Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ông Philipp Munzinger, Giám đốc ESP: Việt Nam dẫn đầu ASEAN về mở rộng hệ thống năng lượng tái tạo
Hồ Hạ - 17/05/2023 21:31
 
Theo ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), Việt Nam gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế về sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo, và đang dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này.
Theo ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), Việt Nam gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế về sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo. (Ảnh: Chí Cường)

Trong phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5, chia sẻ về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc chuyển dịch năng lượng bền vững, năng lượng mới, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) nhấn mạnh, một nền kinh tế tương lai bền vững, thịnh vượng, điều quan trọng nhất là phải có được hệ thống nguồn năng lượng bền vững. Trong đó an ninh năng lượng được đảm bảo, giá cả ổn định và cả tính độc lập, không bị quá phụ thuộc vào một nguồn nào. 

Trong những năm qua, Việt Nam đã gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn bởi sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng, cùng với nhiều biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Điều quan trọng lúc này là tiếp tục duy trì động lực và nhanh chóng chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.

Ông Philipp Munzinger phát biểu trong phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức. (Ảnh: Chí Cường)

Ông Philipp Munzinger cho biết, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ là cơ quan phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam, ESP đã được có mặt được 30 năm và khoảng 10 năm gần đây tăng cường hỗ trợ các đối tác Việt Nam, nhất là Bộ Công thương và các đối tác ở khu vực công và khu vực tư trong việc chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch hơn, bền vững hơn. 

“Chúng tôi chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điện vì ngành điện đóng vai trò rất quan trọng”, Giám đốc ESP nói.

Ông Philipp Munzinger cho rằng, trong những năm qua và tương lai, khu vực tư nhân có vai trò quan trọng, đóng góp vào hệ thống năng lượng bền vững ở Việt Nam. Sự bùng nổ về hệ thống điện mặt trời bắt đầu từ năm 2019 và sau đó là cả sự mở rộng phong điện đã khiến cho Việt Nam trở thành một nước tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực năng lượng tái tạo trong cấp điện. 

Và thực tế, Việt Nam hiện có thể nói là đang dẫn đầu trong khối các nước ASEAN liên quan đến các hệ thống điện tái tạo. Thủy điện, điện mặt trời, điện gió đóng tới 50% năng lực sản xuất được lắp đặt tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đang hướng tới trở thành một đất nước có nguồn điện đa dạng hóa và có thể độc lập được.

Ông Philipp Munzinger cho rằng, mức giá điện từ điện mặt trời và điện gió phải được cân nhắc cẩn thận, kỹ lưỡng. (Ảnh: Chí Cường)

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức. Đơn cử như việc mở rộng điện mặt trời, điện gió sẽ có các thách thức đối với mạng lưới điện vì mạng lưới điện trong những năm qua chưa phát triển nhanh tương ứng, chưa được phân cấp một cách tương ứng và chưa được tự động hóa. Và đây cũng chính là những nhiệm vụ cấp bách cho những năm sắp tới để tạo điều kiện cho Việt Nam có thể phát lên lưới những nguồn điện được tạo ra từ nguồn mặt trời hoặc nguồn điện gió.

Ông Philipp Munzinger cho biết, ESP đang hỗ trợ cho các đối tác ở Bộ Công thương cũng như các nhà máy sản xuất điện và Công ty Điện lực Việt Nam mở rộng mạng lưới và làm cho mạng lưới thông minh hơn theo nhu cầu của tương lai. 

Bên cạnh đó, ESP còn có giải pháp nạp ắc quy giúp trữ điện sản xuất được từ điện gió và điện mặt trời dành việc sử dụng trong thời gian không có mặt trời hoặc gió không thổi. Các khía cạnh khác về mặt kỹ thuật đầu tư vào mạng điện được ESP cung cấp cũng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. 

Nguồn lực ở Việt Nam chưa cho phép thúc đẩy các mạng lưới điện có thể tự động hóa và tối ưu hóa mà vẫn cần các nguồn vốn ODA hay các nguồn viện trợ, hỗ trợ từ nước ngoài. Để có thể bước sang nguồn năng lượng sạch hơn, mới hơn, Giám đốc ESP cho rằng, cần thay đổi về quy chế, bằng nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho tưn nhân, các doanh nghiệp FDI xây dựng hạ tầng lưới điện thì mới có thể làm cơ sở để phát triển điện gió, điện mặt trời được. Cùng với đó, phải có một môi trường chính sách ổn định, duy trì để các nhà đầu tư an tâm đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời và điện gió. 

Dựa vào những kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ những khiếm khuyết, ông Philipp Munzinger cho rằng, mức giá điện từ điện mặt trời và điện gió phải được cân nhắc cẩn thận, kỹ lưỡng. 

Ông Philipp Munzinger đại diện cho ESP nhận hoa và kỷ niệm chương của Ban tổ chức Hội thảo. 

“Đơn cử, những năm 2011, 2012, nước Đức có những chính sách chưa thỏa đáng về giá điện, đôi khi biến động quá bất thường, khiến cho mạng lưới điện không được ổn định”, Giám đốc ESP dẫn chứng. 

Ông cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần phải có những chính sách lâu dài hơn, phương án tính giá điện cần hài hòa, cân đối để làm nền tảng cho công nghệ năng lượng thay thế phát triển. 

Đặc biệt, Giám đốc ESP cho rằng, nguồn vốn tài chính quốc tế có thể giúp tạo nền tảng đầu tư cho tư nhân. Bên cạnh đó, còn có những lĩnh vực khác nữa mà ông nghĩ rằng cần phải có chiến lược đầu tư. Bởi, Việt Nam đang ở trong vị thế có thể học hỏi từ các nước khác, nhất là những quốc gia đi trước đã có kinh nghiệm như Đức, ở các công ty công nghệ về gió hay công nghệ mặt trời chẳng hạn. 

“Tất nhiên, cũng có thể có những ý tưởng khác, nhưng nói chung thì chúng tôi cũng quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng tôi rất sẵn sàng làm điều đó. Đức nói riêng, châu Âu nói chung nhìn nhận Việt Nam như là một đối tác tiềm năng trong tương lai”, Giám đốc ESP nói.

Ông cho biết, các quốc gia tiên tiến ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc sản xuất nhưng vẫn giữ được môi trường xanh. Tức là sản xuất dựa nhiều hơn vào các nguồn điện sạch để đáp ứng với các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu, đảm bảo tác động về khí thải Carbon theo chuẩn mới. 

Do đó, không chỉ phát triển mạng lưới điện hay phát triển điện mặt trời và điện gió mà cả đối với các khoáng sản hay điện từ nhiệt hóa thạch như than đá hay dầu lửa, trong tương lai có thể được thay thế bởi các khoáng sản, khoáng chất khác.

Cho nên, ông Philipp Munzinger cho rằng, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần suy nghĩ trước những khoáng sản thay thế đó có thể khai thác ở những địa điểm nào và có thể tiếp cận bằng cách nào. 

Giám đốc ESP nhận định, Đức cùng nhiều nước khác đang giúp Việt Nam có những bước đi đầu tiên để hướng tới năng lực sản xuất điện mặt trời và điện gió khá tốt so với các nước trong khu vực và đầu tư mạnh mẽ vào tính lưu chuyển của điện. Ví dụ như hãng Taxi Xanh của VinFast đã lăn bánh ở Thủ đô Hà Nội. 

Ông nhận xét, các Thủ đô khác trong khu vực không có những hãng taxi điện như vậy. Do vậy, khu vực tư nhân của Việt Nam đang đi đầu và có nhiều giải pháp xanh.

Theo ông, điều quan trọng là Việt Nam cần làm sao để có những chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân vào các nhà đầu tư nước ngoài có thể triển khai mạnh mẽ hơn các dự án năng lượng bền vững, năng lượng mới. 

“Với tư cách là cơ quan kỹ thuật, ESP có thể hỗ trợ cho những công ty như thế trong những năm tới và chúng tôi rất mong tiếp tục được hợp tác với các đối tác ở Việt Nam theo hướng đó”, ông Philipp Munzinger bày tỏ.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư