Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phải xoay ngược quy trình phá sản
Hàn Tín - 29/11/2013 15:14
 
Tại phiên thảo luận về Luật Phá sản sửa đổi sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phá  sản bị “chết yểu” là do… ban hành ngược quy trình. >>> Nguy cơ phá sản Luật Phá sản sửa đổi ngay khi trình >>> Nợ 200 triệu đồng phải phá sản… nghe buồn cười >>> Khó xử lý tài sản, Luật Phá sản không vào cuộc sống >>> Để doanh nghiệp khai tử đúng luật

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp, hợp tác xã (DN) chỉ bị tuyên bố phá sản sau khi tòa án thực hiện thủ tục thanh lý tài sản và hoàn trả nghĩa vụ của DN với ngân sách, chủ nợ, người lao động, khách hàng…

Phải xoay ngược quy trình phá sản
Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Lê Trọng Sang

Quy định này, theo Đại biểu Lê Trọng Sang và Phạm Văn Gòn là… ngược đời, khiến trong suốt 8 năm vừa qua tòa án các cấp chỉ “khai tử” được vỏn vẹn 83 doanh nghiệp. Một con số quá nhỏ so với hàng trăm ngàn DN có nhu cầu phá sản trong 8 năm vừa qua.

Số lượng DN bỏ trốn với hàng loạt lý do ngày càng nhiều, vì vậy, theo ông Lê Trọng Sang, một mặt phải “xoay” lại quy trình phá sản, tức là tòa án tuyên bố phá sản trước, sau đó mớii thực hiện các thủ tục thanh lý tài sản, thanh toán nghĩa vụ của DN với ngân sách, chủ nợ, người lao động, mặt khác phải mở rộng chủ thể được quyền đề nghị tòa án phá sản.

Theo Dự thảo Luật Phá sản, chủ nợ, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của hợp tác xã, cổ đông hoặc nhóm cổ đông, người lao động hoặc đại diện người lao động, đại diện công đoàn có quyền nộp đơn đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản trong trường hợp DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu (phương án 2 quy định cụ thể khoản nợ đến hạn là 200 triệu đồng).

“Quy định như vậy cũng rất khó phá sản, không bảo vệ được quyền lợi của người lao động, bởi trước khi DN phá sản, người lao động thường bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác nên phần nhiều họ đã đi tìm việc làm mới nên họ không thể thực hiện được quyền đề nghị phá sản để đòi quyền lợi chính đáng của mình”, Đại biểu Lê Trọng Sang bình luận.

Theo ông Sang, cần phải bổ sung cơ quan quản lý nhà nước cũng có quyền đề nghị phá sản. “Cơ quan quản lý nhà nước là người nắm chắc nhất tình hình hoạt động của DN nên phải trao cho họ quyền đề nghị phá sản để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong trường hợp chủ DN bỏ trốn”, ông Sang phân tích.

“Đề nghị bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước được quyền đề nghị tòa án phá sản DN”, đại diện cho người lao động trong cơ quan lập pháp - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng bày tỏ quan điểm.

Ông Tùng cho biết, chỉ tính khối DN nước ngoài, hiện tại trên địa bàn TP.HCM có 7 đơn vị nợ lương của 1.172 người lao động với số tiền 7.472 triệu đồng nhưng chủ DN đã bỏ trốn về nước nhưng không thể phá sản được.

Nguyên nhân của việc không “khai tử” được 7 đơn vị kể trên, theo ông Tùng là do người lao động đã đi tìm việc khác, không có chủ lao động nên cũng không thể họp được hội nghị chủ nợ để đề nghị phá sản, đại diện công đoàn ở những đơn vị này thường không có mà có cũng như không.

Theo ông Tùng, một mặt bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước cũng được quyền đề nghị phá sản, mặt khác phải cụ thể hóa số tiền nợ lương quá thời hạn 3 tháng của một lao động là bao nhiêu, một nhóm lao động là bao nhiêu thì người lao động được quyền đề nghị tòa án phá sản để tránh trường hợp lợi dụng làm tổn hại đến uy tín của DN đồng thời đảm bảo được quyền lợi của người lao động.

Luật Phá sản chỉ đi vào cuộc sống, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: thủ tục phá sản đơn giản để DN “ra đi trong trật tự”, hoặc tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh bằng các biện pháp khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nợ của chủ nợ và người lao động; đảm bảo chia tài sản còn lại sau khi phá sản một cách công bằng, minh bạch; và giải phóng ngay nghĩa vụ trả nợ sau khi phá sản.

“Chẳng ai muốn ra tòa, đặc biệt là ra tòa để phá sản, vì vậy thà đóng cửa trong “im lặng” còn hơn phải ra tòa là một trong những nguyên nhân khiến Luật Phá sản chết yểu. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật Phục hồi và phá sản để giảm áp lực về tâm lý khi ra tòa và cũng bổ sung một số quy định về cách thức phục hồi sau khi DN được coi là rơi vào tình trạng phá sản”, ông Ngân đề xuất.

“Phá sản là việc bất đắc dĩ, là việc đặng chẳng đừng và không ai mong muốn" - Đại biểu Huỳnh Văn Tính nói - "Để tạo điều kiện cho chủ DN sau khi phá sản có cơ hội quay lại thị trường thì cần phải xem lại hình thức xử lý người nắm giữ các chức vụ quản lý của DN thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc lĩnh vực công ích nhà nước bị tuyên bố phá sản”.

Theo Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, các đối tượng kể trên không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN trong thời hạn từ 1 đến 3 năm, kể từ ngày bị tuyên bố phá sản.

“Trong khi chúng ta coi phá sản là bình thường trong nền kinh tế thị trường, DN có sinh ra thì phải có chết đi thì mức xử phạt nêu trên chẳng khác gì coi lãnh đạo người không may bị phá sản là tội phạm hình sự nên họ thà tự giải tán còn hơn là phá sản, và như vậy thì chỉ có người lao động là bị thiệt hại nhất”, ông Tính nói.

Nợ 200 triệu đồng phải phá sản… nghe buồn cười
Nếu căn cứ theo Luật Phá sản sửa đổi được thông qua thì EVN , PVN , Vinataba, Cienco 6, Tổng công ty Rau quả nông sản đều rơi vào tình trạng phá sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư