Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PGS. TS Trần Đình Thiên: “Đừng nhìn nhận giản đơn, phiến diện quá mà vùi dập sự phát triển”
Như Loan - 30/10/2019 08:10
 
PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, không thể có sự phát triển nếu không đánh đổi, muốn có nền du lịch “đáng đến và đáng sống” phải dụng tâm, dụng công và dụng trí.
Nghe bài viết này tại đây :
.
PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Nghị quyết TƯ 08/BCT xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó vai trò quyết định thuộc về các doanh nghiệp. Theo ông, chúng ta cần làm gì để cộng đồng hiểu đúng về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển du lịch bền vững?

Do bản chất và đặc thù ngành, để du lịch phát triển, hơn bất cứ ngành nào, cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, của chính quyền địa phương. Muốn vậy, phải hiểu đúng, phải có tầm nhìn tốt. Đó là cơ sở của sự ủng hộ và chia sẻ. 

Tiếp đến, khi có vấn đề đặt ra, cần có sự giải thích rõ ràng, minh bạch, có căn cứ, không thể một chiều, dễ dãi được. Hiện nay, dư luận đôi khi bị dẫn dắt bởi những cách hiểu phiến diện, méo mó, gây ảnh hưởng không hay cho phát triển du lịch. Tình trạng “tù mù”, “thông tin bất đối xứng” nhiều khi bị lợi dụng, lạm dụng, tạo ra dư luận, gây khó cho doanh nghiệp làm du lịch. 

Trước hết, phải thống nhất được rằng để phát triển du lịch tốt, phải dựa vào doanh nghiệp, trông cậy vào sự lớn lên của doanh nghiệp Việt Nam; do đó, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện và cả sự chia sẻ của chính quyền và cộng đồng xã hội. Mỗi doanh nghiệp không nên chỉ được coi là tài sản riêng của các cá nhân giàu có mà còn phải được coi là nguồn lực, là sức mạnh quốc gia. Họ là lực lượng đại diện Việt Nam tham gia cạnh tranh toàn cầu, mang lại lợi ích phát triển cho đất nước. Phải nhìn cả khía cạnh ấy chứ đừng cứ vùi dập theo nghĩa là họ chỉ biết đút tiền vào túi rồi chiếm của xã hội nhiều quá. Nếu chỉ nhìn thế thì quá phiến diện. 

Theo tinh thần đó, khi có vấn đề xảy ra, chính quyền địa phương nên có thái độ rõ ràng và công khai, không nên “mặc kệ” doanh nghiệp và dư luận. Cần sử dụng những diễn đàn công khai, ý kiến rõ ràng, đặc biệt là các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học. Cứ hành động đàng hoàng, miễn là cách tiếp cận đúng đắn, rõ ràng. Hiện nay lại càng phải như thế, đừng để chỉ tự do ngôn luận cá nhân, nhiều khi thành “quá đà”, không phải thúc đẩy phát triển, mà thành cản trở phát triển.

.

Thưa PGS.TS, Việt Nam được đánh giá là sở hữu nhiều nguyên du lịch, nhưng chúng ta vẫn nghèo. Gần đây, dư luận liên tiếp xảy ra những tranh luận về phát triển du lịch hay bảo tồn nguyên vẹn thiên nhiên, di sản. Xin ông cho biết quan điểm?

Để hiểu đúng về phát triển, trước hết, phải thừa nhận tiền đề: Không thể phát triển nếu không có sự đánh đổi. Tiếp đó, phải thống nhất được (về nguyên tắc) mức độ có thể chấp nhận để sự đánh đổi là phát triển chứ không phải là sự hủy hoại tài nguyên, môi trường, là “phản phát triển”.   

Đồng thuận nhận thức hai vấn đề trên là việc không dễ dàng, nhất là đối với vế thứ hai. Sự khác biệt ý kiến, thậm chí, xung đột trong quan điểm về lợi ích phát triển là thường thấy. Tuy nhiên, vẫn luôn luôn tồn tại những cơ sở, những nguyên tắc chung để giải đúng bài toán “phát triển du lịch hài hòa với bảo tồn thiên nhiên”.

Về vấn đề này, trong thời gian vừa qua, có một số ý kiến đánh giá có phần thiên lệch nỗ lực phát triển du lịch ở một số địa phương, nhất là tại những điểm bùng nổ, nhanh chóng trỗi dậy thành điểm đến tầm cỡ thế giới, ví dụ như Bà Nà (Đà Nẵng), Sa Pa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang), Tam Chúc (Hà Nam), gần đây là Tam Đảo (Vĩnh Phúc). 

Những ý kiến này tập trung phê phán khía cạnh “phá hoại tài nguyên môi trường” của các dự án du lịch, nhưng lại bỏ qua khía cạnh “đánh đổi”, ít đề cập đến những lợi ích phát triển mà xã hội, người dân, khách du lịch được hưởng từ đó. Một số nhận định đậm chất “cảm tính”, chủ yếu “định tính”, không đặt lên “bàn cân lợi ích” để xem xét cụ thể. 

Tuy những nhận định - phê phán này có khía cạnh tích cực là tính cảnh báo mạnh, song sự phiến diện, thiên lệch, không bảo đảm sự “công bằng” nên ít nhiều gây sai lạc trong nhận thức, dẫn tới những gợi ý định hướng chính sách và giải pháp thiếu tính thuyết phục. 

.

Vậy theo ông, chìa khóa nào để giải quyết vấn đề phát triển du lịch bền vững?

Trước hết, phải hiểu đúng khái niệm “đánh đổi” - tổng thể, tích cực, không bị phiến diện và cực đoan. Trong thời gian qua, thực tế nhiều địa phương cho thấy việc mạnh dạn “đánh đổi” đã mang lại những kết quả phát triển tích cực rõ ràng. 

Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Trường hợp Bà Nà, một “trọng điểm phê phán” cách phát triển du lịch, cũng cần được mổ xẻ thấu đáo theo tinh thần này để có những nhận định công bằng, khách quan. Tôi đã 3-4 lần lên Bà Nà, chủ yếu là để “kiểm định” thực hư đánh đổi thế nào mà lắm kẻ khen, người chê như vậy. 

Thực tế là Bà Nà rất hút khách, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người. Đó là một vế của lợi ích phát triển mà Khu Du lịch Bà Nà mang lại. Bà Nà mang lại cho Việt Nam một hình ảnh quảng bá, tạo sức hấp dẫn du lịch rất mạnh cho Đà Nẵng, nhờ đó, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Đà Nẵng và cho ngân sách nhà nước. 

Muốn có được điều đó, phải đánh đổi bằng một phần tài nguyên thiên nhiên, không thể khác. Bà Nà ngày xưa làm gì có ai đến du lịch. Còn bây giờ, một ngày cả mấy chục ngàn người đến, trả tiền để thỏa mãn nhu cầu. Một địa chỉ du lịch nổi tiếng, có cầu “Bàn tay” đẹp mê hoặc, có sức hút khách lạ lùng. Tôi tự hỏi: Nếu không có Bà Nà đó, du lịch thì Đà Nẵng sẽ thế nào? 

Bà Nà cũng giống nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu. Ở đó, người ta xây những lâu đài trên núi, cũng phải chặt cây, phá rừng, bây giờ đã thành những điểm du lịch nổi tiếng. Không có gì tự nhiên “thuần túy” cả. Đương nhiên, phải giữ được nhiều sự hoang dã, hoang sơ - những thứ đã hiện nay đã trở thành “khan hiếm” chứ không thể hủy hoại tất cả để kiếm lợi.

Ở vế khác của câu chuyện, phải hiểu một chân lý đơn giản: làm ra sản phẩm thì phải tốn chi phí. Chi phí đó phải được bồi hoàn để quá trình có thể tiếp diễn. Bồi hoàn thế nào cho những người bỏ tiền ra xây dựng và nuôi dưỡng những cơ sở du lịch trên những bãi cát hoang sơ, tại những vùng đầm lầy rừng thiêng nước độc? Cái chỗ ngày xưa không ai ngó ngàng, giờ thành đất vàng. Nhưng để đất hoang biến thành đất vàng, không thể “tự nhiên” mà phải tốn nhiều công nhiều của lắm; người khai mở phải chịu rủi ro rất lớn. Phải có ai đó đủ can đảm, đủ “điên”, phải đầu tư nhiều tiền, nhà nước phải có chính sách nâng đỡ, khuyến khích mới được như vậy. 

Tôi nghĩ phải phân tích được cả hai mặt của phát triển. Chỉ nhấn một vế thôi thì vô tình hay cố ý, sẽ không hiểu đúng bản chất của phát triển; ngược lại, sẽ vùi dập cả thành tựu phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh là đừng nhìn nhận giản đơn, phiến diện quá mà vùi dập sự phát triển, vùi dập những người tiên phong tạo việc làm, mở đường phát triển. Không có những người như thế thì liệu mấy chục nghìn người mỗi ngày có được hưởng thụ du lịch ở Đà Nẵng như thế không? Đà Nẵng bây giờ có giàu có, hiện đại như thế không? Khó có gì là toàn thiện. Vì thế, đừng hơi một tí là xỉa xói, rất không công bằng, không hiểu đúng sự đánh đổi. Xin đừng là nạn nhân của tình trạng “bất đối xứng thông tin” khi lạm dụng nó.

Masan Resources: Phát triển bền vững để người dân có cuộc sống tốt hơn
Khi phát triển kinh tế song hành cùng giá trị môi trường - xã hội, “phát triển bền vững” đã trở thành yêu cầu tiên quyết trong hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư