Áp lực trên vai môi giới bất động sản
Gia Huy - 21/05/2025 09:49
 
Buộc phải kiếm được khách hàng đi dự lễ mở bán hoặc xem đất, nhà, buộc phải chốt được khách mua bất động sản. Nếu không kiếm được khách hàng sẽ bị phạt tiền, không có lương… là những áp lực mà nhân viên môi giới bất động sản đang phải gánh trên vai.

Không có khách hàng sẽ bị phạt tiền

Nguyễn Thị Huyền, 23 tuổi quê tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng kinh tế tại TP.HCM, Huyền xin việc làm kế toán nhưng dù chật vật nhiều tháng xin việc cô vẫn không được doanh nghiệp nào nhận bởi lý do chưa có kinh nghiệm làm việc. Cuối cùng, cô về quê sống và tháng 3 vừa qua, sau kỳ nghỉ Tết, Huyền lên lại TP.HCM và xin vào một công ty môi giới bất động sản tại quận Tân Bình TP.HCM làm nhân viên môi giới bất động sản.

Để có được khách hàng, nhân viên môi giới bất động sản phải ra đường đứng phát tờ rơi kiếm khách hàng. (ảnh Gia Huy)

Là một nhân viên mới vào nghề, cô được công ty thoả thuận mỗi tháng hỗ trợ 4 triệu tiền lương cơ bản, ngoài ra, cô được đào tạo 1 tuần các kỹ năng bán hàng cũng như thông tin dự án công ty đang phân phối, kèm các số điện thoại mà trưởng phòng đưa cho để mời khách hàng tham gia lễ mở bán dự án. 

“Lúc mới vào nghề tôi rất bỡ ngỡ, công ty nói ngoài lương thì sẽ có hoa hồng nếu bán thành công sản phẩm bất động sản cũng như thưởng nóng, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu. Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi đi làm môi giới, dù được đào tạo cách gọi điện hay đăng quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội chào mời khách mua bất động sản nhưng sau những ngày được đào tạo tôi bắt đầu liên hệ với khách hàng từ danh sách số điện thoại mà công ty cung cấp. Nhưng 10 cuộc gọi thì cả 10 cuộc khách mới nghe giới thiệu là nhân viên môi giới bất động sản khách đã tắt máy, thậm chí còn bị khách chửi là làm phiền họ”, Huyền nói.

Cũng theo Huyền, ngoài gọi điện mời khách, cô còn phải lập tài khoản ở các trang mạng xã hội, sau đó chi tiền chạy quảng cáo để kiếm khách hàng. Số tiền này một phần được công ty hỗ trợ còn lại cô sẽ phải bỏ để chạy, mỗi tháng cô cũng mất khoảng 1 tới 2 triệu tiền chạy quảng cáo kiếm khách hàng.

Không những vậy, mỗi ngày cô sẽ phải cùng mọi đồng nghiệp ra các ngã tư, hoặc cổng dự án để phát tờ rơi quảng cáo dự án kèm số điện thoại của mình cho khách hàng. 

“Cái nghề này hơi đặc biệt, chúng tôi sẽ làm việc từ thứ 3 tới chủ nhật, thứ 2 sẽ được nghỉ. Những tháng đầu tiên làm việc, tôi không có khách hàng, với chỉ 4 triệu tiền lương, tôi không đủ tiền đổ xăng, tiền ăn, tiền trọ… nên phải mượn tiền người thân sống. Hai tháng làm việc, tôi chưa có một giao dịch thành công nào, công ty nói nếu 2 tháng không bán được sản phẩm nào sẽ cho nghỉ”, Huyền kể.

Bước chân vào nghề môi giới bất động sản cuối năm 2023, sau dịch Covid-19 kết thúc, công ty bị giải thể, Lê Văn Tùng, 31 tuổi ngụ quận Tân Phú quyết định xin vào làm môi giới bất động sản tại một công ty có trụ sở tại TP Thủ Đức. Tùng cho biết, công ty có tới hơn 500 nhân viên, với lượng dự án bán khá nhiều, tuy nhiên đây lại là vấn đề lớn của môi giới bởi nhân viên đông, tính cạnh tranh càng cao, áp lực tìm kiếm khách hàng càng lớn.

“Quy định của công ty, nếu nhân viên môi giới 2 tuần không có được khách hàng tới dự lễ mở bán, tham quan dự án công ty sẽ phạt 500 ngàn đồng. 2 tháng không có khách hàng hàng chốt mua sản phẩm bất động sản sẽ phải cho nghỉ việc”, Tùng cho biết.

Cũng theo Tùng, mỗi công ty sẽ có cách quản lý khách nhau. Đa phần sẽ không trả lương cố định hàng tháng cho nhân viên, không đóng bảo hiểm. Bù lại, tiền hoa hồng sau mỗi giao dịch thành công sẽ được trả cao hơn. Ngoài ra, mỗi tuần công ty sẽ tổ chức 2 buổi bán hàng tập trung vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Công việc mỗi ngày của nhân viên môi giới là tìm mọi cách để kiếm được khách hàng. Sau khi có khách hàng, sẽ báo cáo cấp quản lý số lượng khách sẽ tham gia buổi mở bán.

“Nếu khách muốn tham quan dự án, chúng tôi sẽ phải thuê xe ô tô để đưa đón khách xuống thăm dự án cũng như nếu ở xa muốn dự lễ mở bán mà chính tôi tổ chức. Chi phí này có thể môi giới chúng tôi sẽ trả hoặc chia với công ty. Ngoài ra, để có khách hàng, chúng tôi phải tiếp cận, mời đi ăn, uống… các chi phí này chúng tôi sẽ phải tự bỏ. Vì vậy, khi có giao dịch thành công, nhận hoa hồng, các chi phí bước đầu bỏ ra để tìm kiếm khách hàng sẽ không còn được bao nhiêu”, Tùng cho biết.

Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc sàn môi giới bất động sản Tây Land cho biết, thực tế nhân viên môi giới có rất nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là tìm kiếm khách hàng. Khi thị trường nhiều dự án cùng mở bán cùng thời điểm, trong khi thị trường vừa trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, nhu cầu mua bất động sản của người dân ít đi thì áp lực tìm kiếm được khách hàng của môi giới là rất lớn.

Để có được khách hàng, mỗi nhân viên môi giới phải cạnh tranh với hàng trăm nhân viên môi giới từ chính công ty hay các sàn môi giới khách.

Ngoài ra, hiện nay hầu hết các công ty môi giới đều không trả lương tháng cho nhân viên, áp lực về tiền chi tiêu cá nhân mỗi tháng của nhân viên là rất lớn, nhất là việc nếu bán được sản phẩm cũng mất mất tháng mới nhận được hoa hồng.

Ngoài ra, việc phạt tiền nếu không kiếm được khách hàng hiện nay đang được các công ty môi giới áp dụng phổ biến cho nhân viên, để họ thêm áp lực kiếm tìm được khách hàng. 

Công ty môi giới cũng đầy áp lực

Đầu tháng 3 vừa qua, ông Trần Văn Sơn cùng 3 người bạn quyết định góp vốn mở sàn môi giới bất động sản tại quận Bình Tân TP.HCM, với vốn bước đầu mỗi người góp 200 triệu. Sau ngày vui vẻ khai trương văn phòng, ông Sơn cho biết những ngày tháng qua là những ngày mệt mỏi, hầu như ông mất ngủ.

Với tiền thuê văn phòng mỗi tháng 35 triệu, tiền đầu tư làm văn phòng, mua sắm trang thiết bị đã gần như ngốn hết tiền vốn góp lúc đầu thành lập sàn của ông và các cổ đông. 

“Sau khi khai trương văn phòng, chúng tôi phải đi tuyển nhân viên môi giới, ngoài ra cũng phải đi xin các chủ đầu tư cho được tham gia bán hàng. Tuy nhiên, để được tham gia bán hàng các chủ đầu tư sẽ yêu cầu chứng minh năng lực sàn như số nhân viên, tiền ký quỹ xin được bán hàng. Mức tiền ký quỹ này không hề nhỏ, thường sẽ yêu cầu vài trăm triệu, nếu bán độc quyền sản phẩm, phải ký thêm quỹ hàng độc quyền mỗi sàn phẩm thêm vài trăm triệu”, ông Sơn kể.

Cũng theo ông Sơn, từ ngày thành lập, với số lượng hơn 20 nhân viên môi giới, tuy nhiên mới được 3 giao dịch thành công nên hiện nay tiền góp vốn lúc đầu đã hết và phải góp thêm 200 triệu mỗi cổ đông để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Ông Lê Anh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Long An cho biết, các doanh nghiệp môi giới có vô vàn áp lực và áp lực lớn nhất là sự cạnh tranh giữa các sàn môi giới với nhau.

Câu chuyện mới đây mà doanh nghiệp ông Anh gặp phải dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn lớn. Cụ thể, ông Anh cho biết, do sàn môi giới nhỏ, ông phải xin làm F3 bán một dự án nhà phố, biệt thự với diện tích 220 ha tại huyện Bến Lứt, tỉnh Long An. Để tham gia bán hàng, ông phải góp 100 triệu tiền ký quỹ cho F2 để F2 đóng cho F1 ký với chủ đầu tư.

Sau khi được tham gia bán hàng, ông đã có được 6 khách hàng đồng ý mua căn hộ và đặt cọc giữ chỗ 100 triệu/khách hàng. Tuy nhiên, tới ngày mở bán, chủ đầu tư chỉ bán ra 100 sản phẩm và yêu cầu khách hàng phải đóng 95% giá trị sản phẩm cũng như cam kết 3 năm sau mới được bán sản phẩm đã mua.

“Với 10 sàn F1, hàng trăm sàn F2, F3 với khoảng gần 1.000 sản phẩm được khách hàng đặt cọc mua, nhưng chủ đầu tư chỉ ráp cọc có 100 sản phẩm. Vậy là khách hàng của tôi không mua được nhà, họ liền đòi lại tiền cọc. Trong khi đó, hai tháng tham gia bán hàng, tôi phải bỏ chi phí chạy quảng cáo, tìm kiếm, chăm sóc khách hàng và các chi phí này khi khách hàng không mua được nhà sẽ không có hoa hồng, coi như mất trắng các chi phí”, ông Anh cho biết.

Theo các doanh nghiệp môi giới, hiện nay để lập ra một sàn môi giới bất động sản không khó, nhưng để có thể hoạt động được sàn là rất khó. Trong đó, chi phí vận hành doanh nghiệp là khoản chi phí cố định và khá lớn, như thuê văn phòng, chi phí điện, nước. Chi phí ký quỹ cọc, chi phí thưởng, chạy quảng cáo cho nhân viên bán hàng… 

Nếu trong trường hợp 1 tháng sàn môi giới không có giao dịch, sàn môi giới có thể lỗ hàng trăm triệu chi phí. 

“Năm 2024, chúng tôi tham gia bán 1 dự án đất nền tại Long An, phí môi giới được hơn 2 tỷ, nhưng chủ đầu tư không chịu thanh toán hoa hồng. Cho tới nay, mới đòi được 1 tỷ tiền hoa hồng, trong khi đó hoa hồng cho nhân viên, tiền chi phí vận hành doanh nghiệp… tất cả đều phụ thuộc vào chi phí hoa hồng này. Chính vì vậy, với các doanh nghiệp môi giới bất động sản hiện nay, áp lực rất lớn. Đó cũng là tình cảnh mà nhiều sàn môi giới hoạt động trong vài tháng đã phải đóng cửa, nhân viên môi giới nay có thể làm ở sàn này nhưng mai đã phải xin qua sàn khách làm việc”, ông Lê Anh nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản