Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Ông lớn” xăng dầu không phục khi bị truy thu thuế
Thanh Hương - 15/05/2013 06:51
 
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu đã nhận được thông báo phải nộp thêm hàng chục tỷ đồng thuế đối với những lô hàng xăng dầu tạm nhập, nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012.
TIN LIÊN QUAN

Hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2012 bị lỗ khoảng 125 tỷ đồng. (Ảnh: Đ.T)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa đề nghị các cơ quan hữu trách không truy thu thuế đối với các lô hàng xăng dầu tạm nhập, nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012 theo hướng dẫn của Văn bản 17060/BTC-VP ngày 7/12/2012.

Trong đề nghị này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex cho hay, Petrolimex đã nhận được thông báo ấn chỉ truy thu từ các cơ quan hải quan địa phương sau khi tính lại, hồi tố cho toàn bộ các lô hàng tạm nhập, nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012.

Theo đó, việc Bộ Tài chính chỉ truy thu năm 2012 khiến Tập đoàn đang chịu một khoản lỗ kinh doanh nội địa do phải thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, nay lại phải chịu một khoản lỗ không phải do lỗi doanh nghiệp.

“Cách truy thu và hồi tố trên không những không làm rõ được trách nhiệm của các bên khi hướng dẫn và thực hiện Thông tư 194/2010/TT-BTC, mà còn gây thiệt hại cho Petrolimex khoảng 170 tỷ đồng (chưa tính số tiền hoàn lại), trong khi toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2012 bị lỗ khoảng 125 tỷ đồng, do ưu tiên nhiệm vụ bình ổn giá thị trường trong nước”, đề nghị của ông Bảo cho hay.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng đã nhận được các quyết định ấn định thuế, với tổng số tiền phải nộp thêm là trên 20 tỷ đồng cho các lô hàng xăng dầu tạm nhập, nhưng không tái xuất hết, mà chuyển kinh doanh nội địa trong năm 2012.

Cụ thể, Mipec được cơ quan hữu trách yêu cầu phải nộp thêm 19,785 tỷ đồng do xác định lại thời điểm áp dụng tính thuế đối với lượng xăng dầu được doanh nghiệp tạm nhập, nhưng không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012, cho các tờ khai được mở tại Cục Hải quan Hải Phòng. Tổng số thuế được ấn định lại là 341,052 tỷ đồng, nhưng Mipec đã nộp được 321,226 tỷ đồng, nên chỉ còn thiếu hơn 19 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, tổng số tiền thuế được xác định phải nộp thêm là 648 triệu đồng cho số dầu DO được Công ty tạm nhập, nhưng không tái xuất, thay vào đó là chuyển tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt cũng có khả năng phải nộp thêm trên 66 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.

Lãnh đạo Petrolimex cho hay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, xăng dầu tạm nhập mà không tái xuất hết khi chuyển sang tiêu thụ nội địa phải thay tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 9, Nghị định 154/2005/NĐ-CP và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai này.

“Do năm 2012, Chính phủ điều hành giá xăng dầu một cách quyết liệt, nên trong khoảng đầu năm, thuế suất mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh rất thấp, ở mức 0-3% tùy mặt hàng, nhưng tới cuối năm, do cân đối vĩ mô, thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng mạnh lên đến 8-12%. Cũng bởi tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tái xuất xăng dầu cho các khách hàng nước ngoài giảm đã khiến nhiều lô hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết phải chuyển tiêu thụ nội địa nhiều hơn”, ông Bảo nhận định.

Với nhiều lô hàng xăng dầu tái xuất không hết phải nhập vào nội địa và phải mở lại tờ khai vào cuối năm sau theo tinh thần của Văn bản 17060/BTC-VP, nghĩa là phải chịu các mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với thời điểm khi mở tờ khai tạm nhập trước đó, số thuế được tính lại đã vọt lên rất cao.

Trước đó, tháng 9/2012, khi trao đổi với báo giới, các quan chức của Tổng cục Hải quan cho hay, việc Bộ Công thương chưa có quy định về lượng hàng xăng dầu từ tạm nhập chuyển sang tiêu thụ nội địa dẫn tới một lượng lớn hàng tạm nhập được chuyển sang tiêu thụ trong nước. Đây chính là sơ hở để doanh nghiệp đầu mối hưởng mức chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, khi thuế nhập khẩu xăng dầu có những biến động mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp xăng dầu có thể hưởng chênh lệch lãi suất khi gửi tiền vào ngân hàng, do thời hạn nộp thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất là 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập tái xuất (tức sau 195 ngày), trong khi xăng dầu nhập khẩu cho mục đích kinh doanh nội địa chỉ được ưu đãi nộp thuế 30 ngày.

Bởi vậy, việc tiến hành rà soát lại toàn bộ các lô hàng tạm nhập tái xuất, trong đó có cả mặt hàng xăng dầu từ năm 2009 đến tháng 6/2012 để xác định doanh nghiệp có thực hiện đúng thời gian về kê khai tạm nhập, tái xuất, nộp thuế khi chuyển đổi cũng được ngành tài chính xem là một trọng tâm, nhằm tránh gây thất thu thuế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư