-
Tỷ giá sẽ giảm dần trong năm 2025 -
Ngân hàng tìm cách “đẩy” tín dụng ngay từ đầu năm -
Agribank tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 -
Tín dụng bất động sản sẽ tăng mạnh năm 2025, một phần để đảo nợ trái phiếu -
Khách hàng của 7 ngân hàng có thể quét mã QR để thanh toán khi mua sắm tại Lào
Ngân hàng tìm cách “đẩy” tín dụng ngay từ đầu năm
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%. Các tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhiều giải pháp kích cầu, hy vọng “đẩy” tín dụng tăng đều ngay từ những tháng đầu năm, thay vì tăng trưởng âm như hai tháng đầu năm 2024.
Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ, năm nay, ngành ngân hàng đề ra mức tăng trưởng tín dụng 16%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng đã được cấp room tín dụng năm 2025 và đang tích cực triển khai các giải pháp kích cầu ngay từ đầu năm.
“Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác vừa nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cách tính chỉ tiêu tín dụng năm 2025. Theo cách tính này, năm 2025, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13%. Kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng của Agribank là hơn 1,7 triệu tỷ đồng; như vậy, năm 2025, Agribank có thể bơm thêm 230.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 8%. Trong bối cảnh này, chúng tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 sẽ thuận lợi hơn năm 2024”, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay.
Được biết, ngay từ đầu năm 2025, Agribank triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi với pháp nhân (doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, khách hàng lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Theo đó, tùy đối tượng, quy mô, thời hạn vay, khách hàng sẽ được giảm 1,2-1,8%/năm lãi suất cho vay thông thường. Với khách hàng cá nhân, Agribank cũng tung gói tín dụng ưu đãi lên tới 110.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDV cũng đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 (tín dụng tăng 15,3%, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 12,4%). Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 tối thiếu 14%.
Năm nay, NHNN không giao chỉ tiêu tín dụng “cứng” cho từng nhà băng, mà để cho các ngân hàng chủ động đưa ra mục tiêu tăng trưởng theo hệ số áp dụng chung NHNN công bố trên cơ sở chấm điểm xếp hạng, kết quả cho vay năm 2024…
Năm 2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 15,08%. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 16%, song đây không phải là con số pháp định, mà có thể linh hoạt điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tùy vào điều kiện kinh tế, nhu cầu đầu tư, hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhu cầu rót vốn vào một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… thì tín dụng có thể tăng trưởng cao hơn.
Năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn so với 5 năm gần đây (2020-2024) và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài tín dụng lĩnh vực ưu tiên, ngay từ đầu năm 2025, NHNN có công văn đề nghị 9 ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng (gốc là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng).
Theo đề xuất của các tổ chức tín dụng, NHNN đồng ý với đề xuất loại trừ dư nợ cho vay gói tín dụng này vào room tín dụng của các ngân hàng.
Bà Phùng Thị Bình cho biết, việc loại dư nợ gói 145.000 tỷ đồng ra khỏi room tín dụng hàng năm sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong giải ngân cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng nhất trong giải ngân gói tín dụng này.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến hết năm 2024, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 580.000 căn. Trong đó, mới có 96 dự án hoàn thành, với quy mô hơn 57.600 căn. Năm 2024, cả nước chưa đạt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao là hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội.
Theo phản ánh của các ngân hàng, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng đạt kết quả thấp (mới giải ngân trên 1%) do nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm, việc phê duyệt các điều kiện tiếp cận của người dân vẫn còn vướng mắc, một số dự án không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, không thuận tiện cho người lao động làm việc tại đô thị, nên người dân cũng chưa mặn mà vay mua.
Ngoài ra, người dân và các chủ đầu tư cũng cho rằng, gói tín dụng này lãi suất cao, thời gian vay ngắn nên chưa thực sự hấp dẫn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại (là tiền huy động của người dân) do đó không thể giảm sâu lãi suất. Để phát triển nhà ở xã hội, cần phải sử dụng nguồn vốn ngân sách, thay vì vốn của các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, Agribank là ngân hàng dẫn đầu giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2024, ngân hàng đã cam kết cho vay 4.000 tỷ đồng với 13 dự án, 252 khách hàng cá nhân, dư nợ giải ngân thực tế đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Bà Phùng Thị Bình cho rằng, với xu hướng phục hồi của nền kinh tế, cầu nhà ở xã hội tại các địa phương sẽ tăng trở lại, cộng thêm vào động thái tích cực tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sẽ giải ngân tốt hơn trong năm 2025.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, nhiều dự án nhà ở xã hội bế tắc cả năm qua, nhưng đã được giải quyết pháp lý nhanh chóng trong 2 tháng cuối năm 2024. Với đà này, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội sẽ khởi sắc hơn trong năm nay, từ đó thúc đẩy gói tín dụng 145.000 tỷ đồng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại đã tham gia gói tín dụng này phải nghiêm túc cho vay với lãi suất ưu đãi như đã cam kết.
Tín dụng bất động sản sẽ tăng mạnh năm 2025, một phần để đảo nợ trái phiếu
Chuyên gia phân tích VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng cho vay mua nhà tăng gấp đôi từ 10% năm trước lên 20% năm 2025, một phần do thị trường bất động sản phục hồi, một phần do cầu đảo nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường quỹ VinaCapital và bà Nguyễn Thị Thúy Anh, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng VinaCapital cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng năm nay sáng sủa hơn nhờ tín dụng phục hồi.
Nhờ những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản, tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi lên 20% (tức mức tăng khoảng 10% năm 2024).
“Cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến tiếp tục dẫn dắt khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn (trước đây, các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng)”, hai chuyên gia nhận định.
Dù tín dụng tăng một phần xuất phát từ nhu cầu đảo nợ trái phiếu, song một phần khác là do thị trường phục hồi. Bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp. Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện tâm lý tiêu dùng và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Chính phủ cũng dự định hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tổng hòa của việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, củng cố biên lãi ròng (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến tăng tốc từ khoảng 12% năm trước lên 15% năm nay.
Năm nay, các ngân hàng có thể sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các Dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ NIM, do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn.
Cho vay cá nhân và cho vay hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy NIM, cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản có nghĩa là các ngân hàng sẽ không cần tiếp tục tài trợ ở mức lãi suất thấp cho những khách hàng đang gặp khó khăn nữa. Sang năm 2025, nhu cầu tín dụng phục hồi kỳ vọng giúp các ngân hàng lấp đầy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thực chất hơn, giảm bớt áp lực lên NIM.
VinaCapital kỳ vọng NIM của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 và lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng 17% trong năm nay.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng cảnh báo về hiện tượng tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, gây áp lực tăng lãi suất tiền gửi. Ngoài ra, sự mất giá của VNĐ (5% trong năm 2024) cũng đang tạo áp lực tăng đối với lãi suất tiền gửi. Theo dự báo của VinaCapital cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trung bình của ngành ngân hàng sẽ tăng 50-70 điểm cơ bản trong năm nay.
Ngân hàng phải báo công an khi phát hiện ít nhất 5 tờ tiền giả trong một giao dịch
Ngân hàng phải thông báo cho cơ quan công an khi phát hiện: Tiền giả loại mới; Có ít nhất 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 58/2024/TT-NHNN hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.
Thông tư quy định, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an trên tiền thật và xử lý như sau:
Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản, phải thực hiện thu giữ, lập biên bản theo, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Theo quy định, việc đóng dấu “TIỀN GIẢ” được thực hiện lên 2 mặt của tờ tiền giả, mỗi mặt đóng một lần và bấm 4 lỗ trên tờ tiền giả (mỗi cạnh chiều dài tờ tiền giả bấm 2 lỗ tròn cân đối bằng dụng cụ bấm lỗ tài liệu dùng cho văn phòng).
Trường hợp xác định là tiền giả loại mới, phải thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP nhưng không đóng dấu, không bấm lỗ tiền giả.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo bằng văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn). Nội dung thông báo bao gồm các thông tin về loại tiền, số lượng, seri và mô tả đặc điểm của tiền giả.
Thông tư cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường hợp sau: Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tiền giả loại mới; Có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn tiền, sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt quy định tại khoản 1 và điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm đóng gói, niêm phong tiền giả. Niêm phong tiền giả được thực hiện theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được đóng dấu “TIỀN GIẢ” trên niêm phong để phân biệt với tiền thật.
Theo đó, tiền cotton giả, tiền polymer giả: 100 tờ tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu đóng thành 1 thếp; 10 thếp đóng thành 1 bó (1.000 tờ) và niêm phong. Tiền kim loại giả: 100 miếng cùng mệnh giá được đóng thành 1 túi nhỏ và niêm phong; 10 túi nhỏ đóng thành một túi lớn (1.000 miếng) và niêm phong. Trường hợp không đủ số lượng để đóng bó (hoặc túi), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cũng thực hiện đóng gói, niêm phong, ghi rõ số lượng tờ (hoặc miếng) để thuận tiện trong giao nhận. Tiền giả được bảo quản riêng trong kho tiền của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp toàn bộ số tiền giả đã thu giữ về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch theo định kỳ hàng tháng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao nộp. Trường hợp phát hiện tiền thật trong số tiền giả giao nộp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và có văn bản yêu cầu đơn vị giao nộp phải hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng và báo cáo kết quả trong thời gian 30 ngày.
Tờ tiền thật đã đóng dấu “TIỀN GIẢ” và bấm lỗ được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cắt góc 1/8 diện tích tờ tiền, thu đổi ngang giá trị (ghi Có) cho đơn vị giao nộp (không thu phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) và đóng gói, giao nhận như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải giao nộp tiền giả ít nhất 6 tháng một lần (nếu có) Về Kho tiền Trung ương. Việc giao nộp có thể kết hợp với việc điều chuyển tiền đi, đến của Ngân hàng Nhà nước.
Về giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước, Thông tư quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập 1 bộ hồ sơ đề nghị giám định theo quy và nộp trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc Sở Giao dịch hoặc Cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hà Nội), Chi cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hồ Chí Minh). Việc giám định được thực hiện miễn phí.
Trường hợp không kết luận được tiền thật hay tiền giả, chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được tiền giả, tiền nghi giả cần giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có văn bản đề nghị và chuyển số tiền giả, tiền nghi giả này về Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ để giám định; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để biết.
Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo kết quả giám định bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định biết.
Tín dụng bất động sản vẫn chảy vào doanh nghiệp
Lãi suất thấp được duy trì sẽ kích thích cầu tín dụng mua nhà, sửa nhà phục hồi vào năm 2025. Dù vậy, do nguồn cung nhà giá thấp ít ỏi, dòng vốn tín dụng được dự đoán vẫn chảy chủ yếu vào doanh nghiệp.
Tính tới ngày 25/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,82% (khoảng 15,4 triệu tỷ đồng). Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính tới cuối năm 2024, ngành ngân hàng cán đích mục tiêu tăng trưởng tín dụng (khoảng 15%).
Hiện NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản cả năm 2024, song với tỷ trọng khoảng 21 - 22% % tổng dư nợ, tín dụng bất động sản năm 2024 ước đạt 3,3 - 3,4 triệu tỷ đồng. Năm 2025, nếu tín dụng tăng trưởng đạt mục tiêu 16% và tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản ở mức như hiện nay, quy mô tín dụng bất động sản sẽ đạt 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng.
Nếu những năm trước, vay tiêu dùng bất động sản thường tăng trưởng hai con số và chiếm tới 70% tổng dư nợ tín dụng, thì năm 2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng chậm, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng hai con số.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2025, tín dụng bất động sản vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Cá nhân chưa mặn mà vay mua nhà bởi giá nhà quá đắt đỏ.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu và tiềm năng của phân khúc cho vay mua nhà còn rất lớn, nhưng cần thêm thời gian để các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung phù hợp với khả năng chi trả của người dân, giúp kéo giảm giá nhà và kích thích nhu cầu vay mua nhà quay trở lại mức tăng trưởng trung bình trên 20%/năm như giai đoạn trước năm 2022.
Dự báo, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, từ đó thúc đẩy cầu vay mua nhà để ở, đầu tư. Dù vậy, nhiều khả năng, một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2025 - 2026.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cảnh báo, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng phục vụ mục đích đảo nợ trái phiếu để giảm rủi ro nợ xấu, cũng như có giải pháp hữu hiệu hơn để tháo gỡ vấn đề vốn cho thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh tín dụng bất động sản năm 2025 dự báo tiếp tục chảy mạnh về phía cung (chủ đầu tư) thay vì phía cầu (người mua nhà), lãi vay mua nhà dự báo vẫn ở mức thấp. Hiện nhiều ngân hàng thương mại tung ra mức lãi vay ưu đãi rất thấp với các khoản vay mua nhà. Theo đó, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi chỉ từ 5,3 đến 7,2%/năm (thường áp dụng cho năm đầu tiên).
“Chúng tôi kỳ vọng, lãi suất huy động năm 2025 ổn định và lạm phát thấp giúp giữ được lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi thấp hơn mức trước Covid-19, hỗ trợ tăng trưởng thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp cộng thêm các luật mới về đất đai có hiệu lực, Chính phủ hỗ trợ tăng nguồn cung…, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi”, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI nhận định.
Theo dự báo của CBRE, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội có thể đạt 30.100 căn năm 2025, nhích nhẹ so với năm 2024. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, với sự tháo gỡ pháp lý, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội năm nay có thể lên tới 45.000 căn.
Ngay cả khi nguồn cung tăng, thanh khoản thị trường cũng như tín dụng bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại. Theo chuyên gia SSI Research, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tiếp tục ở mức thấp trong 2 năm tới. Nếu lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà tăng lên 9-10%/năm, thì thị trường bất động sản sẽ chững lại, bởi lãi vay tăng sẽ gây áp lực cho người mua nhà trong thanh toán gốc, lãi.
“Nhìn chung, lãi suất năm 2025 tiếp tục ở mức thấp, song cầu vay mua nhà của người dân chưa thể tăng mạnh, do giá nhà ở quá cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong báo cáo vĩ mô mới đây, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, năm 2025, thị trường bất động sản được hỗ trợ tích cực bởi hành lang pháp lý, nhiều doanh nghiệp khởi động lại các Dự án lớn. Sự khôi phục của tâm lý người mua nhà cũng giúp tín dụng mua nhà phục hồi khả quan. Tuy vậy, tín dụng bất động sản vẫn chủ yếu tập trung vào các chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng…
Tiếp tục chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu trong vài ngày tới
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc thêm 2 ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |
Thông tin trên được Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức ngày 8/1/2025.
"Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, sau những biến cố, vụ việc xảy ra, hệ thống ngân hàng đã nhận diện được nhiều vấn đề, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đã đưa các quy định sửa đổi vào Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi theo hướng chủ động từ sớm, từ xa", Thống đốc cho biết thêm.
Trao đổi với báo chí hôm qua, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về việc chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém, bao gồm 1 ngân hàng mua lại 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Việc chuyển giao này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Trước đó, VPBank và HDBank đã nhiều lần công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Nhiều khả năng, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc GPBank còn HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc DongABank.
Vào ngày 17/10/2024, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng đã được hoàn tất chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào ngày 17/10.
Riêng về trường hợp SCB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, SCB có quy mô khá lớn. Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
“Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất“, Phó Thống đốc cho biết.
Trước đó, chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng:
“Xử lý ngân hàng yếu kém diễn ra chậm do đòi hỏi yêu cầu rất cao, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền nên quá trình, bước đi phải thận trọng. Việc xem xét lựa chọn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải được đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo các ngân hàng này có đủ khả năng tiếp nhận, không ảnh hưởng đến sức khỏe của ngân hàng đó cũng như an toàn hệ thống”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ về hình thức M&A chưa từng có tiền lệ này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đây chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Từ 1/7/2024, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc thì mới có hành lang pháp lý để thực hiện. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.
Sau hơn một thập kỷ tìm kiếm các giải pháp, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém vẫn phải dựa vào nguồn lực trong nước bởi với sức khỏe của các ngân hàng này, nhà đầu tư ngoại không mặn mà, chưa nói đến vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại với ngân hàng nội. Ngoài ra, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không chỉ nhìn từ góc độ lợi ích mà còn từ trách nhiệm của các ngân hàng trong nước với nhau. Theo đó, các ngân hàng nội tham gia “gánh vác” ngân hàng yếu một phần vì tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu lành mạnh hệ thống.
Chưa có hiện tượng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, một số ngân hàng tăng lãi suất song vẫn trong phạm vi chấp nhận được, hiện chưa có tình trạng tiền gửi chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hay chảy sang kênh đầu tư khác.
Trao đổi với báo chí chiều nay (7/1), Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy vậy, mức tăng lãi suất vẫn “trong khung”, chưa gây ra tác động bất lợi với chính sách tiền tệ nên chưa cần có biện pháp tác động để ngăn chặn việc lãi suất huy động tăng quá cao, tạo mất cân bằng.
Thực tế, lãi suất được một số ngân hàng điều chỉnh tăng song cũng không tạo chênh lệch quá nhiều, không dẫn tới tình trạng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hay chảy sang kênh đầu tư khác.
Theo thống kê của NHNN, năm 2024, lãi suất huy động bình quân tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng Big4 giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm so với cuối năm 2023. Việc giữ ổn định lãi suất đã góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 3,63%, tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024.
Liên quan đến tình trạng một số ngân hàng đưa ra các mức ưu đãi khác nhau cho khách hàng VIP, áp dụng chính sách huy động khác nhau giữa các chi nhánh, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm, về nguyên tắc, lãi suất huy động do cung – cầu thị trường quyết định. NHNN đã có thông tư quy định các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi của khách hàng phải có quy trình nội bộ chặt chẽ. NHNN sẽ rà soát việc thực hiện quy trình nội bộ của các ngân hàng trong thực hiện huy động vốn.
Năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao. Việc ổn định lãi suất điều hành tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
“Lãi suất điều hành năm 2024 tiếp tục duy trì sự ổn định, hài hòa giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng như hài hòa với lợi ích của nền kinh tế. Dù không điều chỉnh lãi suất điều hành song NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Năm 2025, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể: (i) Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...
Chia sẻ tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: tài chính Thịnh vượng” mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, năm 2025, NHNN Nếu không tăng lãi suất thì có thể phải điều chỉnh biên độ tỷ giá.
“Có thể về xu hướng trong năm 2025, lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. Nếu NHNN chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn”, ông Sơn nhận định.
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% trong cả năm 2025. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định.
Dừng cơ cấu nợ, nhiều ngân hàng đối mặt với nợ xấu bất động sản
Từ 1/1/2025, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực. Theo chuyên gia phân tích, một số ngân hàng có các khoản nợ tái cơ cấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.
Đến nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thông báo gia hạn Thông tư 02. Như vậy, nhiều khả năng, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ không còn tiếp tục được gia hạn.
Theo VIS Rating, Thông tư 02 hết hiệu lực, chất lượng tài sản của các ngân hàng năm 2025 vẫn có thể kiểm soát được. Lý do là các ngân hàng đã ghi nhận tốc độ hình thành nợ có vấn đề chậm lại khi dòng tiền hoạt động của người đi vay dần được cải thiện xuyên suốt cả năm 2024.
Khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tuy vậy, tác động lên kết quả kinh doanh vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.
Những ngân hàng có các khoản nợ tái cơ cấu đáng kể liên quan đến các khách hàng lớn và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ có rủi ro tài sản cao nhất, đơn cử như VPBank.
“Chúng tôi lưu ý rằng những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản vẫn đang vướng mắc các vấn đề pháp lý hoặc nhu cầu thấp tại các Dự án mới của họ. Các ngân hàng này cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn”, chuyên gia phân tích VIS Rating cảnh báo.
Dù vậy, theo nhóm phân tích, số ngân hàng gặp khó khăn vì dừng chính sách cơ cấu nợ không nhiều. Nhìn chung, khả năng trả nợ của người đi vay thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường trong bối cảnh điều kiện kinh doanh và kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Theo NHNN, tổng nợ có vấn đề của ngành ngân hàng - bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC - ổn định ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối tháng 6/ 2024.
Trong ba quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn của các ngân hàng nói chung đã chậm lại. Hầu hết các ngân hàng tự tin rằng dòng tiền trả nợ của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ điều kiện hoạt động kinh doanh trong nước tốt hơn. Quy mô các khoản nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể tại một số các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân (ví dụ: TCB, ACB, HDB, VIB).
Kết quả khảo sát NHNN cho thấy, trong Quý I/2025 và cả năm 2025, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng giảm trong quý IV/2024 so với quý trước và kỳ vọng tiếp tục giảm trong quý I/2025.
Trước đó, chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán TPBank (TPS) cũng cho rằng, trong năm 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% được hỗ trợ bởi các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng nhẹ do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản.
-
Phát hiện tiền giả phải báo công an; ngân hàng đối mặt với nợ xấu bất động sản -
Tín dụng bất động sản sẽ tăng mạnh năm 2025, một phần để đảo nợ trái phiếu -
Khách hàng của 7 ngân hàng có thể quét mã QR để thanh toán khi mua sắm tại Lào -
MSB bổ nhiệm nhân sự cấp cao, tham vọng "lột xác" Công ty tài chính tiêu dùng TNEX Finance -
Chuỗi hoạt náo của FE CREDIT: Nhộn nhịp khách hàng đến tư vấn và nhận quà -
Kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng khởi sắc trong năm 2025 -
Chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân trước ung thư giai đoạn sớm
- Lễ hội “Taste of Queensland 2025 “ thưởng thức bò Úc hảo hạng với ưu đãi hấp dẫn tại FujiMart
- Japfa Việt Nam lọt Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín
- Ngân Tín Group tiếp tục vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- Newtown Diamond tại Đà Nẵng có gì thu hút nhà đầu tư mới?
- Agribank tiếp sức doanh nghiệp với 5 chương trình tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2025
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam