mới, bao gồm chống biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề người di cư và phát triển nền kinh tế số.

Trước khi hội nghị diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dự đoán các cuộc đàm phán về khung ngân sách dài hạn tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau khi Anh rời khỏi EU sẽ "rất khó khăn và phức tạp".

Bà Merkel đánh giá các mối quan tâm của nhiều nước thành viên chưa được xem xét đầy đủ trong nhiều lĩnh vực và do đó các cuộc đàm phán sẽ không dễ để tìm được sự thống nhất.

Giới quan sát nhận định với việc thiếu đi một thành viên như Anh, EU được cho là sẽ vất vả để tìm ra sự cân bằng giữa các chính sách truyền thống như chương trình gắn kết dành cho các nước kém phát triển nhất và hỗ trợ nông nghiệp, với các ưu tiên mới được đặt ra như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay củng cố khả năng an ninh và quốc phòng để có thể khẳng định được vị thế địa chính trị trong một tương lai đầy biến động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư