Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Phát triển nội lực thị trường chứng khoán
Thanh Thủy - 04/03/2024 08:11
 
Các giải pháp để tăng số lượng hàng hóa cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết sẽ phát triển nội lực của thị trường, kéo các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Lợi ích trọng yếu mà các doanh nghiệp có được từ thị trường chứng khoán là sự quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn

Tăng chất và lượng của “hàng hóa”

Hơn 2.800 tỷ đồng là số tiền Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REECorp) huy động được kể từ khi tiên phong cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 được tổ chức giữa tuần qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REECorp nhấn mạnh, thị trường chứng khoán là nơi “tôi luyện” cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước.  

Với Vingroup - tập đoàn đang có 3 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn là Tập đoàn Vingroup (VIC), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), lợi ích trọng yếu có được từ thị trường chứng khoán cũng là sự quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Hoạt động huy động vốn được thực hiện đa dạng từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu qua hình thức riêng lẻ và ra công chúng. Không chỉ là số tiền thu về, mà còn là những nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, tạo thành một mạng lưới với kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác về quản trị, sản xuất, kênh bán hàng, vốn hay công nghệ. Hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cũng được quảng bá khi cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Người đứng đầu FPT - doanh nghiệp công nghệ có quy mô vốn hóa đã vượt 5,5 tỷ USD cũng nhấn mạnh, niêm yết trên thị trường là một trong các yếu tố khẳng định thương hiệu, giúp Công ty dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới ở những bước đầu tiên vươn ra toàn cầu.

Tăng “chất” cùng thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp như FPT hay REECorp đều dễ dàng phân phối cổ phiếu phát hành mới trong đợt chào bán cho cổ đông. Cơ cấu cổ đông mở rộng, có nơi lên tới quy mô hàng trăm ngàn nhà đầu tư. “Các công ty niêm yết là ‘hàng hóa’ trên thị trường chứng khoán, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này”, lãnh đạo REECorp đúc kết sau thời gian dài gắn bó với thị trường.

Không chỉ tăng về chất lượng, tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, cũng là tăng cung hàng hóa cho thị trường là những kiến nghị được nhắc đến nhiều nhất tại hội nghị nêu trên. Trong đó, một nguồn “hàng” tiềm năng, nhưng khá mờ nhạt các năm qua là nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Một trong các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn. Nhu cầu là thực có khi rất nhiều văn bản của doanh nghiệp được gửi đến đề nghị sớm triển khai nội dung này khi Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là nội dung cần tập trung trong năm 2024 sau năm 2023 hầu như không có doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên sàn.

Để nội lực được ghi nhận

Trong 10 năm qua (2014 - 2023), thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm, thị trường chứng khoán đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước.

Đối với các tổ chức phát hành, cần khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đánh giá về vai trò huy động vốn của kênh chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thị trường đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Để vai trò kênh dẫn vốn của nền kinh tế được phát huy, cũng như tăng động lực phát triển nội lực, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là “hút” đầu tư gián tiếp nước ngoài, nâng hạng thị trường chứng khoán là mong mỏi của các thành viên thị trường và cũng là câu chuyện “nóng” tại Hội nghị ngành chứng khoán.

Các đầu việc đã được người đứng đầu Chính phủ giao cụ thể. Trong đó, Bộ Tài chính được giao chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường.

“Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ban, ngành tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng. Cuối quý II (30/6/2024) sẽ là thời hạn các ngành báo cáo kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của từng ngành để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể để thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Rốt ráo thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 đang được khẩn trương chuẩn bị, dự kiến có sự tham gia của đầy đủ các bên, được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư