Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
PAN Farm phân bổ vốn ngoại vào đâu?
Hải Bằng - 22/05/2017 10:45
 
Sau khi nhận khoản đầu tư 230 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Công ty cổ phần PAN Farm sẽ dùng số tiền này để đầu tư vào các công ty con do PAN Farm nắm cổ phần chi phối.

IFC vừa công bố khoản đầu tư 230 tỷ đồng vào Công ty cổ phần PAN Farm. Khoản đầu tư này chiếm 10,4% vốn chủ sở hữu của PAN Farm.

Theo IFC, mục đích của khoản đầu tư này là hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh giống cây trồng hiện tại cũng như phát triển sang các lĩnh vực mới như sản xuất hoa, rau và quả đạt chất lượng xuất khẩu, góp phần tăng cường an toàn thực phẩm và tạo thêm khoảng 500 việc làm.

.
PAN Farm sẽ nhận khoản đầu tư trị giá 230 tỷ đồng từ IFC

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn mới đây, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Farm cho biết, Công ty dự kiến dùng số tiền mới huy động từ IFC để đầu tư vào 2 công ty con là Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và Công ty cổ phần PAN Salad Bowl. Khoản tiền cụ thể phân phối cho 2 công ty này hiện chưa xác định chính xác, nhưng dự kiến có thể ở mức tương đương nhau.

PAN Salad Bowl là công ty chuyên trồng hoa để xuất khẩu sang Nhật Bản. Thời gian qua, PAN Salad Bowl đã triển khai Dự án trồng hoa cúc ở Lâm Đồng. Về cơ cấu thị trường, hoa cúc hiện chiếm 37% thị trường nhập khẩu hoa của Nhật Bản, trong khi hoa cẩm chướng chiếm 9% và hoa hồng chiếm 8%. Tuy nhiên, theo bà Trà My, trong thời gian tới, PAN Farm sẽ tiếp thêm nguồn lực cho PAN Salad Bowl để công ty này phát triển thêm nhiều sản phẩm khác, mở rộng sang các dự án trồng rau, củ, quả… xuất khẩu.

Trong khi đó, Vinaseed hiện nắm 19% thị phần giống lúa và 60% thị phần giống ngô trắng. Doanh thu từ hạt giống được cấp bằng sáng chế chiếm 49% doanh thu hợp nhất của Công ty năm 2016 và dự kiến sẽ tăng lên 82% vào năm 2020. Riêng trong năm 2016, Vinaseed được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức 1 giống ngô nếp lai, công nhận sản xuất thử 3 giống (1 ngô nếp tím dẻo, 1 lúa thuần, 1 lúa lai). Ngoài ra, công ty này cũng được công nhận giống lúa thuần chất lượng cao thơm RVT tại Đồng bằng sông Cửu Long.

IFC vừa công bố khoản đầu tư 230 tỷ đồng vào Công ty cổ phần PAN Farm. Khoản đầu tư này chiếm 10,4% vốn chủ sở hữu của PAN Farm.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, tổng vốn đầu tư của Vinaseed lên đến 743 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản là 191 tỷ đồng. Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaseed, đến thời điểm hiện tại, công ty này đã có hệ thống cơ sở vật chất thuộc loại tốt nhất trong ngành giống cây trồng, với Nhà máy tại Hà Nam (công suất chế biến 10.000 tấn), Nhà máy chế biến tại Thái Bình (công suất 5.000  tấn/năm), Trung tâm Nghiên cứu Bà Vì (Hà Nội), Trung tâm Công nghệ sinh học Khoái Châu (Hưng Yên…

Tuy nhiên, trong năm 2017, Vinaseed cũng phải gồng mình trong việc tái cấu trúc công ty thành viên là Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC). SSC là công ty con do Vinaseed nắm giữ 95% vốn. Năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu của SSC đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu năm 2016 của SSC là 437 tỷ đồng, chỉ đạt đạt 93,1% kế hoạch, trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt rất thấp, với vỏn vẹn 36 tỷ đồng, chỉ đạt 55,2% kế hoạch…

Theo kế hoạch, Vinaseed sẽ thực hiện các biện pháp cải tổ mang tính toàn diện tại SSC. Trước mắt, Công ty sẽ đóng cửa các chi nhánh của SSC tại Hà Nội và miền Trung. Tiếp theo, SSC sẽ thực hiện cải tổ toàn diện hệ thống quản trị và tái cấu trúc chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung toàn bộ nguồn lực vào những sản phẩm mà SSC có thế mạnh tại thị trường miền Nam.

PAN - Nhà nông “phiêu bạt” trong giao dịch tài chính
Hoạt động kinh doanh của PAN Group tuy còn “phiêu lưu” trong các giao dịch tài chính, nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào một gã khổng lồ của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư