Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguy cơ phá sản Luật Phá sản sửa đổi ngay khi trình
Hàn Tín - 19/11/2013 08:20
 
Hơn 8 năm triển khai Luật Phá sản, cả nước chỉ thực hiện phá sản được vỏn vẹn 83 trường hợp trong hàng chục ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã (DN) có nhu cầu phá sản, vì vậy có thể nói, Luật Phá sản hiện hành đã phá sản ngay từ khi được Quốc hội thông qua (ngày 15/6/2004). Nhưng Luật Phá sản sửa đổi đang được trình Quốc hội cũng đứng trước nguy cơ tương tự, khi không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.   >>> Nợ 200 triệu đồng phải phá sản… nghe buồn cười >>> Thêm căn cứ xác định doanh nghiệp phá sản >>> Phạt vi phạm phá sản… nhẹ như lông hồng >>> Khó xử lý tài sản, Luật Phá sản không vào cuộc sống

Đứng trước nhu cầu phá sản DN ngày càng nhiều, Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi đã được trình Quốc hội, nhưng thảo luận tại tổ đối với Dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phá sản sửa đổi thậm chí còn phá sản ngay từ khi trình Quốc hội bởi không đáp ứng được yêu cầu.

“Trong kinh doanh không ai muốn phá sản, nhưng trong nền kinh tế thị trường không thể không có phá sản, vì vậy, phải khẩn trương sửa đổi Luật Phá sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ doanh nghiệp, chủ nợ, công đông, người lao động, ngân sách nhà nước... Tiếc rằng, chất lượng Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu”, Đại biểu Nguyễn Hồng Công bình luận.

Theo Dự thảo Luật phá sản sửa đổi, DN lâm vào tình trạng phá sản khi có khoản nợ không có bảo đảm hoặc được bảo đảm một phần đã đến hạn, không có tranh chấp và chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán nhưng không được thanh toán.

Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN khi DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Người lao động hoặc đại diện người lao động, đại diện công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN không trả được lương, các khoản nợ khác đến hạn trong vòng 3 tháng liên tiếp cho người lao động.

“Luật mà quy định thế này thì… chết”, ông Công nói và dẫn chứng, hàng loạt DN ở miền Trung đang gặp khó khăn do bão lũ có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không thể thanh toán do gặp khó khăn bất khả kháng, nếu áp dụng luật này thì phá sản hàng loạt.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại biểu Quóc hội  tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Ngọc Tùng

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại biểu Quóc hội
tỉnh Đồng Nai,
ông Đặng Ngọc Tùng

“Chủ nợ chủ yếu của DN là ngân hàng. Trong kinh doanh không ngân hàng nào muốn “khai tử” khách hàng vay vốn của mình, vì nếu DN phá sản, vốn cho vay gần như mất trắng, vì vậy, thà cứ để DN tồn tại trên giấy, ngân hàng đưa khoản nợ cho vay là nợ khó đòi nên không ngân hàng nào nộp đơn đề nghị phá sản”, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng phân tích.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có không ít DN nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài thuê mặt bằng, thuê hoặc thuê mua thiết bị, máy móc về sản xuất, nếu hoạt động bình thường thì thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước cũng như người lao động. Nhưng khi gặp khó khăn họ bắt đầu nợ bảo hiểm xã hội, đến nợ thuế, nợ lương, nợ đối tác, khách hàng…

Sau khi chủ DN bỏ về nước vẫn trả lương cho một số nhân viên làm nhiệm vụ bán dần thiết bị máy móc, nhà xưởng trước khi “một đi không trở lại”.

“Tình trạng trên diễn ra ngày một nhiều, vậy mà Dự thảo chỉ quy định, người lao động hoặc đại diện người lao động, đại diện công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN không trả được lương, các khoản nợ khác đến hạn trong vòng 3 tháng liên tiếp” thì không bao giờ thực hiện được vì luật quá chung chung”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, để tránh trường hợp lách luật thì phải quy định DN nợ lương bao nhiêu phần trăm tổng số người lao động thì người lao động đã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

“Nếu không thì người lao động không bao giờ có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản được vì trên thực tế DN vẫn trả lương cho một số nhân viên làm nhiệm vụ trông coi và bán dần tài sản”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Bản lo lắng: “Nếu chỉ nợ lương 3 tháng đã có thể bị đề nghị phá sản thì trong bối cảnh khó khăn DN phá sản hết”. Ông Bản đề nghị kéo dài thời gian được nợ lương để tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, vì trên thực tế, nếu DN phá sản, đối tượng bị thiệt thòi đầu tiên và lớn nhất chính là người lao động.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp bà Đỗ Thị Thu Hằng (Đại biểu tỉnh Đồng Nai) lo ngại về quy định DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được các khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng đã có thể bị đề nghị mở thủ tục phá sản.

“Trong kinh doanh, DN thường tận dụng vốn của nhau, mua hàng hóa, dịch vụ lần này thì lần sau mới thanh toán. Nếu quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho nhiều DN “chơi xấu” nhau bằng hình thức cứ anh nợ tiền hàng hóa, dịch vụ tôi quá 3 tháng là tôi làm đơn đề nghị phá sản để làm mất uy tín của anh”, bà Hương lo ngại.

“Nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng đã có thể bị coi là phá sản là hết sức phi lý - Đại biểu Trần Văn Bản lên tiếng - DN bây giờ thường kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực ở nhiều địa bàn khác nhau, có thể ở lĩnh vực này, địa bàn này họ gặp khó khăn chưa thanh toán được nợ, nhưng tình hình tài chính của cả DN vẫn lành mạnh mà đã có thể bị đưa ra tòa đề nghị phá sản thì hàng loạt DN bị rơi vào phá sản hoặc ít nhất cũng bị giảm uy tín, mất thương hiệu”.

Dưới góc độ pháp lý, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, Đại biểu Đằng Công Lý cũng lo ngại Luật Phá sản sửa đổi khó có thể đi vào cuộc sống.

“Biên chế tòa kinh tế mỗi tỉnh chỉ có 3 thẩm phán, vậy mà luật giao trách nhiệm tiến hành thủ tục phá sản đối với DN của cả tỉnh thì việc mở thủ tục phá sản chắc chắn là ách tắc”, ông Lý lo ngại và dẫn chứng, mở thủ tục phá sản một DN quy mô vừa, cả 3 thẩm phán phải “bơi trong núi công việc” cả năm không xong thì làm gì có thời gian để mở thủ tục phá sản với DN khác.

Thêm căn cứ xác định doanh nghiệp phá sản
Đề xuất bổ sung mối tương quan giữa các khoản nợ và tổng tài sản có vào tiêu chí xác định doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư