Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế
Phương Linh - 12/06/2023 16:04
 
Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được Chính phủ và các bộ ngành thúc đẩy, trong đó doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong trong mô hình kinh tế này.

Nhằm đánh giá các thách thức, trở ngại cũng như đề xuất nội dung chính sách đối với kinh tế tuần hòa tại Việt Nam trong thời gian tới, ngày 12/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Phát biểu tại buổi họp, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. 

“Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng,...”, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này sẽ trở nên phức tạp hợp trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Vì vậy, việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp,…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương. Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đây chính là một yêu cầu quan trọng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ. Điển hình như Nestlé Việt Nam, các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.

Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn các chuyên gia cho rằng, cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. 

Mục tiêu xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.

Thúc đẩy công nghệ tái chế chất thải nhựa tiến tới mục tiêu thực hiện nền kinh tế tuần hoàn
Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư