Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phát triển doanh nghiệp gắn với cộng đồng
- 22/02/2013 00:00
 
Kinh doanh những sản phẩm sinh thái, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với cộng đồng là mô hình đem lại sự phát triển bền vững và thành công bước đầu cho một số doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Du khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng của Ecolife

Hiện cộng đồng ven biển Việt Nam đang sống trong vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Doanh nghiệp xã hội Ecolife đã chọn du lịch sinh thái làm hướng phát triển của mình. Từ khi thành lập (tháng 9/2010), Ecolife đã giúp 1.000 người dân tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định và xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình tham gia kinh doanh sản phẩm và dịch vụ liên quan tới du lịch sinh thái cộng đồng.

Bà Hồ Thị Yến Thu, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Ecolife cho biết, Ecolife là đơn vị trung gian xây dựng năng lực cho các hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng, cùng các đơn vị này thiết kế sản phẩm, dịch vụ, thử nghiệm hoàn thiện và tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Công ty cũng huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức xã hội giúp các hợp tác xã này để họ cung cấp trực tiếp các sản phẩm du lịch tại địa phương.

Ngoài ra, Ecolife cũng tiếp cận các công ty du lịch, lữ hành trong nước và quốc tế, các tổ chức tình nguyện, trường học, dự án phát triển các khu bảo tồn, tổ chức phi chính phủ liên quan tới cải thiện sinh kế và biến đổi khí hậu, để đưa du khách trải nghiệm những sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.

Mục tiêu của Ecolife trong giai đoạn 2010-2015 là giúp 10.000 người dân các tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn mà Ecolife đang gặp phải là chi phí đầu tư cho các vấn đề bảo vệ môi trường rất lớn. “Nếu hạch toán chi phí như doanh nghiệp thông thường thì Ecolife sẽ bị lỗ”, bà Thu thừa nhận.

Cùng lựa chọn mô hình phát triển doanh nghiệp gắn với cộng đồng và thúc đẩy thương hiệu sản phẩm tại địa phương, nhưng Công ty DK Pharma (thuộc Đại học Dược Hà Nội) lại chọn hướng phát triển của một doanh nghiệp có lợi nhuận, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. “Chúng tôi không hướng tới mô hình phát triển là các hợp tác xã, mà hướng người dân trở thành cổ đông của một doanh nghiệp thực sự có tư cách pháp nhân”, ông Trần Văn Ơn, Giám đốc Công ty DK Pharma cho biết.

Doanh nghiệp đầu tiên ra đời từ sự hỗ trợ của DK Pharma là Công ty cổ phần Sapa Napro tại xã Tả phìn, Sa Pa, Lào Cai. Sapa Napro đã thành công khi sản xuất dòng sản phẩm thuốc tắm Dao’spa (gồm 3 sản phẩm Dao’spa Relax, Dao’spa Women và Dao’spa Mama) đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Mục tiêu của Sapa Napro đến năm 2015 là có 5-7 sản phẩm khác được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đạt tiêu chuẩn theo luật định, có dây chuyền sản xuất theo hướng GMP (thực hành sản xuất tốt) và trên 5 ha nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GAP (thực hành trồng trọt tốt).

Cùng áp dụng mô hình trên, DK Pharma cũng hỗ trợ Công ty DK Natural JSC tại Thái Nguyên của người Tày, Sán, Dao trồng, chế biến và chiết xuất dây thìa canh thành sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Tại Lào Cai, Công ty cũng liên kết với Công ty MV-Herb JSC của đồng bào dân tộc Giáy trồng, chế biến và chiết xuất gừng tía thành các sản phẩm dầu xoa bóp giảm đau.

Chìa khóa thành công cho mô hình doanh nghiệp cộng đồng và phát triển những sản phẩm địa phương là sự nỗ lực và kiên trì. TS. Ơn cho biết, DK Pharma đã mất 2 năm kiên trì phát triển doanh nghiệp cộng đồng trước áp lực thôn tính từ các doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn.

“Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm nêu trên trên thị trường, bởi dù sản phẩm tốt, nhưng khâu marketing kém cũng sẽ không đem lại thành công. Trung bình, mỗi sản phẩm phải mất khoảng 2 năm mới có chỗ đứng”, ông Ơn nói.n Hải Hà

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư