Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
"Nuôi" một xe công tốn tới 320 triệu đồng mỗi năm
 
“Sử dụng ô tô công vào việc riêng, dùng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra...”, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết.
Cuộc họp báo Chuyên đề về những nội dung mới của chính sách quản lý ô tô công
Cuộc họp báo Chuyên đề về những nội dung mới của chính sách quản lý ô tô công

“Nuôi” 1 xe tốn 320 triệu đồng/năm

Tại cuộc họp báo Chuyên đề về những nội dung mới của chính sách quản lý ô tô công, do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (23/10), đại diện Bộ này chỉ ra nhiều hình thức “vượt rào” trong mua sắm, sử dụng ô tô công.

“Số lượng ô tô công ở nước ta hiện khá lớn (gần 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước). Vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức. Chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn (khoảng 320 triệu đồng/xe/năm) trong điều kiện ngân sách còn khó khăn...”, ông Thắng cho hay.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, theo quy định hiện hành tại Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tương đương chức danh Tổng cục trưởng thuộc các bộ) và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Cũng theo quy định mới tại Quyết định 32/2015 có hiệu lực từ ngày 21/9/2015, ở địa phương chỉ có các chức danh Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy; Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới được phép sử dụng ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Điều này có nghĩa cấp Giám đốc các sở thuộc UBND cấp tỉnh, Bí thư huyện ủy không được phép sử dụng ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, nhưng theo Bộ Tài chính, quy định này đang bị vi phạm ở không ít địa phương.

Sẽ giảm được 7.000 xe công nếu…

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu áp dụng nghiêm túc các quy định mới tại Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì với việc chuyển đổi phương thức trang bị ô tô công từ nguyên tắc “không vượt quá số xe ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1-2 xe/đơn vị (cấp Sở ngành ở địa phương) sẽ giảm số lượng lớn ô tô phục vụ công tác chung.

“Số lượng ô tô phục vụ công tác chung hiện có 24.460 chiếc. Nếu tính theo định mức mới thì sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại, qua đó giúp mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng…”, ông Thắng nói.

Sở dĩ nhiều địa phương “rượt rào” trong mua sắm, sử dụng ô tô công là do thiếu chế tài xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục bằng nhiều quy định mới tại Quyết định 32/2015.

“Để xảy ra việc quản lý, sử dụng ô tô công không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật... Tất cả chế tài xử lý đã có”, ông Thắng cho hay.

Với những trường hợp ô tô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá, tiền thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư