Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phân bổ vốn đầu tư công chậm có nguyên nhân của tư duy nhiệm kỳ
Nguyễn Lê - 08/05/2023 08:20
 
Chính phủ nhận định, công tác chuẩn bị dự án tại nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn trường hợp có tư duy nhiệm kỳ.
.
.

Công tác chuẩn bị dự án tại nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn trường hợp có tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau dẫn đến phần lớn dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới tiến hành chuẩn bị đầu tư.

Đó là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc phân bổ vốn đầu tư công trung hạn chậm, chưa đáp ứng thời gian Quốc hội quy định, được Chính phủ nhận định trong tờ trình mới gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là một trong các nội dung quan trọng của tờ trình này.

Tờ trình nêu rõ, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn NSNN được phép phân bổ chi tiết là 2.720.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 1.350.000 tỷ đồng (dự phòng chung là 150.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 2.440.007,683 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.207.007,683 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.233.000 tỷ đồng.

Số vốn còn lại phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định (trước ngày 31/3/2023) là 279.992,317 tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương là 142.992,317 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận nguyên nhân phân bổ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian nói trên, Chính phủ cho biết, quá trình tổng hợp, báo cáo đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, cân đối vốn ngân sách địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí về đơn giá, kỹ thuật khác,… nên một số bộ, địa phương mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án, nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Báo cáo nêu rõ, việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, nhất là trong năm 2021, 2022; quá trình triển khai một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian.

Như dự án phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia cần báo cáo cấp có thẩm quyền; dự án cần báo cáo cấp có thẩm quyền phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án; dự án có kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi lấy ý kiến nhiều đơn vị liên quan…

Nguyên nhân chủ quan cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn do nhiều bộ, ngành và địa phương chưa chủ động, sát sao, quyết liệt chỉ đạo đơn vị trực thuộc hoàn thiện thủ tục đầu tư.

“Công tác chuẩn bị dự án tại nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn trường hợp có tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau dẫn đến phần lớn dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới tiến hành chuẩn bị đầu tư; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả; năng lực một bộ phận cán bộ quản lý, ban quản lý dự án các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm,…” Chính phủ đánh giá.

Tờ trình cũng nêu rõ sự cần thiết phải tiếp tục bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án. Đó là, trong tổng số vốn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án đã đủ thủ tục (78.096,417 tỷ đồng), số vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia  chiếm 31,5%, số vốn bố trí cho ngành giao thông  13,29%; số vốn bố trí cho ngành quốc phòng thực hiện dự án trọng điểm phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua chiếm 13,3%; số vốn bố trí cho ngành an ninh thực hiện dự án xây dựng lực lượng công an nhân dân chính quy tinh nhuệ theo Nghị quyết số 12-NQ/TW chiếm 5,1%,…

Do các dự án đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nên trường hợp được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư và dự kiến có thể giao vốn và giải ngân ngay trong năm 2023.

Ngoài ra, trong phương án phân bổ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội, còn có nguồn lực xử lý những nhiệm vụ quan trọng như bố trí vốn cho các dự án trọng điểm của Bộ quốc phòng thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel); các dự án đường cao tốc ; các dự án nông nghiệp ; các dự án cấp lưới điện ra Côn Đảo, bảo đảm an sinh xã hội, các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện cam kết với Nhà tài trợ.

Các nhiệm vụ, dự án nêu trên có ý nghĩa quan trọng, nếu được hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương; nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng; phát huy năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung (như yêu cầu của Quốc hội) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ, dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội giao Chính phủ giao 78.096,417 tỷ đồng (vốn trong nước 68.140,893 tỷ đồng, vốn nước ngoài 9.955,524 tỷ đồng) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 cho 4 nhiệm vụ, 159 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án khi đủ điều kiện được bố trí vốn theo quy định của pháp luật, tổng hợp, báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Gồm 11 dự án trọng điểm của 6 bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Sơn La, Bình Phước, Khánh Hoà); các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị được điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiếp tục phân bổ vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư