Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phải quản lý chặt quy hoạch và vận hành thủy điện
Nguyễn Quỳnh (VOV) - 07/10/2017 09:52
 
Cần đề cao trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản theo như quy hoạch (đạt đến 95,3% tổng công suất tiềm năng kinh tế). Các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 86,1% công suất quy hoạch. Hiện nay, cả nước còn 316 dự án đã quy hoạch (tổng công suất khoảng 3.443 MW) chưa thực hiện đầu tư, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ (303 dự án, công suất 2.731 MW).

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ đã loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp, tương ứng khoảng 2.044 MW công suất) do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội...

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi đã có quy hoạch về thủy điện vừa và nhỏ, theo thiết kế, có 22 dự án, nhưng sau khi rà soát giữ lại chỉ còn 13 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang trong giai đoạn đầu tư và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, nếu quản lý tốt, thủy điện nhỏ sẽ tăng hiệu quả về phát điện, gắn với sử dụng tốt nguồn nước cho sinh hoạt và đời sống dân sinh.

“Hiện nay, Thừa Thiên-Huế có hệ thống quản lý xả lũ bằng camera truyền tín hiệu trực tiếp về Ban phòng chống bão lụt. Tỉnh cũng tính toán nguồn nước ở các hạ lưu và nguồn nước cần thiết cho nông nghiệp”, ông Cao cho biết.

Còn theo theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cùng với việc rà soát các dự án thủy điện trong Quy hoạch, Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ các tiêu chí về ảnh hưởng môi trường - xã hội, diện tích chiếm đất, lựa chọn chủ đầu tư hay công tác lập và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện... nhằm quản lý, phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ, làm sao tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong quá trình vận hành phải đảm bảo thông tin về mưa lũ, vận hành phát điện phải phối hợp nhịp nhàng mới phát huy hiệu quả.

“Trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư đối với cộng đồng dân cư địa phương các vùng bị ảnh hưởng của thủy điện phải được nâng cao hơn nữa. Chủ đầu tư có thể hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, đời sống… nhưng quan trọng vẫn là tuân thủ và trách nhiệm”, ông Quân chỉ rõ.

Trước ý kiến cho rằng, cần xác định thủy điện nhỏ là nguồn năng lượng tái tạo, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ tuân thủ các quyết định của Chính phủ và Quốc hội về việc ngừng triển khai 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã quy hoạch trước đây, đồng thời tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý hiệu quả các dự án hiện có.

“Hiện Chính phủ chưa cân nhắc có cho phát triển lại 468 dự án thủy điện. Trong khoảng 5-10 năm tới, nếu chi phí phát triển hệ thống điện rất cao sẽ xem xét lại. Thời điểm hiện nay, tính hiệu quả của các dự án không cao nên cấn rà soát để xem xét bổ sung, cập nhật lại các dự án”, ông Vượng cho biết.

Thời gian qua, các khuyến nghị để quản lý vận hành các công trình thủy điện nhỏ và vừa cũng đã được đưa ra. Theo đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường.

Quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công, đặc biệt là đối với các dự án do tư nhân làm chủ đầu tư, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các Bộ, ngành có liên quan cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, các cam kết đảm bảo môi trường... theo quy định của pháp luật.

Theo ông Vượng, thời gian tới các Bộ, ngành cần tăng cường sự phối hợp, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện một cách bền, vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Nhiều tỉnh giảm thu do lọc dầu, lắp ráp ô tô, thủy điện
Theo Bộ Tài chính, sau 8 tháng, có 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm với tỷ lệ dưới 63% và 6 địa phương thu thấp hơn so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư