Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Khánh Hòa hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương
Linh Đan - 25/07/2025 20:04
 
Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương là đột phá trong kỷ nguyên mới mà tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực hướng tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tham dự sự kiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tham dự sự kiện. Trong ảnh, đại diện Báo Tiền phong trao quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 25/7, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức Hội thảo “Khánh Hòa: Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng hơn 300 đại biểu các bộ, ban, ngành, viện của Trung ương và địa phương tham dự Hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận hai phiên chuyên đề chính: “Khơi thông cơ chế, chính sách để Khánh Hòa hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương” và “Nguồn lực và cơ hội để tỉnh đột phá tăng trưởng”. Các nội dung trọng tâm được đề cập bao gồm: Phát huy tiềm năng, lợi thế trong kỷ nguyên vươn mình; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương; đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết, Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ giao thương quốc tế với tài nguyên thiên nhiên phong phú, bờ biển dài, nhiều vịnh đẹp nổi tiếng, cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các khu công nghiệp lớn và hạ tầng giao thông kết nối đa dạng, hiện đại. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng, tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng và bổ trợ, hình thành vùng động lực kinh tế mới cực kỳ quan trọng với cấu trúc phát triển đa ngành, liên kết chặt chẽ và toàn diện.

Trong giai đoạn 2021–2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao, từ 8% trở lên; quy mô nền kinh tế sau sắp xếp đạt trên 175.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%. Tỉnh đang từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cân bằng, bền vững, phát huy tối đa các nguồn lực. Hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến đường liên vùng, các cảng nước sâu phục vụ xuất nhập khẩu, công nghiệp và du lịch.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Khánh Hòa nhận diện rõ ba điểm nghẽn lớn cần tập trung tháo gỡ: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài. “Đây cũng chính là lý do Hội thảo hôm nay được tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng trao đổi, hiến kế những giải pháp đột phá, khả thi, giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, Hội thảo diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, khi cả nước đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng trưởng kinh tế hai con số và đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Với tinh thần cầu thị và quyết tâm hành động, ông Nam hy vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn rộng mở để quý đại biểu hiến kế, đóng góp vào các nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, đề xuất các giải pháp tổng thể, đột phá để hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; đồng thời nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền đô thị và quy hoạch phát triển không gian phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.

Thứ hai, kiến nghị các cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ các nút thắt lớn hiện nay liên quan đến đầu tư công, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và quản trị hiệu quả khu vực công.

Thứ ba, góp ý các phương án phát triển liên kết vùng, tổ chức không gian đô thị theo hướng xanh - thông minh - bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.

Thứ tư, hiến kế các mô hình thu hút đầu tư và hợp tác chiến lược, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, logistics và kinh tế số.

“Tỉnh Khánh Hòa luôn trân trọng, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, xây dựng. Chúng tôi cam kết hành động để chuyển hóa các sáng kiến, mô hình đổi mới, đột phá được đề xuất tại Hội thảo thành các chính sách thực tiễn. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của lãnh đạo các cấp, chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, Hội thảo hôm nay sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng trên tiến trình phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh trong thời gian đến”, ông Nam chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục thể chế hóa, hiện thực hóa các quan điểm và tầm nhìn mới để lồng ghép vào quá trình điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển cần quan tâm đến các yếu tố trọng điểm trong phát triển kinh tế biển là du lịch, cảng hàng hải - logistics, năng lượng tái tạo,nông nghiệp - thủy sản; quan tâm phát triển đô thị, khu kinh tế - công nghiệp, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, quan tâm bảo tồn biển và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

“Các đột phá để Khánh Hòa đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng chính là tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách triển khai hiệu lực, hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp ở Khánh Hòa, tăng cường phối hợp liên ngành; phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào các lĩnh vực quản lý và khai thác sử dụng biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. Ngoài ra, tỉnh phải tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định các không gian phát triển đột phá cho kinh tế biển phù hợp với tự nhiên, thế mạnh của tỉnh theo cả cấu trúc dọc (khu vực các vịnh: Vân Phong, Cam Ranh, Vĩnh Hy, Cà Ná) và cấu trúc ngang (vùng ven biển, đảo với đặc khu Trường Sa). Trong đó, vùng ven biển là vùng động lực phát triển trọng điểm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Hải Phòng hút dòng vốn đầu tư hơn 15,6 tỷ USD - điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới
Chiều 15/7, TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án và 7 bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với tổng vốn đăng ký hơn 15,6 tỷ USD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư