Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Pháp lệnh ngoại hối: Thêm công cụ chống đôla hóa
Hà Tâm - 05/07/2013 14:23
 
Sáng nay (5/7), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm công cụ để chống đô la hóa, vàng hóa. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định rõ hơn về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.  
TIN LIÊN QUAN
Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ bị NHNN quản lý chặt hơn trước

Sáng nay (5/7), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sẽ giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành thị trường ngoại hối tốt hơn.

Pháp lệnh quy định, NHNN công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.

Về quản lý vàng với tư cách là ngoại hối, NHNN quản lý vàng thuộc Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật...

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Pháp lệnh quy định: DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép. Việc góp vốn đầu tư, việc chuyển vốn đầu tư gốc, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác phải thực hiện thông qua tài khoản này. Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư, chuyển ra nước ngoài. Trường hợp nguồn thu nói trên là đồng Việt Nam muốn chuyển ra nước ngoài thì được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.

Về đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này. Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.

Về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Pháp lệnh quy định: khi được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, người cư trú được sử dụng 3 nguồn vốn ngoại hối để đầu tư, bao gồm: Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép; Ngoại tệ mua tại tổ chức tín dụng được phép; Ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Khi được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, người cư trú phải mở tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký việc thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Về việc chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về Việt Nam, Pháp lệnh quy định: Vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp từ việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan chuyển về Việt Nam phải thông qua tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép.”

Về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài: Tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, người cư trú không phải là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Về việc vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ: Việc Chính phủ vay, ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện vay, trả nợ nước ngoài; bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với các đối tượng khác, các cá nhân không bị hạn chế việc vay và trả nợ nước ngoài. Việc vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Để hạn chế tình trạng đô la hóa, Pháp lệnh cũng ghi rõ, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư