Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
“Ông chủ” One Central Saigon lần đầu lỡ hẹn lãi, nợ gốc 5.000 tỷ đồng chưa thể gỡ
Thanh Thuỷ - 14/08/2023 08:05
 
Cả 5 lô trái phiếu đến thời điểm đáo hạn vào năm 2023 đều chưa thể thanh toán nợ gốc. Công ty tổ chức Hội nghị người sở hữu trái phiếu để điều chỉnh kỳ hạn, nhưng bất thành do không đủ túc số tham dự.

Lỡ hẹn trả lãi

Báo cáo về tình hình thanh toán gốc và lãi đối với lô trái phiếu SGL - 2020.04 đáo hạn ngày 28/7/2023, Công ty TNHH Saigon Glory - chủ đầu tư dự án One Central Saigon cho biết chưa thể thanh toán nợ lãi (gần 29,2 tỷ đồng) khi đến hạn. Đồng thời, khoản nợ gốc 1.000 tỷ đồng cũng chưa chi trả.

Đây không phải là lần đầu tiên “ông chủ” của dự án tại khu đất vàng Sài Gòn thông báo chưa hoàn thành nghĩa vụ chi trả nợ gốc. Trước đó, đã có 4 lô trái phiếu đều đến ngày đáo hạn, đều không thanh toán nợ gốc. Tuy nhiên, các nghĩa vụ trả lãi ở 4 lô trái phiếu trước vẫn được tổ chức phát hành thực hiện. Lần đầu tiên, công ty này lỡ hẹn trả lãi với các trái chủ.

Saigon Glory - là chủ đầu tư dự án  One Central Saigon xây dựng Khu văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn trên khu đất có diện tích 8.537,4 m2 tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.

Năm 2013, TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco đầu tư dự án. Đến tháng 12/2019, siêu dự án khu tứ giác Bến Thành chính thức về tay Saigon Glory khi UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5210/QĐ-UBND về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án từ Tập đoàn Bitexco.

Sau khi nhận dự án từ công ty mẹ, Saigon Glory trở thành doanh nghiệp dự án, thực hiện duy nhất dự án này. Giai đoạn năm 2021 - 2022, đã có 2 lần xuất hiện tên chủ đầu tư khác trên biển tên tại công trương xây dựng dự án này. Tên thương mại của dự án bất động sản này cũng có nhiều lần thay đổi từ The Spirit Of Saigon đến One Central Saigon, Pearl... Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khu tứ giác Bến Thành được Bitexco giới thiệu là một trong các dự án đang triển khai của tập đoàn.

“Bơm” nợ chưa thể gỡ, hội nghị trái chủ không đủ túc số tham dự

Công ty đã phát hành tổng cộng 10 lô trái phiếu trong năm 2020 để huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị mỗi lô đều là 1.000 tỷ đồng. Tại đây, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đóng vai trò là tổ chức lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu.

Lãi suất phát hành năm đầu đều là 11%; từ năm thứ 2 trở đi áp dụng thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4,5%/năm và không thấp hơn 11%. Về kỳ hạn trái phiếu, theo thoả thuận ban đầu, một nửa trong số này có kỳ hạn 3 năm và đáo hạn trong năm 2023. Còn lại, 5 lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm sẽ cần chi trả cả gốc vào năm 2025.  

5/10 lô trái phiếu của Saigon Glory đã đến hạn   

Giải trình về việc không thực hiện nghĩa vụ với khoản trái phiếu, đơn vị này nhấn mạnh việc thị trường tài chính và bất động sản diễn biến không thuận lợi là nguyên nhân khiến công ty chưa thể triển khai kế hoạch kinh doanh của dự án, dẫn đến chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.

Ngày thanh toán dự kiến chưa được thông tin.

“Tổ chức phát hành đã thực hiện Hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự hội nghị không đủ túc số để tổ chức”. Đối với cả 5 lô trái phiếu đến hạn, phía công ty đều cho biết đã và đang phối hợp với bên liên quna để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn.

Tại hội nghị người sở hữu trái phiếu tổ chức vào trung tuần tháng  6/2023, công ty đã đề xuất lùi ngày đáo hạn sang  giữa năm 2024. Tổ chức phát hành thanh toán theo lịch biểu với lần đầu thanh toán vào quý III/2023 (không chậm hơn ngày 30/9/2023) 10% giá trị của lô trái phiếu. Tiếp đó, lần 2 sẽ thanh toán vào quý IV/ 2023 cũng với tỷ lệ 10% giá trị lô trái phiếu; lần 3 vào quý I/2024 thanh toán 20% giá trị của lô trái phiếu và lần cuối thanh toán 60% giá trị vào quý II/ 2024.

Ông Vũ Quang Bảo, Chủ tịch Công ty TNHH Saigon Glory khi đó cũng cho biết công ty đã và đang nỗ lực làm việc để cơ cấu lại tài sản, rà soát, cân đối lại dòng tiền và các nguồn tài chính, ưu tiên nguồn lực cho việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án. Công ty quyết tâm đặt mục tiêu kế hoạch hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Ông cũng giải thích thêm dù trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 không thể đầu tư, thi công xây dựng dự án và cả trong giai đoạn TP.HCM bị phong toả hoàn toàn, công ty vẫn thực hiện nghĩa vụ trả lãi đầy đủ. Đây là lý do khiến Saigon Glory đề xuất hạ lãi suất từ 11% xuống 10,5% kể từ ngày 1/7/2023, theo nội dung được trình tại hội nghị trái chủ trung tuần tháng 6. 

Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu xấp xỉ 4 lần, chi phí tài chính là gánh nặng rất lớn với Saigon Glory. Năm 2022, với lãi suất 11%/năm trên cả 10 lô trái phiếu, Saigon Glory đã chi tổng cộng 1.100 tỷ đồng.

Năm 2022, công ty lỗ sau thuế 152,3 tỷ đồng, trong khi báo lãi 290,5 tỷ đồng năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) -2,22%, trong khi năm trước đạt 4,15%. Tỷ lệ nợ cũng tăng lên khi vốn tự có suy giảm vì khoản lỗ ghi nhận trong năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư