Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phạt vi phạm phá sản… nhẹ như lông hồng
Hàn Tín - 26/09/2013 13:20
 
Kể từ ngày 11/11/2013, hành vi cản trở, gây khó khă trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (DN) lâm vào tình trạng phá sản sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. >>> >>> >>> >>>

Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ bị phạt gấp 10 lần mức phạt kể trên (từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng) nếu lý do yêu cầu mở thủ tục phá sản không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động của DN.

Người nộp đơn cũng chỉ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu có hành vi gian dối trong yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Hàng ngàn chủ doanh nghiệp bỏ trốn mà không thực hiện thủ tục phá sản khiến chủ nợ, người lao động, khách hàng lao đao

Cũng theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP, người đại diện hợp pháp của DN bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng trong trường hợp không tham gia hoặc không cử người tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Tòa án.

Đối tượng trên bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản mà có hành vi cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản; nhận tài sản từ hợp đồng chuyển nhượng; chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực; vay tiền; bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản; thanh lý các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh, trả lương cho người lao động.

Mức phạt cũng chỉ được tăng lên gấp đôi (từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng), nếu người đại diện hợp pháp của DN đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản mà có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm.

Người lao động chỉ bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng nếu che giấu tài sản sau khi DN đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Mức xử phạt chỉ được nâng lên từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp người lao động tẩu tán, chuyển nhượng tài sản sau khi DN đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo Luật Phá sản sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, DN không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng thì bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Khi DN rơi vào tình trạng này, ngoài đại diện hợp pháp của DN; người lao động, chủ nợ, cổ đông của công ty cổ phần, thành viên công ty hợp danh đều có quyền nộp đơn đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản.

Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Sơn cho biết, sau 9 năm thực hiện Luật Phá sản, Tòa án nhân dân mới chỉ thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp, trong đó ra quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2012 đã có gần 45.000 DN (không kể hợp tác xã) dừng hoạt động và 9.355 trường hợp giải thể.

Theo ông Sơn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số DN phá sản vô cùng ít so với thực tế, trong đó có nguyên nhân cơ bản là quy định pháp luật phá sản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản.

Vẫn theo ông Sơn, một trong những lý do quan trọng nhất khiến chưa có nhiều người mặn mà với việc phá sản là chưa có cơ quan chuyên trách quản lý tài sản nên khi đứng trước bờ vực phá sản, DN tẩu tán hết tài sản bằng nhiều cách khác nhau khiến quyền lợi của người nộp đơn đề nghị phá sản (người lao động, chủ nợ, cổ đông…) hầu như không còn nên không ai muốn đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản DN.

“Thực tế cho thấy, khi DN phá sản thì đến Nhà nước cũng không thu được thuế chứ nói gì đến các trường hợp khác như nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội; các khoản nợ không có bảo đảm…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển nêu lên tình trạng tẩu tán tài sản của cả DN lẫn người lao động khi DN rơi vào tình trạng phá sản.

Vì vậy, theo ông Hiển, bên cạnh việc xử phạt ở mức cao nhất đối với hành vi tẩu tán tài sản (cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản…) sau khi DN đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi các khoản đã thanh toán, bù trừ không đúng quy định; buộc thu hồi tài sản đã tẩu tán, chuyển nhượng… Ngoài ra, Tòa án cần phải chỉ định một số người chuyên trách (quản tài viên) để quản lý tài sản của DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

“Từ trước đến nay việc quản lý tài sản của DN bị yêu cầu phá sản do cơ quan thi hành án thực hiện. Trên thực tế, cả chủ nợ, con nợ, người lao động và những người có liên quan không thực sự yên tâm khi giao tài sản của DN cho cơ quan thi hành án quản lý nên hạn chế hoạt động phá sản. Vì vậy, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phá sản, việc quy định quyền, trách nhiệm của quản tài viên trong Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi sẽ góp phần tạo điều kiện những người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan thực hiện hoạt động phá sản đối với DN gặp khó khăn không có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Sơn hy vọng.

Khó xử lý tài sản, Luật Phá sản không vào cuộc sống
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Luật Phá sản không đi vào cuộc sống là những bất cập trong việc giải quyết tài sản của doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư