Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bám sát quy hoạch tích hợp
Huy Tự - 01/08/2022 18:36
 
Sáng 01/8/2022 tại TP. Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022).

Đây là năm thứ hai Báo cáo được thực hiện và là báo cáo đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước, với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành 28/2/2022 vừa qua.

Lãnh đạo VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: về kinh tế ĐSBCL trong năm qua, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL, vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là – 0,8% và – 1,8%.

Điều đáng lưu ý là năng lực cạnh tranh nông nghiệp của ĐBSCL không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng không chỉ đến từ những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất mà đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Điều đặc biệt thú vị ở ĐBSCL là khác với mô thức chuyển đổi cơ cấu phổ biến, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tất nhiên, việc hiện thực hóa tiềm năng này tùy thuộc vào chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn.

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Fulbright Việt Nam lưu ý: Nhìn từ chiều ngược lại, việc tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. Mặc dù phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Tuy nhiên Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Thông điệp chủ chốt trong Báo cáo Kinh tế thường niên 2022 là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Trọng tâm nghiên cứu trong Báo cáo năm nay, mục tiêu điểm gồm 03 nội dung được phân tích chuyên sâu với nhiều kết quả khả quan:

Tiêu điểm 1: Chuyển đổi nông nghiệp. Báo cáo chỉ ra  ĐBSCL phải đối diện 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.

Tiêu điểm 2: Hạ tầng giao thông và logistics. Báo cáo tiếp tục phân tích và chỉ ra rằng trong nhiều năm qua, hạ tầng đường bộ là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL. ĐBSCL là hai vùng có tỷ lệ đường quốc lộ so thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, lần lượt chỉ chiếm 3,5% và 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP cho cả nước. ĐBSCL hiện chiếm khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam với vai trò tập kết, thu gom hàng của Vùng. Ngành logistics tại ĐBSCL hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, bao gồm hệ thống đường bộ xuống cấp, chưa đồng bộ; luồng sông, luồng tàu tại các tuyến sông vào cảng biển khu vực ĐBSCL còn hạn chế.

Tiêu điểm 3: Tác động của Quy hoạch tích hợp lên 03 lĩnh vực chính: chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và phát triển năng lượng.

Tác động của Quy hoạch tích hợp với cơ sở hạ tầng giao thông và logistics ĐBSCL. Quy hoạch tích hợp được kỳ vọng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận tải và logistics cho vùng ĐBSCL nhờ cải thiện đáng kể kết nối giao thông (nội vùng lẫn ngoại vùng, đường bộ lẫn đường thủy nội địa), hình thành các vùng nguyên liệu tập trung kết nối với các trung tâm đầu mối và trung tâm logistics quy mô lớn, khả năng thích ứng với BĐKH.

Theo đó đường bộ sẽ tiếp tục là ưu tiên đầu tư trong 10 năm tới để đóng vai trò kết nối các phương thức vận tải khác. Với đường thủy nội địa, nâng cấp một số tuyến đường thủy, cảng và bến thủy nội địa. Cảng biển nước sâu và đường sắt sẽ chưa được đề xuất trước năm 2030 do chưa đủ nhu cầu và chi phí xây dựng cao. Cảng hàng không vẫn tập trung ở bốn sân bay hiện hữu, với Cần Thơ là sân bay trung tâm cả về vận tải hành khách, hàng hóa, và logistics.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics, vào năm 2020, ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha và tăng lên trên 70 ha vào năm 2030. Trong Quy hoạch tích hợp, trung tâm đầu mối được coi là một “khâu đột phá” về tổ chức phân bố không gian, tích hợp cụm liên kết công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Phù hợp với định hướng phân ĐBSCL thành 14 tiểu vùng, Quy hoạch tích hợp đề xuất hình thành hệ thống 8 trung tâm đầu mối ở các địa phương trong vùng.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất về kinh tế ở ĐBSCL trong hai năm trở lại đây là tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực năng lượng tăng đột biến. Khu vực ĐBSCL có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối. Theo Quy hoạch, ĐBSCL có trên 68.600 MW tiềm năng điện gió trên đất liền và trên 31.500 MW tiềm năng điện mặt trời. Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.

Mục tiêu của ĐBSCL đến năm 2030 phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới, để phát triển hiệu quả và bền vững ĐBSCL, báo cáo chỉ ra 05 yếu tố cần quan tâm và phải chuyển đổi nhanh: Thay đổi về quan điểm an ninh lương thực, tăng cường đầu tư cho vùng nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và logistics, tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và khác phục tình trạng suy thoái môi trường.

Phát triển kinh tế ĐBSCL: Cần đặt khu vực tư nhân vào vị trí dẫn dắt
Muốn đưa Đồng bằng sông Cửu LOng thành vùng đất phát triển và đáng sống cho người dân, cần đặt khu vực tư nhân vào vị trí dẫn dắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư