Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phản ứng dữ dội về bản đồ đường mười đoạn của Trung Quốc
Thành Tuyên - 26/06/2014 16:13
 
Việc Trung Quốc cho xuất bản bản đồ đường mười đoạn trên biển Đông, bao gồm Đài Loan và sát vào bờ biển Việt Nam, Malaysia, Brunei và các đảo Palawan cũng như Luzon của Philippines đã vấp phải phải ứng dữ dội của các nước xung quanh và của chính người dân Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN

Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa xã đăng tải các bản đồ của Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam trong đó đánh dấu một đường mười đoạn (thay vì 9 đoạn như trước) trên biển của Trung Quốc, bao gồm Đài Loan và sát vào bờ biển Việt Nam, Malaysia, Brunei và các đảo Palawan cũng như Luzon của Philippines.

Theo tấm bản đồ này, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, với việc tô đậm “đường 10 đoạn” lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, đồng thời nuốt gần trọn biển Đông - kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough của Philippines.

Với "đường lưỡi bò" này, chiều dài Trung Quốc giãn ra tới 5.500 km trong khi chiều rộng là 5.200 km.

Phản ứng dữ dội về bản đồ Đường mười đoạn của Trung QuốcTấm bản đồ mới phát hành của Trung Quốc với đường 10 đoạn (thay vì 9 đoạn như trước kia)
cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông một cách phi pháp của Trung Quốc

Phản ứng của các bên liên quan

Philippines đã cực lực lên án bản đồ vừa phát hành của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và thể hiện rõ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Hiện Philippines đang có những phản ứng khá gay gắt trước sự vô lý trong tấm bản đồ mới được phát hành này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose phát biểu trong một tuyên bố tối qua (25/6) rằng: "Chúng tôi xin nhắc lại rằng một ấn phẩm như trên chỉ cho thấy tuyên bố bành trướng phi lý của Trung Quốc, hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế và UNCLOS".

Còn Phủ Tổng thống Philippines cho rằng bản đồ mới phát hành của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ổn định khu vực, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Manila mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

"Trong khi động thái này rõ ràng không thúc đẩy sự ổn định của khu vực, chúng tôi vẫn xin nhắc lại ưu tiên của chúng tôi về các lựa chọn ngoại giao, chính trị và pháp lý để đưa ra giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông", Trưởng văn phòng báo chí của Tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma Jr., nói.

Phản ứng của người dân Trung Quốc

Tiến sĩ Christopher Roberts thuộc Đại học New South Wales, Australia khẳng định, vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã "cấy" vào đầu người dân niềm tin là Biển Đông thuộc "chủ quyền không thể tranh cãi" của nước này.

Ông Roberts dẫn lời một giáo sư Trung Quốc kể lại: "Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, người đó sẽ vẽ bản đồ chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng nếu đề nghị như thế với một người Trung Quốc 25 tuổi, chắc chắn tấm bản đồ sẽ xuất hiện cả Biển Đông".

Trong khi đó, chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge ở Bắc Kinh thì chế giễu: “Nếu cứ làm theo kiểu này của Trung Quốc, khi Mỹ muốn Hawaii và Guam, rồi Anh và Pháp muốn nuốt trọn các lãnh thổ trên biển, họ chỉ cần trưng ra một tấm bản đồ thế giới.” 

Đồng thời, người này cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với mưu đồ thực sự của Trung Quốc đằng sau động thái xuất bản tấm bản đồ khổ dọc mới: “Việc gom hết những quần đảo trên Biển Đông vào lãnh thổ của mình có ích lợi gì không? Nó chẳng có lợi ích gì cả ngoài việc thể hiện một tham vọng rõ ràng.”

Ông này giải thích thêm: “Điều mà Cục Bản đồ Hồ Nam làm khi xuất bản tấm bản đồ này chỉ là thể hiện giọng điệu của những kẻ cực tả được cổ xúy bởi chủ nghĩa dân tộc mù quáng.”

Liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc về đường lưỡi bò ở biển Đông, Việt Nam trước sau như một luôn khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế ở Hà Lan nhằm vô hiệu hóa yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư