Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phát huy nội lực để ứng phó với tác động từ cuộc chiến thương mại
Mạnh Bôn - 06/10/2018 07:52
 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có xu hướng ngày càng leo thang. Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam phải kiên định “ngoại lực quan trọng, nhưng nội lực mới là quyết định” trong phát triển kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Mỹ và Trung Quốc là hai trong số 6 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thưa ông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam thế nào?

Về lý thuyết, nhiều chuyên gia kinh tế đã bình luận rằng, một khi Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam hạn chế nhập hàng của nhau thông qua việc đánh thuế nhập khẩu rất cao, lên mức 25%, tối thiếu là 10%, thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Lý do là, khi cả 2 bên Mỹ và Trung Quốc đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của nhau sẽ tạo ra khoảng trống thị trường và đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào cả 2 thị trường quan trọng bậc nhất này.

.
.

Vậy quan điểm của ông như thế nào?

Đúng là Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, nhưng không nhiều, vì nguyên liệu thô là mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ rất lớn, đứng thứ 2 về kim ngạch nhập khẩu, sau máy móc và thiết bị vận tải. Tuy nhiên, trong nhóm mặt hàng nguyên liệu thô này, Việt Nam chỉ có lợi thế xuất khẩu bauxite, nhưng giá trị gia tăng cũng không lớn lắm vì Việt Nam mới dừng lại ở bauxite, chứ chưa tinh luyện từ bauxite ra nhôm để xuất khẩu. 

Kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị vận tải; hàng chế tác; hóa chất. Với những mặt hàng này, dù có chiến tranh thương mại hay không, Việt Nam cũng không được hưởng lợi. Việt Nam có chăng đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ mặt hàng thực phẩm vì mặt hàng này, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc tới 6,29 tỷ USD trong năm 2017. 

Một khi hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế vào Mỹ, thì Việt Nam là thị trường lý tưởng để nước này đẩy mạnh xuất khẩu. Ông có lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam?

Dù cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới không xảy ra, thì Trung Quốc vẫn luôn cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam - một thị trường lớn và có rất nhiều lợi thế trong việc tiêu dùng hàng bình dân. Đây là điều tất yếu. 

Tôi cho rằng, nếu bị hạn chế xuất khẩu vào Mỹ mà hàng Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam, ở khía cạnh nào đó thì cũng là điều tốt. Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, khi bia Vạn Lực tràn ngập thị trường Việt Nam, sau đó là xe máy Lifan… Nhưng chỉ sau một thời gian không dài, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam trưởng thành rất nhanh, đã sản xuất ra hàng hóa tương tự với chất lượng cao hơn, hình thức đẹp hơn, giá thành cạnh tranh, nên thị trường đã vắng bóng bia Vạn Lực, xe máy Lifan…

Có nghĩa là, không đáng ngại nếu hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam?

Trung Quốc và Mỹ là hai trong số 6 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ sự thay đổi chính sách nào về thương mại của họ cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nước ta. 

Không phải bây giờ, mà ngay từ khi Việt Nam mới bắt đầu hội nhập kinh tế thế giới, Nghị quyết 04-NQ/TW (ngày 29/12/1997) Khóa VIII đã yêu cầu phải xác định những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu trong nước và có khả nǎng tiêu thụ ở ngoài nước để định hướng và khuyến khích phát triển. Hơn 20 năm qua, trong suốt quá trình mở cửa thị trường, hội nhập với kinh tế thế giới, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn xác định “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”.

Ở khía cạnh thị trường, nội lực chính là thị trường nội địa với hơn 93 triệu dân. Điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, điện tử… sản phẩm chế biến - chế tạo là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Doanh nghiệp nội địa có thể chưa sản xuất được sản phẩn hoàn chỉnh, nhưng hoàn toàn có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng, chi tiết, nguyên liệu, phụ liệu, phụ kiện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm “made in Vietnam” với hàm lượng nội địa hóa cao, giá thành hợp lý không chỉ đẩy lùi được hàng hóa cùng loại nhập khẩu, mà có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc… khi các nền kinh tế này bước vào cuộc chiến thương mại. 

Nhưng đẩy mạnh xuất khẩu là việc không hề dễ khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, thưa ông?

Chúng ta đã đàm phán, ký kết, thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Các nước đã ký FTA không thể xây dựng hàng rào thuế quan để ngăn cản hàng hóa nhập khẩu nếu như Việt Nam đáp ứng yêu cầu về xuất xứ. Xuất xứ hàng hóa chính là nội lực, đó là việc doanh nghiệp nội địa ngày càng tham gia sâu hơn trong việc cung cấp linh kiện, phụ tùng, chi tiết, nguyên liệu, phụ liệu, phụ kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thường bị “gây khó dễ” là thủy hải sản, vì quá trình đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa kể còn phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của nước nhập khẩu. 

Tôi nghĩ rằng, yêu cầu nhập khẩu khắt khe hàng thủy sản, hải sản bước đầu gây ra khó khăn cho người dân, nhưng đây lại là cơ hội để người dân thay đổi cách thức đánh bắt, nuôi trồng. Ví dụ, khi xuất khẩu mặt hàng tôm nuôi gặp khó khăn, người dân miền Tây chuyển đổi từ nuôi công nghiệp sang nuôi tôm trên cánh đồng lúa, nuôi đồng thời với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nên hàng xuất khẩu có giá rất cao và không thị trường nào từ chối.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư