Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VII
Hưng Anh - 02/08/2024 07:07
 
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp báo, phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VII năm 2024.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Bước sang năm thứ 7 giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức, thời gian qua, có thể thấy số lượng, chất lượng các tác phẩm tham gia giải ngày càng được đánh giá cao, mang lại tác động lớn cho xã hội.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kỳ vọng Giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" là sân chơi cho các phóng viên, nhà báo. 

Nhấn mạnh bản chất của giáo dục là gắn liền với con người, giáo dục cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn xã hội, Thứ trưởng cho rằng, thành công của ngành Giáo dục luôn gắn liền với phản ánh trên báo chí và báo chí cũng luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Giáo dục, tất cả vì sự cống hiến cho xã hội.

Thứ trưởng kỳ vọng Giải báo chí sẽ là một sân chơi để các phóng viên, nhà báo có thêm động lực, có thêm sự giao lưu để làm nên những tác phẩm tốt nhất. Đó là những tác phẩm được chọn lọc, chau chuốt, từ chọn chủ đề, xây dựng kịch bản, đến khi thực hiện. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhiều năm qua, qua các tác phẩm, nổi lên là phản ánh về con người: người học, người thầy, nhà quản lý giáo dục. Từ việc phản ánh, Thứ trưởng mong muốn các nhà báo hãy tiếp tục theo dõi các nhân vật trong tác phẩm của mình, giúp cho ngành Giáo dục và xã hội theo sát sự tác động của giải tới đời sống của từng nhân vật. 

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, báo chí không chỉ phản ánh những vấn đề nóng, mà cần đi sâu vào những vấn đề có tính hệ thống, có tác động lâu dài. Ví dụ như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với ngành Giáo dục, trong từng cấp học, bậc học; với nhà giáo; sự đổi mới, tác động lâu dài trong sự phát triển của đất nước, để xã hội thấu hiểu với hiện tại và chia sẻ với những thách thức của ngành Giáo dục trong tương lai.

“Một tác phẩm báo chí thành công, không chỉ là phản ánh “màu hồng” hay “màu xám”, mà quan trọng là tác phẩm đó cần mang lại tác động tích cực cho xã hội. Vì thế, nếu có những nơi làm còn chưa tốt, còn hiện tượng tiêu cực, Bộ GD&ĐT mong muốn các nhà báo phát hiện những vướng mắc để giải quyết sớm, hạn chế và hướng tới loại bỏ những tiêu cực”, Thứ trưởng chia sẻ.

Theo bà Đinh Thị Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện Hội đồng Ban giám khảo: Năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự. Chất lượng các tác phẩm khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Thông qua các tác phẩm, chúng ta thấy sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Bà Đinh Thị Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện Hội đồng Ban giám khảo: Năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự.

Đại diện Ban tổ chức, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Giải được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về sự nghiệp Giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó nhấn mạnh giá trị, nâng cao tầm quan trọng của ngành Giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài; thời gian đăng, phát từ ngày 5/9/2023 đến hết ngày 5/9/2024.

Các loại hình báo chí được xét trao giải gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các thể loại gồm tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.

Đặc biệt, Ban tổ chức không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Tác phẩm được xét trao giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố. Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày phát động đến hết ngày 30/9/2024.  

Giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài; thời gian đăng, phát từ ngày 5/9/2023 đến hết ngày 5/9/2024.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024 cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 Giải đặc biệt được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tiền mặt 60 triệu đồng.

Giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật). Mỗi giải thưởng sẽ bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; chứng nhận của Bộ GD&ĐT; tiền thưởng bằng tiền mặt.

Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức dự kiến vào ngày 16/11/2024.

Trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tối 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội đã diễn ra Lễ công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư